Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đô thị hóa chậm là ‘thách thức’ cho phát triển của ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đô thị hóa chậm là ‘thách thức’ cho phát triển của ĐBSCL

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – So với năm 2015, tỷ lệ đô thị hoá vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã tăng hơn 4,6%, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với bình quân chung của cả nước. Điều này, đã tạo ra không ít thách thức cho sự phát triển của vùng.

Đô thị hóa chậm là ‘thách thức’ cho phát triển của ĐBSCL
Toàn cảnh hội thảo diễn ra hôm nay, 10-12. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra ở TP Cần Thơ vào hôm nay, 10-12, ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng – đơn vị chủ trì hội thảo – cho biết, vùng ĐBSCL hiện có 174 đô thị, trong đó, có 1 đô thị trực thuộc Trung ương; 2 đô thị loại I thuộc tỉnh; 12 đô thị loại II; 9 đô thị loại III; 23 đô thị loại IV; 27 đô thị loại V.

Theo ông Nghị, tỷ lệ đô thị hoá của vùng ĐBSCL chỉ đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015. “Khu vực đô thị có tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang và hiện đại hơn”, ông Nghị cho biết.

Tuy nhiên, theo đánh giá vị Thứ trưởng Bộ Xây dựng, công tác triển khai quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL vẫn còn chậm và nhiều thách thức. “Điều này, được thể hiện qua tỷ lệ đô thị hoá của vùng vẫn còn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc (cả nước đạt khoảng 40%- PV)”, ông cho biết và dẫn chứng: hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom và xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều chuyển biến, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu.

Đứng trước thực trạng như trên, ông Nghị cho rằng, vùng ĐBSCL lại đang chịu thêm tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn. “Điều này, gây ảnh hưởng ngày càng lớn, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân cũng như phát triển kinh tế”, ông nhấn mạnh.

Để khắc phục những tồn tại, theo ông Nghị, cần thiết phải xây dựng định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng ĐBSCL. “Đây sẽ là cơ sở để xây dựng mới quy hoạch vùng ĐBSCL do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 do Bộ Xây dựng chủ trì”, ông cho biết.

Ông Marcel Reymond, Trưởng bộ phận hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, Giám đốc quốc gia Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), cho biết mối quan ngại về những thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt như: dòng chảy và lượng phù sa suy giảm; nước biển dâng, ngập lụt đô thị ngày càng nghiêm trọng hơn. “Những điều này có tác động tiềm tàng đối với hàng chục triệu dân ĐBSCL, khiến họ có thể mất đi nhà cửa và đất đai”, ông Meycel Reymond cho biết.

Từ phía SECO, ông Meycel Reymond cho biết, đơn vị này sẽ hỗ trợ sáng kiến của Việt Nam và tiếp tục tập trung vào lĩnh vực phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. “Cùng với quý vị, chúng tôi mong muốn đạt được điều này thông qua tăng cường liên kết vùng và quy hoạch đô thị tích hợp”, ông cho biết.

Ông Christoph Klinnert, Giám đốc Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu ĐBSCL thuộc tổ chức GIZ cho biết, mỗi năm Việt Nam phải chịu tổn thất do biến đổi khí hậu lên đến 1-1,5% GDP, nhất là ở vùng ĐBSCL.

Theo ông Christoph Klinnert, để giải quyết những thách thức nêu trên, GIZ đã phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện cải thiện công tác quản lý thoát nước và xử lý nước thải, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro ngập tại các đô thị Việt Nam.

Theo vị đại diện của GIZ, đơn vị này và SECO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn mới, từ năm 2021-2025, trong đó, tập trung vào 4 hợp phần gồm, phát triển đô thị; tích hợp đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và nông thôn; liên kết vùng tại ĐBSCL và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Việc hợp tác nêu trên không chỉ giúp ĐBSCL chủ động ứng phó, vượt qua các thách thức của biến đổi khí hậu, mà còn tạo tiền đề xây dựng mới quy hoạch vùng ĐBSCL cũng như Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Qua đó, tạo ra những đột phá phát triển về kinh tế- xã hội cho vùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới