Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

DNNN ở đâu trong cơn sốt gạo?  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DNNN ở đâu trong cơn sốt gạo?  

Gạo mang thương hiệu Vinh Phát bán tại siêu thị Co.opmart với giá theo giá định hướng của nhà nước là 11.300 đồng/kg – Ảnh: THANH LÊ

(TBKTSG Online) – Trong cơn sốt gạo vừa qua, những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) – những đơn vị mà lẽ ra phải ra tay bình ổn thị trường, thì phải chờ đến khi bị “lệnh” mới chịu làm. Có doanh nghiệp còn từ chối với lý do gạo để dành cho… xuất khẩu.

Sở Thương mại TPHCM trong tuần này sẽ có báo cáo gửi chính quyền thành phố toàn bộ tình hình cơn sốt gạo vào cuối tháng 4. Trong đó, sở đề nghị UBND TPHCM khen thưởng các doanh nghiệp đã tích cực tham gia điều tiết thị trường. Nhưng điều đáng nói là các doanh nghiệp này đều không phải là doanh nghiệp nhà nước vốn lâu nay được yêu cầu phải đi tiên phong trong những lúc thị trường gặp bất ổn.  

“Mang tiếng là công ty nhà nước…”  

Ông Trương Trung Việt, Phó giám đốc Sở Thương mại – người trực tiếp cùng Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng tham gia chỉ đạo bình ổn thị trường gạo trong ba ngày xảy ra cơn sốt là 26, 27 và 28-4, bức xúc nói: “Mang tiếng là công ty nhà nước mà Công ty Lương thực TPHCM khi xảy ra sốt gạo, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo sở điện thoại mời họp tìm giải pháp năm lần bảy lượt mà chẳng thèm tới”.  

Tới khi “nước sôi lửa bỏng”, lãnh đạo thành phố ra lệnh thì công ty này chỉ tham gia điều tiết thị trường bằng … 200 tấn gạo cung cấp cho hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, một con số quá nhỏ bé so với nhu cầu gạo bình thường của thị trường thành phố, huống hồ trong những ngày sốt gạo, nhu cầu càng bị đẩy lên cao. Sau đó, thấy tình hình nghiêm trọng thì công ty này mới cam kết tung ra thị trường 1.000 tấn gạo.  

Còn Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), một doanh nghiệp nhà nước có các công ty kinh doanh gạo chân rết ở khắp các tỉnh, thành phía Nam, có trụ sở tại TPHCM thì mãi cho tới khi tình hình sốt gạo quá nghiêm trọng, và có sự chỉ đạo từ Chính phủ thì mới chịu cung ứng cho thành phố 2.000 tấn gạo với địa chỉ lấy gạo là Nhà máy Satake của Vinafood 2 ở Tân Túc, huyện Bình Chánh.  

Theo lời một cán bộ của Sở Thương mại tham gia trong đợt bình ổn thị trường gạo thì trong kho của Satake lúc đó có tới 9.000 tấn gạo. Trong quá trình kiểm tra vài bao gạo mẫu thì gạo đạt yêu cầu nhưng khi được giao cho Saigon Co.op với số lượng lớn thì hệ thống siêu thị này phát hiện đa phần là gạo bị mốc và mọt, chất lượng quá thấp. Cuối cùng, lãnh đạo Sở Thương mại phải hội ý khẩn với Saigon Co.op và chọn phương án trả gạo lại cho Satake.

“Số gạo mốc, gạo mọt nói trên lúc đó mà tung ra thị trường đang sốt thì cực kỳ nguy hiểm, người dân sẽ nghĩ thế nào về việc nhà nước bình ổn thị trường đang khát gạo bằng loại gạo như vậy?”, ông Việt nói. Do đó, 2.000 tấn gạo mà Vinafood 2 cam kết giao cho thị trường thành phố đành phải lấy từ các tỉnh ĐBSCL, mất 1-2 ngày cho thời gian vận chuyển, bốc xếp. 

Trong khi đó, nhiều cán bộ tham gia kế hoạch bình ổn thị trường gạo những ngày đó cho biết họ khá bực mình khi hai ngày liên tiếp 28 và 29-4, hết Vinafood 2 rồi Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tổ chức họp bàn bình ổn thị trường gạo mà báo chí tường thuật lại giống như hai tổ chức này mới là nhân tố chính trong đợt bình ổn thị trường gạo vừa qua.  

Chưa hết, trong những ngày xảy ra sốt, Tổng công ty Thương mại TPHCM (Satra Group) trong kho có 1.000 tấn gạo, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) trong kho cũng có 2.000 tấn gạo, nhưng ông Việt cho biết thành phố yêu cầu đưa gạo ra bình ổn thị trường thì cả hai tổng công ty này đều khước từ với lý do để dành cho xuất khẩu. Đến khi lãnh đạo UBND TPHCM là Phó chủ tịch Nguyễn Thị Hồng ra yêu cầu thì họ mới tham gia.

“Họ (các doanh nghiệp nhà nước – PV) tham gia bình ổn thị trường gạo quá chậm, quá ư hời hợt và thiếu trách nhiệm”, ông Việt nhận xét.  

Trong cơn hoạn nạn mới hiểu…  

Kinh doanh gạo tại chợ đầu mối gạo Trần Chánh Chiếu – Ảnh: KINH LUÂN

Các doanh nghiệp nhà nước nói trên sẽ được Sở Thương mại đề nghị chính quyền thành phố xử lý nếu là doanh nghiệp thuộc thành phố như Satra Group hay Sagri; còn trực thuộc trung ương như Công ty Lương thực TPHCM và công ty mẹ của công ty này là Vinafood 2, sở sẽ đề nghị trung ương xử lý. Trong khi đó, hai doanh nghiệp được đề nghị khen thưởng, một thuộc thành phần kinh tế tư nhân là Công ty TNHH Vinh Phát và hai thuộc thành phần kinh tế tập thể là Saigon Co.op.  

Vinh Phát, một doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân kinh doanh lúa gạo lâu năm tại TPHCM, ngay trong ngày đầu tiên xảy ra cơn sốt, theo đề nghị của chính quyền thành phố, đã cho thành phố mượn ngay 1.000 tấn gạo để đưa vào hệ thống siêu thị Co.opmart của Saigon Co.op.  

Qua cơn sốt, số gạo của Vinh Phát cho mượn được chuyển thành gạo bán cho Saigon Co.op nhưng Vinh Phát lại tính giá ngang bằng với giá gạo của Vinafood 2 giao cho Saigon Co.op, trong khi Vinafood 2 giao gạo muộn hơn.

Theo quy định hiện nay của Chính phủ và thành phố, không chỉ gạo, mà nhiều mặt hàng khác đều phải niêm yết giá khi mua bán. Ông Việt cho biết, trong ngày 2-5 qua, ông cùng Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Đua và Phó chủ tịch Nguyễn Thị Hồng đi khảo sát thị trường gạo. Khi đến chợ đầu mối gạo Trần Chánh Chiếu thì nhiều tiểu thương kinh doanh gạo ở đây thực hiện khá nghiêm túc việc niêm yết giá, trong khi hai cửa hàng kinh doanh gạo  thuộc Công ty Lương thực TPHCM cũng ở chợ này thì ngược lại.  

Khi đoàn kiểm tra hỏi tại sao không niêm yết giá thì nhân viên cửa hàng bảo mấy tháng nay công ty không rót gạo xuống, nên cửa hàng tự tìm nguồn gạo và tự kinh doanh. “Tư nhân họ không niêm yết giá hay niêm yết giá quá cao đã đành, còn cửa hàng gạo của doanh nghiệp nhà nước lại không niêm yết mới là chuyện lạ, trong khi mặt bằng của nhà nước, bảng hiệu cũng của nhà nước”, ông Việt nói.  

Trước đó, trong ngày 29-4, Đội quản lý thị trường 5 B kiểm tra hai cửa hàng gạo nói trên, phát hiện từ ngày 1-1 tới nay, công ty không rót gạo cho cả 2 cửa hàng và người đứng tên phụ trách cửa hàng đã tự bỏ vốn ra mua gạo trôi nổi, không có hóa đơn đầu vào, xuất bán cũng không có hóa đơn, không khác gì một tiểu thương kinh doanh gạo tại chợ Trần Chánh Chiếu.

Từ câu chuyện sốt gạo nhớ lại cơn sốt thịt gà cách đây vài năm tại TPHCM. Khi đó, hai doanh nghiệp tư nhân tham gia bình ổn thị trường hiệu quả hơn cả doanh nghiệp nhà nước là Công ty TNHH Phú An Sinh và Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ.  

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới