(KTSG Online) - Đồng đô la Mỹ sẽ duy trì vị thế là đồng tiền dự trữ thống trị của thế giới trong thập niên tới, theo cuộc khảo sát hàng năm mà Diễn đàn các tổ chức tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF) thực hiện với các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu.
- Các ngân hàng trung ương nhắm đến nhân dân tệ để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối
- Đô la Mỹ liệu có mất vị thế vào tay nhân dân tệ?
Cuộc khảo sát của OMFIF, một tổ chức tư vấn cho các ngân hàng trung ương có trụ sở Anh, cho thấy các ngân hàng trung ương lớn (đang quản lý tổng cộng gần 5 nghìn tỉ đô la tài sản), dự báo tỷ lệ dự trữ của đồng đô la trên toàn cầu tiếp tục giảm với “ tốc độ từ từ”. Tuy nhiên, trong 10 năm tới, đô la vẫn sẽ chiếm 54% tổng ngoại tệ dự trữ toàn cầu so với 58% hiện nay. Đồng tiền dự trữ là tài sản nước ngoài được các ngân hàng trung ương nắm giữ với số lượng lớn để thanh toán quốc tế và hỗ trợ đồng nội tệ.
Trong số những nhà lãnh đạo đang tìm cách thách thức quyền bá chủ của đồng đô la có Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva. Tại một hội nghị ở Paris vào tuần trước, ông đã kêu gọi các thị trường mới nổi xem xét lại sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa cho biết “vấn đề tiền tệ” sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp sắp tới của khối các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào tháng 8.
Sự thống trị của đồng đô la đã giảm dần trong những thập niên gần đây khi vai trò của Mỹ trong thương mại toàn cầu suy giảm. Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga bao gồm việc đóng băng tài sản trị giá hơn 300 tỉ đô la của Ngân hàng trung ương Nga hồi năm ngoái thúc đẩy một số nền kinh tế mới nổi lớn tìm cách tránh xa đồng tiền của Mỹ. Vào thời điểm chuyển giao sang thế kỷ 21, đồng đô la chiếm hơn 70% ngoại tệ dự trữ toàn cầu, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
“Ý thức giảm đô la hóa phù hợp với xu hướng lịch sử trong mười năm qua. Các ngân hàng dự trữ dự báo xu hướng này sẽ không có sự thay đổi lớn”, Nikhil Sanghani, CEO của OMFIF, nói.
Cuộc khảo sát của OMFIF cho thấy 16% ngân hàng trung ương có kế hoạch tăng tỷ lệ nắm giữ đồng đô la Mỹ trong vài năm tới, so với 10% dự định giảm tỷ lệ này. Tuy nhiên, trong 10 năm tới, 6% ngân hàng trung ương cho biết họ dự kiến giảm tỷ lệ nắm giữ đồng đô la.
Trung Quốc, nước nắm giữ tài sản dự trữ lớn nhất thế giới, đang thúc đẩy các nước khác chấp nhận đồng nhân dân tệ nhiều hơn. Tuy nhiên, Sangani cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga khiến vấn đề địa chính trị trở thành “trọng tâm rõ nét hơn”. Ông tiết lộ một số ngân hàng trung ương không muốn đầu tư nhiều vào đồng tiền của Trung Quốc do lo ngại căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Nghiên cứu cho thấy, chỉ 13% nhà quản lý tiền tệ dự trữ được hỏi cho biết dự kiến sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ nhân dân tệ trong năm nay, giảm từ hơn 30% vào năm ngoái.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 10 năm, 20% ngân hàng trung ương dự kiến bổ sung lượng nắm giữ đồng nhân dân tệ, giúp tỷ lệ dự trữ toàn cầu của đồng nhân dân tệ dự kiến tăng từ khoảng 3% lên 6% vào năm 2033.
Cuộc khảo sát của OMFIF cho thấy, đồng euro có thể là đồng tiền hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng rời xa đồng đô la và tâm lý lo ngại đối với Trung Quốc.
Đồng euro hiện chiếm khoảng 23% dự trữ toàn cầu nhưng 14% ngân hàng trung ương cho biết, có kế hoạch tăng nắm giữ đồng euro trong hai năm tới. Điều này đánh dấu sự gia tăng lớn so với năm ngoái khi không có ngân hàng trung ương nào xem xét tăng dự trữ đồng euro.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy không một ngân hàng nào trong số 75 ngân hàng trung ương được hỏi ý kiến dự báo báo lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tgiêu 2% trong vòng từ 12 đến 24 tháng tới. Hơn một nửa số ngân hàng trung ương dự báo lạm phát sẽ vẫn ở mức từ 2-4%, trong khi 48% cho rằng lạm phát sẽ nằm trong khoảng từ 4- 6%.
Theo Financial Times