(KTSG Online) - Các nhà giao dịch bán khống đô la Mỹ chịu tổn thương lớn khi đồng bạc xanh bất ngờ có tuần đầu năm tăng giá mạnh mẽ nhất kể trong hơn một thập niên qua.
- Đô la Mỹ tiếp tục là tiền tệ dự trữ thống trị trên toàn cầu trong 10 năm tới
- Đô la Mỹ mất giá năm đầu tiên kể từ 2020
Chỉ số đô la Mỹ giao ngay của Bloomberg (rổ so sánh đô la so với 10 ngoại tệ mạnh) tăng 0,9% trong tuần đầu tiên của năm 2024. Đây là mức tăng giá mạnh mẽ nhất của đô la trong tuần đầu tiên của năm mới kể từ năm 2011.
Ngay khi trước khi vào năm 2024, nhiều nhà phân tích và nhà đầu tư dự báo đô la Mỹ sẽ đối mặt một năm khó khăn trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẵn sàng giảm lãi suất nhiều đợt.
Theo dữ liệu của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), các nhà giao dịch phi thương mại, các quỹ phòng hộ, công ty quản lý tài sản và những người đầu cơ khác, đã mở vị thế bán khống đô la trong tuần kết thúc vào ngày 2-1.
Cụ thể, có khoảng 98.600 hợp đồng trị giá gần 10 tỉ đô la Mỹ đặt cược đồng đô la sẽ giảm giá. Con số này tăng 26.000 hợp đồng so với tuần trước đó và cũng là khối lượng hợp đồng bán khống đô la lớn nhất kể từ cuối tháng 8 năm ngoái.
“Thị trường bước vào năm 2024 với hoạt động bán khống đồng đô la Mỹ mạnh mẽ. Hiện tại, nhà đầu tư đang đóng môt số vị thế này khi xuất hiện câu hỏi về tốc độ hành động của Fed”, Steve Englander, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô Bắc Mỹ tại Standard Chartered, bình luận.
Đồng đô la tăng giá khi các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai giảm bớt kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất. Vào đầu tuần, Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 12 với quan điểm rằng, lãi suất cần duy trì ở mức cao “trong một thời gian nữa” cho đến khi lạm phát giảm về mục tiêu 2%. Họ vẫn kỳ vọng sẽ giảm lãi suất trong năm nay nhưng thừ nhận, khó xác định thời điểm bắt đầu giảm. Thậm chí, họ đặt ra khả năng tăng thêm lãi suất nếu diễn biến của nền kinh tế bắt buộc như vậy.
Hôm 6-1, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Dallas, Lorie Logan cảnh báo Fed có thể cần nối lại việc tăng lãi suất để ngăn chặn sự sụt giảm gần đây của lợi suất trái phiếu dài hạn. Điều này có thể nhen nhóm lạm phát tăng trở lại.
“Nếu chúng ta không duy trì các điều kiện tài chính đủ chặt chẽ, có nguy cơ lạm phát sẽ tăng trở lại và đảo ngược những thành quả mà chúng ta đã đạt được. Trong bối cảnh các điều kiện tài chính đã được nới lỏng trong những tháng gần đây, chúng ta chưa nên loại bỏ khả năng tăng lãi suất thêm nữa”, Logan cho biết trong bài phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội Kinh tế Mỹ ở San Antonio, bang Texas
Fed đã tăng lãi suất chính sách mạnh mẽ vào năm 2022 và nửa đầu năm 2023 để hạ thấp mức lạm phát cao nhất trong 40 năm. Nhưng kể từ tháng 7 năm ngoái, Fed giữ nguyên biên độ lãi suất ở mức 5,25-5,5%. Giờ đây, các nhà giao dịch dự báo Fed sẽ giảm lãi suất 5 hoặc 6 đợt, với mỗi đợt giảm 25 điểm cơ bản, thay vì 6 hoặc 7 đợt trong năm nay.
“Những gì chúng ta đang thấy trong tuần đầu tiên 2024 là thị trường đang giảm kỳ vọng về tốc độ Fed cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm, thậm chí trong nửa cuối năm và đồng đô la chỉ phản ánh điều đó”, Alan Ruskin, nhà chiến lược vĩ mô của ngân hàng Deutsche Bank, nói.
Một nhóm gồm các nhà giao dịch đầu cơ, các quỹ có đòn bẩy, vẫn nắm giữ đồng đô la nhưng cũng bất ngờ trước sự tăng giá đột ngột của đồng bạc xanh trong tuần này. Dữ liệu CFTC cho thấy các quỹ có đòn bẩy đã cắt giảm mức đặt cược tăng giá đối với đồng bạc xanh xuống còn khoảng 76.100 hợp đồng, giảm khoảng 18.200 đồng so với tuần trước. Đây cũng là mức thấp nhất trong 10 tuần trước đó.
Báo cáo của CFTC cũng cho thấy, các quỹ có đòn bẩy bổ sung vị thế bán ròng lẫn nắm giữ lâu dài đối với đồng yen, đồng thời giảm mạnh các khoản đặt cược giảm giá đối với đồng euro.
Theo Bloomberg, Morning Star, Reuters