(KTSG Online) - Dù vẫn còn một số nút thắt chưa thể gỡ bỏ nhưng cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng thị trường bất động sản có bước chuyển biến mới tích cực khi môi trường pháp lý thay đổi. Doanh nghiệp tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, hoàn thiện pháp lý dự án và tính những bài toán chiến lược đường dài. Nhìn lại giai đoạn khó khăn vừa qua, nhiều doanh nghiệp cũng xem đó là bài học lớn để chọn hướng đi bền vững hơn, không đặt mục tiêu tăng trưởng “nóng” bằng mọi giá.
- Áp lực hàng tồn kho ‘đè nặng’ doanh nghiệp bất động sản
- Doanh nghiệp bất động sản đua nhau tìm vốn trên sàn chứng khoán
Kỳ vọng sự hồi phục của thị trường
Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết lớn đã tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông trong bối cảnh thị trường chuẩn bị bước vào chu kỳ mới. Cộng đồng doanh nghiệp có những kỳ vọng nhất định về sự hồi phục của thị trường trước các luồng thông tin mới, chính sách điều hành tích cực từ Chính phủ.
Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản An Gia, cho rằng thị trường bất động sản hiện tại tương đối nhạy cảm với sự chuyển biến chính sách điều hành. Do đó, An Gia đặt ra chiến lược phát triển thận trọng, bền vững với mức tăng trưởng 20%, đưa thị trường 2.000-3.000 sản phẩm mỗi năm. Công ty cũng chú trọng và kiên định với phân khúc nhà ở tầm trung - vừa túi tiền, có tính thanh khoản cao và đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân. Trong nhiều năm, công ty cũng đã triển khai thành công phân khúc này và sẽ tiếp tục đẩy mạnh.
Lãnh đạo An Gia cũng cho rằng năm nay, thị trường bất động sản sẽ có các thử thách nhưng mở ra nhiều cơ hội khác nhau, nhất là việc gom thêm quỹ đất với giá tốt. Công ty trên tinh thần thận trọng sẽ ưu tiên các quỹ đất có pháp lý rõ ràng, có thể triển khai dự án nhanh. Đối với quỹ đất hiện hữu chưa hoàn thiện pháp lý, An Gia tiếp tục đẩy mạnh hoàn tất các bước cần thiết để sẵn sàng cho hoạt động xây dựng, triển khai, bán hàng.
Còn ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, phân tích cả 2 mặt cơ hội và thách thức của thị trường năm nay. Ông Quang cho rằng thị trường đón nhận nhiều luật mới liên quan đến bất động sản vừa được ban hành. Chính phủ rất nỗ lực trong việc kiến tạo, tháo gỡ, thúc đẩy các vướng mắc của thị trường để hướng đến phát triển bền vững.
Nhiều phân khúc thị trường đáp ứng nhu cầu ở thực cũng có cơ hội tăng trưởng như nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Lãi suất cho vay giảm, còn thấp hơn trước Covid-19 và cạnh tranh với nhiều quốc gia khác nên rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Nam Long còn chỉ ra thị trường đối mặt 3 thách thức lớn liên quan tới cung cầu thị trường, cơ cấu sản phẩm. Cụ thể, thị trường lệch pha cung cầu tại các phân khúc bất động sản khác nhau, khủng hoảng niềm tin kéo theo vấn đề thanh khoản giảm và hàng tồn kho tăng. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn tồn đọng các khoản nợ vay, nợ vay trái phiếu còn dai dẳng kéo dài đến năm 2025 dù đã được gia hạn. Pháp lý dự án chưa được giải quyết triệt để do một số quy định luật còn chồng chéo.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng cho rằng thị trường bất động sản hiện nay khan hiếm nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, phân khúc trung bình khá trong bối cảnh nhu cầu người dân về nhà ở còn rất lớn. Dòng vốn cho vay giá rẻ trên thị trường đổ vào bất động sản, nhiều khách hàng được vay mua nhà với lãi suất cố định trong 3 năm chỉ từ 5-6%/năm.
Tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản không chỉ là nhận định mơ hồ. Điều đó cũng được ghi nhận trên số liệu tại báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI). Hàng loạt dự án cả mới và cũ được triển khai kinh doanh, tái khởi động, khởi công diễn ra tại TPHCM, Hà Nội, Bình Dương... Thị trường chứng kiến sự trở lại của một số lượng lớn nhân sự trong ngành bất động sản, đặc biệt là nhân viên kinh doanh. Số lượng nhân viên kinh doanh tăng 20-30% và sàn giao dịch quay lại hoạt động tăng 70-80% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp đang trên đà quay lại thị trường với các chiến lược lâu dài và sự chuẩn bị kỹ càng hơn về nội lực. Sau 2 năm rơi vào khủng hoảng, ngành bất động sản được kỳ vọng hồi phục, tăng trưởng trở lại kéo theo sự hồ hởi của các thành viên tham gia thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đề ra các kế hoạch triển khai lớn để đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới.
Chiến lược tăng trưởng thận trọng và bền vững hơn
Dễ nhận thấy, nhiều doanh nghiệp công bố những chiến lược phát triển mới, trong đó tập trung tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận; hoàn thiện pháp lý để tái khởi động các dự án; ưu tiên phát triển phân khúc nhà ở thực, có thanh khoản cao.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng công bố kế hoạch huy động vốn, mở bán dự án mới, đặc biệt trong nửa cuối năm. Công tác mở rộng quỹ đất, M&A, hợp tác, khai thác quỹ đất cũng được nhóm bất động sản chú trọng chiến lược nhằm chuẩn bị dư địa tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.
Công ty Phát Đạt đặt kế hoạch doanh thu 2.982 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 880 tỉ đồng, lần lượt gấp 5 lần và tăng 29% so với thực hiện năm trước. Để thực hiện chiến lược này, năm nay, Phát Đạt đẩy mạnh phân phối sản phẩm tại các dự án đã hoàn thiện pháp lí ở Bình Dương, Bình Định hay Côn Đảo...
Công ty An Gia đề ra mục tiêu doanh thu thuần 1.600 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 250 tỉ đồng, tăng 43% so với thực hiện năm trước. Để hiện thực hóa mục tiêu, An Gia sẽ tiếp tục bàn giao và ghi nhận doanh thu từ bán các sản phẩm còn lại tại các dự án ở TPHCM và Bình Dương. Ngay trong đầu năm, công ty đã đạt được doanh thu thuần gần 1.313 tỉ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 200 tỉ đồng, gấp 43 lần cùng kỳ và thực hiện 80% kế hoạch năm.
Tập đoàn Novaland lên kế hoạch triển khai, ghi nhận doanh thu từ các dự án chính như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án nhà ở tại TPHCM. Công ty mong muốn mục tiêu lợi nhuận sau thuế 1.079 tỉ đồng, gấp 2,2 lần năm trước sẽ thành hiện thực.
Trải qua giai đoạn khủng hoảng, thị trường bất động sản được cho là đang lệch pha cung cầu, 70% là sản phẩm cao cấp, còn lại thuộc phân khúc bình dân, thiếu vắng hoàn toàn sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền. Trong khi đó, các sản phẩm nhà ở bị thiếu vắng này lại có tính thanh khoản cao, nhu cầu cao và có cơ hội phục hồi trước tiên khi thị trường gặp khó khăn.
Hiểu được vấn đề này, bước vào giai đoạn mới của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã và tiếp tục ưu tiên tập trung phát triển các phân khúc mà người dân cần như Nam Long hay An Gia. Các công ty này đã có truyền thống nhiều năm gắn bó với sản phẩm này và kiên trì, kiên định duy trì phát triển dự án gắn liền nhu cầu người dân.
An Gia lên kế hoạch tập trung vào 3 dự án với gần 10.000 sản phẩm và 1 triệu m2 sàn. Còn Nam Long, công ty hướng đến bàn giao từ các dự án trọng điểm ước tính doanh số bán hàng đạt khoảng 9.554 tỉ đồng.
Một vài doanh nghiệp cũng gấp rút hoàn thiện pháp lý dự án để sớm đưa sản phẩm ra thị trường. Novaland lên kế hoạch xây dựng lại các dự án ở Hồ Tràm, Phan Thiết cũng như các dự án tại trung tâm TPHCM. Hay Công ty Nam Long cũng tập trung "mở khóa" pháp lý các dự án trọng điểm như ở Đồng Nai) và Long An.
Số liệu từ Bộ Xây dựng trong báo cáo tình hình thị trường bất động sản quí 1-2024 cho thấy, dư nợ tín dụng với hoạt động kinh doanh ngành này đạt trên 1,1 tỉ đồng, tính đến 28-2. Doanh nghiệp và người dân được tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, ngành bất động sản có khả năng hấp thụ dòng vốn. Nhiều công ty bất động sản thời gian qua cũng ký các hợp đồng tín dụng với ngân hàng để được giải ngân cho triển khai dự án như Novaland với TPBank, Phát Đạt với MBBank... Thị trường vốn vào bất động sản dường như đã cởi mở hơn so với giai đoạn trước đây, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng thực hiện dự án, giới thiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, nói như một lãnh đạo doanh nghiệp, thị trường bất động sản hiện nay rất nhạy cảm với các chính sách điều hành. Để có thể bước vào guồng quay mới sau thời gian dài “chìm” trong khó khăn, bản thân doanh nghiệp phải xác định cho mình hướng đi bền vững, phát triển tập trung vào chất, không tăng trưởng “nóng”.
Sự bền vững, chậm mà chắc sẽ giúp doanh nghiệp đi xa hơn trong hành trình dài khẳng định giá trị nội tại, không thể “dục tốc bất đạt” rồi đưa mình vào thế khó xoay sở. Những khó khăn chồng chất trong 2 năm qua chính là bài học để doanh nghiệp bất động sản bước vào chu kỳ mới với tâm thế tĩnh lặng hơn, hiệu quả hơn.