(KTSG Online) - Thế giới đang trông chờ hội nghị chính sách kinh tế thường niên của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra tại khu nghỉ mát Jackson Hole ở bang Wyoming từ ngày 26 đến 28-8. Điều mọi người đang cố gắng suy đoán lúc này là Fed sẽ đảo ngược chính sách tiền tệ hay không và hệ quả sau đó từ hội nghị Jackson Hole.

Thị trường mới nổi tổn thất trước hội nghị
Đây là năm thứ hai hội nghị Jackson Hole được tiến hành trực tuyến do ảnh hưởng của biến chủng Delta. Ngoại trừ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde tuyên bố vắng mặt, hầu hết thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính các nền kinh tế có trọng lượng đã xác nhận tham dự.
Đồng đô la trong tuần rồi đã tăng giá nhẹ so với các loại tiền tệ khác, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, bởi các nhà đầu tư đang cố tránh các tài sản có tính rủi ro và ra sức đặt cược niềm tin vào cú đảo ngược: thắt chặt chính sách nới lỏng định lượng (quantitative easing – QE) hiện nay.

Các loại tiền tệ ở thị trường mới nổi đã chịu nhiều “tổn hại” trong bảy ngày qua, với nhiều đồng tiền mất hơn 1% giá trị so với đồng đô xanh. Đáng chú là một số loại tiền tệ như real của Brazil và đồng rand của Nam Phi mất tới 3% giá trị - theo ghi nhận của FXStreet. Các đợt trấn áp của chính quyền Trung Quốc đối với các hãng đại công nghệ cũng làm thị trường bị “hôi ê”, chua chát.
Nhà phân tích tiền tệ Neal Kimberley viết trên South China Morning Post rằng: “Thành tích vượt trội của đồng đô la Mỹ trong thời gian qua so với euro, nhân dân tệ và các loại tiền tệ khác ít liên quan đến sức hấp dẫn của đồng đô xanh. Thành tựu đó phụ thuộc vào một loạt các yếu tố kết hợp lại với nhau, khiến nhà đầu tư kinh hãi với các loại tiền tệ khác. Với nhân dân tệ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra không ảnh hưởng lớn, nhưng điều này trở thành một trong các nguyên nhân khiến nhà đầu tư thận trọng”.
Các yếu tố khác được FXStreet đề cập đến: “Các đợt lụt ở châu Âu và Trung Quốc, chủng Delta hoành hành khắp nơi cũng khiến đà hồi phục kinh tế toàn cầu bị khựng lại. Các chiến dịch vaccine triển khai chậm cũng làm tiến trình mở cửa của nhiều nền kinh tế bị đình trệ hoặc khó dự đoán hơn, đặc biệt là ở Đông Nam Á và Đông Á”.
Tiếp tục nới lỏng hay siết chặt?
Sức mạnh của đồng đô Mỹ hiện giờ đứng trên hai trụ chính: vị thế của loại tiền tệ được xem là nơi trú ẩn tài sản an toàn và các biên bản họp FOMC (Hội đồng thị trường mở liên bang) hồi tháng trước mới được công bố hôm 17-8. FOMC đã tiết lộ xu hướng có thể thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay của phe diều hâu trong Fed. Biên bản cũng cho biết các nhà hoạch định chính sách đang dần có tiếng nói chung để bắt đầu giảm dần con số 120 tỉ đô la tiền mua tài sản hàng tháng trước khi kết thúc năm.
Tuy nhiên, lúc này đều là sự mù mờ, ngay cả đối với chuyên gia ngân hàng dày dặn.
“Chúng tôi không mong đợi là có tiết lộ chính sách tại hội nghị Jackson Hole năm nay. Tôi không nghĩ Chủ tịch Jerome Powell sẽ tiên phong đề xuất chấm dứt các chính sách hiện nay vào cuộc họp Fed tháng 9 tới. Bởi sẽ có hàng vạn người nhao nhao chống đối”, Mark Cabana trả lời đài truyền hình CNBC.
Tuy nhiên, Cabana nói rằng ông đã thay đổi suy nghĩ khi xem các biên bản FOMC và hiện ông kỳ vọng là Fed sẽ bắt đầu mua thêm tài sản vào vào tháng 11, thay vì tháng 1 năm sau.
Theo các thành viên tham dự FOMC, ngân hàng trung ương lúc này muốn “duy trì tiến bộ đã đạt được” trong thời gian qua cho đến khi đạt được các mục tiêu việc làm do Fed đề ra. Nhưng các chuyên gia tham dự FOMC nói rằng nếu nền kinh tế vẫn vận hành tốt như mong đợi trong các tháng tới, vấn đề là khi nào Fed sẽ rút ván chính sách tiền tệ khoáng đạt và giảm tốc độ mua sắm có thể đạt được vào cuối năm nay. Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu các đợt bùng dịch mới sẽ làm chệch hướng quyết tâm của Fed hay trì hoãn tiến trình bình thường hóa trở lại chính sách. Lúc này mọi người đang trông chờ vào bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
“Chúng tôi nghĩ rằng các tín hiệu từ Fed khá rõ. Nhưng hiện giờ, an toàn nhất là hãy nghĩ Fed muốn thắt chặt vào cuối năm. Có lẽ là khi họ có đủ dữ liệu để xem nên hay không thực hiện điều đó”, Cabana nói. Ông nói thêm rằng chủ tịch Fed có thể nói nước đôi rằng Fed sẽ đưa ra quyết định theo dữ liệu có được để thắt chặt chính sách tiền tệ.
Nhà kinh tế chính Diane Swonk của hãng kiểm toán Grant Thorton nói rằng ông Powell nên vạch ra lộ trình Fed sẽ siết dần chính sách nới lỏng tiền tệ như thế nào. Tuy nhiên, Fed cần thông báo rõ ràng sẽ nới lỏng trở lại nếu số ca nhiễm tăng nhanh hơn dự báo. “Việc mua tài sản có mục đích ban đầu là bình ổn các định lượng tài chính. Cuộc họp tháng 7 rồi cho thấy các quan chức của Fed muốn giảm việc mua sắm. Và khi họ giảm như vậy, họ sẽ bóp phanh nền kinh tế đang đà chạy tốt”, Swonk phát biểu.
Để tránh việc mua tài sản biến thành cuộc tháo chạy hỗn loạn khỏi thị trường (taper tantrum), Chủ tịch Powell cần đưa ra thông điệp và ngữ cảnh rõ ràng, càng chi tiết càng tốt. “Nếu chuyện mua trở thành phản ứng hỗn loạn, mọi thứ sẽ sụp đổ, nhà đầu tư buộc phải chọn chỗ trú an toàn mới”, Swonk nhận định.
Nhưng chuyện nới lỏng hay siết chặt hiện giờ khó có câu trả lời, bởi Fed sẽ có thể xáo trộn nhân sự chủ chốt trong thời gian tới.
Theo một sắc luật ban hành năm 1977, Tổng thống Mỹ sẽ đề cử chủ tịch và hai phó chủ tịch của Fed trong nhiệm kỳ bốn năm. Thượng viện sẽ bỏ phiếu chuẩn thuận cho ba vị trí này sau đó. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Fed Jay Powell sẽ kết thúc vào tháng 2-2022. Trong khi đó, Phó chủ tịch Randal Quarles sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 10-2021 và tương tự là Phó chủ tịch Richard Clarida vào tháng 9-2022.
Theo Viện Brookings của Mỹ, Tổng thống Joe Biden sẽ đối diện với thách thức là tái bổ nhiệm hay tìm người thay thế cho ba vị trí này.