Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp ASEAN bắt đầu thấm đòn từ hệ lụy của cuộc chiến Nga – Ukraine

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các tập đoàn và doanh nghiệp lớn nhỏ ở Đông Nam Á đang nếm trải những tổn thất nhiều mức độ khác nhau khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang tuần thứ ba. Từ các thương vụ đầu tư chịu tổn thất nặng nề của tập đoàn Charoen Pokphand (CP) của Thái Lan, các hợp đồng mua bán nông sản lỗ lã của các tập đoàn Wilmar hay Olam ở Singapore, đến các tác động trực tiếp đến hồi phục hàng không và du lịch ở  các nước trong khu vực…

Trong khi đó, cuộc chiến cũng là cái cớ tốt cho một vài tập đoàn làm ăn bết bát rút khỏi Nga.

Một cánh đồng lúa mì gần thủ đô Kyiv của Ukraine. Các tập đoàn mua bán nông sản Đông Nam Á đang chịu thiệt hại khi giá lúa mì và dầu thực vật tăng vọt do tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine. Ảnh: Reuters

CP chịu đòn nặng nhất

Chi nhánh CP Foods của tập đoàn CP nằm trong số những công ty chịu tổn thất nặng nhất. Năm 2006, CP đã thành lập công ty con ở Nga chuyên kinh doanh thức ăn gia súc và thịt gà. Tính đến năm 2016, theo trang web của CP, tập đoàn này là nhà sản xuất thịt lớn thứ sáu của Nga. Năm 2020, mảng thị trường nước ngoài tạo ra khoảng 70% trong tổng doanh thu khoảng 590 tỉ baht (khoảng hơn 18 tỉ đô la) của CP Foods.

Hồi tháng 8 năm ngoái, theo Nikkei Asia, CP Foods đã mua lại hai công ty chăn nuôi heo của Nga với tổng giá trị 22 tỉ rúp, tương đương 300 triệu đô la vào thời điểm đó. Với đồng rúp đang trên đà tụt không phanh như hiện nay, khoản đầu tư này đã “teo” hơn phân nửa.

CP có kế hoạch sử dụng Nga làm bàn đạp mở rộng thị trường ra bên ngoài thị trường nội địa đang đông đúc và chật hẹp ở Thái Lan. Nhưng các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, EU, Nhật Bản và các nền kinh tế khác được cho là sẽ bóp chết cả thị trường Nga và xuất khẩu sang EU từ Nga.

“Thay vào đó, CP Foods sẽ cố gắng chuyển hướng một số ngành xuất khẩu sang các thị trường châu Á như Thái Lan và Singapore. Nhưng tôi nghĩ rằng hai thị trường này chỉ có khoảng 70 triệu dân,  tức nhỏ hơn 9 lần so với châu Âu. Vì vậy, cơ hội để CP Foods giữ vững doanh số và thị phần trong năm nay thực sự là không nhiều nếu cuộc chiến Nga – Ukraine không sớm chấm dứt”, Athaporn Arayasantiparb thuộc hãng phân tích Thái Lan M Corp Review dự đoán.

Nga và Ukraine cũng là những nước sản xuất ngũ cốc và dầu thực vật hàng đầu thế giới. Nhà sản xuất dầu cọ Wilmar International của Singapore đã tạm dừng hai nhà máy dầu gần thành phố Odessa từ ngày 24-2 khi giao tranh nổ ra ở miền Nam Ukraine. "Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sự an toàn của nhân viên. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình rất chặt chẽ", thông cáo của Wilmar International viết.

Các cảng bị đóng cửa và các dịch vụ vận chuyển hàng hóa bị đình hoãn trong khu vực đã làm trầm trọng thêm mức độ gián đoạn hay đứt gãy kinh doanh của các doanh nghiệp ASEAN.

Tập đoàn Olam International của Singapore hiện có kế hoạch tìm thêm nguồn lúa mì thay thế từ các thị trường như Ấn Độ hay Úc. “Những gì xảy ra ở Nga và Ukraine có tác động toàn cầu với thị trường ngũ cốc, lúa mì và dầu ăn. Giá cả sẽ tăng vọt và duy trì ở đỉnh cao trong thời gian dài”, CEO Sunny Verghese của Olam cảnh báo.

Hy vọng hồi phục hàng không, du lịch sớm tắt

Trong lĩnh vực hàng không, Singapore Airlines từ tuần rồi đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Moscow. Qantas Airways và các hãng bay Nhật Bản, Hàn Quốc đang tránh bay ngang không phận Nga trên các đường bay đến London, thay vào đó là đi qua Trung Đông mặc dù các tuyến bay mới sẽ dài hơn một tiếng đồng hồ.

Thai Airways International lo ngại rằng giá dầu thô tăng sẽ làm tăng thêm chi phí nhiên liệu của hãng trong bối cảnh hãng này vừa “thoát hiểm”, đạt được lợi nhuận trong năm 2021 vừa rồi.

Nhưng sóng gió của cuộc chiến Nga - Ukraine không chỉ khoanh trọn ở lĩnh vực hàng không. Diễn biến chiến trường tại Ukraine có thể làm chệch hướng sự phục hồi của ngành du lịch Đông Nam Á. Tập đoàn nhà hàng và khách sạn Thái Lan Minor International lỗ ròng năm thứ hai liên tiếp vào năm 2021 trong bối cảnh Covid-19 bùng phát khắp nơi.

Tập đoàn này hy vọng “điều tồi tệ nhất đã qua và dự kiến ​​sẽ phục hồi nhanh chóng vào năm 2022”. Thế nhưng, những diễn biến gần đây có thể dìm sâu những tia hy vọng mới nhóm của Minor cũng như các tập đoàn du lịch, khách sạn trong khu vực.

Khoảng 134.000 khách du lịch nước ngoài đã đến Thái Lan trong tháng 1-2022 vừa rồi, đứng đầu là du khách Nga với 18%. Phòng Thương mại Thái Lan hiện dự báo lượng du khách Nga đến Thái Lan giảm tới 50% do cuộc xung đột ở Ukraine.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket Bhummikitti Ruktaengam cho biết khách Nga là nguồn thu lớn nhất của du lịch Phuket kể từ khi Thái Lan bắt đầu đón khách quốc tế mà không cần cách ly. Tuy nhiên, hiện số du khách Nga và kể cả Ukraine bị mắc kẹt ở Thái Lan tương đối lớn bởi đường bay quốc tế đã bị hủy. Khách ở lại không thì không thể chi trả các hóa đơn tiền trọ và ăn uống hàng ngày bởi thẻ tín dụng của họ không còn sử dụng được do các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây.

Tình hình cũng tương tự như vậy với du khách Nga tại đảo Bali ở Indonesia. Theo Reuters, số khách Nga đến ăn tối ở các nhà hàng địa phương giảm hẳn, và phần đông trả bằng tiền mặt. Một số du khách Nga may mắn được bạn bè người Indonesia hay người Nga có tài khoản tại các ngân hàng Indonesia giúp đỡ.

Casino Tigre de Cristalworld thu hút nhiều khách Trung Quốc. Ảnh: casinodirectory

Cơ hội để rút khỏi “vũng lầy Nga”

Nhiều doanh nghiệp ASEAN cũng như châu Á đã không đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ như dừng hoạt động hoặc rút khỏi xứ sở bạch dương. Cuộc chiến do Nga phát động đang là cái cớ cho các doanh nghiệp làm ăn ì ạch ở Nga có cớ rút khỏi xứ này. Nhà điều hành sòng bạc NagaCorp của Campuchia đã đình chỉ hoạt động của khu nghỉ dưỡng kiêm sòng bạc ở gần thành phố Vladivostok của Nga với lý do "tình trạng bất định ở nhiều mặt”.

NagaCorp đã không đề cập trực tiếp đến việc Nga xâm lược Ukraine hay các lệnh trừng phạt mà nhiều chính phủ đã công bố về các giao dịch tài chính và kinh doanh với Nga trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông cuối tuần rồi.

Nhưng NagaCorp viện dẫn một điều khoản bất khả kháng trong thỏa thuận đầu tư với các nhà chức trách Nga rằng "công ty muốn tạm ngừng phát triển dự án vô thời hạn cho đến khi tình hình khả quan hơn”.

NagaCorp ký thỏa thuận đầu tư 350 triệu đô la để xây dựng khu phức hợp casino gần Vladivostok năm 2013 nhằm “tận dụng đường biên giới sát Trung Quốc để thu hút khách từ Trung Quốc và từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ cách một chặng bay ngắn”.

Năm 2015, khách sạn kiêm casino Tigre de Cristal khai trương. Nhưng sòng bài thứ hai Shambala trong dự án đã trì hoãn ngày khai trương nhiều lần và cổ đông được cam kết “Shambala sẽ khai trương trong năm 2022”. Tuy nhiên, một nhà thầu của dự án tiết lộ rằng đến cuối năm 2021 chỉ có 84 triệu đô la được chi cho phát triển dự án.

Do đó, một số nhà phân tích nghi ngờ NagaCorp có thể đang sử dụng cuộc chiến Ukraine như một lối thoát thuận tiện khỏi dự án Vladivostok. Để so sánh, kể từ năm 2013, NagaCorp đã đầu tư trên 1 tỉ đô la để nâng cấp sòng bài hàng đầu Naga World ở Phnom Penh và giai đoạn kế tiếp là đầu tư 3,5 tỉ đô la cho trung tâm mua sắm dưới lòng đất của phức hợp này.

Tim Shepherd, người đã đầu tư vào các dự án sòng bạc ở Campuchia và các nước láng giềng với tư cách là giám đốc của Fortuna Investments Worldwide tại Hồng Kông, cho biết: “Những gì tốt đẹp của dự án đầu tư cách đây 5 năm đã không còn tốt đẹp nữa. Vladivostok giờ là một vấn đề đau đầu đối với họ. Cuộc chiến ở Ukraine đã cho họ lựa chọn để thoát ra khỏi cam kết lớn”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới