Thứ tư, 6/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đố ai bắt được… mùi hôi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đố ai bắt được... mùi hôi

Sơn Tùng

(TBKTSG) - Ngoài ngập nước và cây ngã chết người, tin xấu cuối tuần còn đến từ chuyện mùi hôi trên diện rộng ảnh hưởng đến dân cư trong nhiều vùng ở Nam Sài Gòn cùng một số khu vực lân cận.

Thực ra chuyện mùi hôi này đã râm ran từ mấy tháng trước, nhưng đến nay mới chính thức... lên báo vì mùi hôi “cuốn theo chiều gió” đã vượt mức chịu đựng của dân cư. Không như báo chính thống nói năng có phần chừng mực, bình luận trên các mạng xã hội gay gắt hơn nhiều. Có người còn dám... chỉ đích danh thủ phạm dù chưa có trong tay căn cứ xác đáng.

Nghe báo nói lãnh đạo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng “vào cuộc” để xác định nguyên nhân. Nhưng xem ra việc tìm ra nguyên nhân sẽ là một quá trình phức tạp và có thể là lâu dài. Trong một cuộc phỏng vấn người đứng đầu ngành môi trường thành phố, bạn đọc có thể cảm nhận điều đó. Trước hết là một loạt cuộc “phối hợp”, “khảo sát”, “đánh giá”, “xác định sơ bộ”, “kiểm tra”, “thanh tra”. Rồi sau đó mới đến giai đoạn “thuê đơn vị có chức năng, chuyên môn sâu” để “đánh giá cụ thể nguồn gốc và mức độ ô nhiễm” và “khi đó sẽ đề ra các giải pháp xử lý”.

Như vậy, quan sát những gì đang xảy ra, người ta thấy rằng xử lý vấn đề mùi hôi hoàn toàn không đơn giản chút nào. Ngay cả “cơ quan quản lý môi trường cao nhất” cũng phải hết sức thận trọng và còn phải chờ kết luận của nhiều cơ quan khác và “đơn vị có chức năng, chuyên môn sâu”.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống không thể chờ như vậy. Mùi hôi cũng là một loại ô nhiễm. Theo một tài liệu về ô nhiễm môi trường, “trong các loại ô nhiễm không khí, có lẽ ô nhiễm mùi là vấn đề phức tạp nhất bởi vì mùi là hiện tượng mang bản chất vừa vật lý, vừa hóa học và cả sinh học nữa”.

Hậu quả của nhiều loại ô nhiễm có thể dễ dàng định lượng hoặc quan sát bằng mắt thường. Chẳng hạn, ô nhiễm chất độc như trong vụ Formosa: cá chết trắng biển; hay ô nhiễm nước thải: kênh Ba Bò nước đục ngầu, đầy rác. Như vậy, tìm và ghi lại bằng chứng để làm căn cứ quy trách nhiệm cũng dễ hơn. Người ta có thể chụp ảnh, quay phim một bãi biển đầy xác cá, một dòng sông chết, hay ghi âm nguồn âm thanh trong trường hợp ô nhiễm tiếng ồn.

Tuy nhiên, ô nhiễm mùi hôi lại khác. Với người dân dân bình thường, “bắt giữ” mùi hôi để tìm ra thủ phạm là việc gần như không tưởng. Nhưng tác hại của mùi hôi lên sức khỏe thể chất và tinh thần cũng không kém gì so với các loại ô nhiễm khác. Đây có thể được xem là một hình phạt tra tấn “không đánh mà vẫn đau”, gây ra bức bối và sợ hãi. Không phải chỉ có địch họa, thiên tai mới buộc người dân rời nơi cư trú của mình, ô nhiễm mùi hôi cũng có tác động tương tự. Chẳng phải người ngửi phải mùi hôi luôn muốn đi khỏi nơi mình đang đứng càng nhanh càng tốt hay sao?

Vậy mà có nhiều người trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày đang phải gánh chịu hình phạt mùi hôi như thế, đặc biệt là dân cư ở gần các cơ sở sản xuất thải ra mùi hôi cho dù họ ở nhà mặt tiền hoặc hang cùng, ngõ hẻm. Sau đây là một câu chuyện có thật.

Tại một phường ở một quận trung tâm có một ngôi nhà ba mặt tiền giá trị dễ gì cũng đến cả triệu đô la. Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu chủ nhân ngôi nhà đó không phải là chủ một... vựa mắm. Cũng còn may là người chủ không đặt cơ sở sản xuất mắm tại đó. Ngôi nhà chỉ là nơi đóng gói mắm để từ đó phân phối đi nơi khác. Hàng ngày, từng chiếc xe tải chở những chiếc lu mắm bằng nhựa từ nơi sản xuất ở ngoại thành về đó.

Ông bà ta có câu “khui hũ mắm”. Ai chưa biết nghĩa đen của thành ngữ này có thể đến đó để “trải nghiệm”. Sau khi đóng gói, người ta phải súc sạch các lu mắm. Nước rửa lu được xả thẳng xuống cống. Đến lúc này mới thấy phát minh của nhà vật lý học người Pháp Blaise Pascal về nguyên lý bình thông nhau đã khiến cư dân ở đây khổ đến chừng nào. Bởi mỗi khi nhà mắm xả thải, từng người trong cả khu phố đó đều được hưởng... một phần mùi tanh của mắm thông qua hệ thống ống cống. Có lúc mùi tanh nồng tồn tại đến cả giờ đồng hồ. Và như đã nói ở trên, chưa một người dân nào thành công trong việc... bắt được mùi mắm để làm bằng chứng cho khiếu nại.

Người dân bất lực trước nạn ô nhiễm mùi càng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan về môi trường vì, như đã nói ở trên, chỉ họ mới đủ khả năng tìm ra thủ phạm. Mong rằng các cơ quan hữu quan không để người dân phải nghĩ rằng “dân cần nhưng quan chưa vội”. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới