Chủ Nhật, 25/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp bất động sản trong cuộc đua săn quỹ đất tại Việt Nam

Nam Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường bất động sản Việt Nam trong dịch bệnh vẫn ghi nhận các giao dịch đất đai quy mô lớn diễn ra sôi động, nhiều thương vụ giá trị lên đến hàng trăm triệu đô la.

Trong bối cảnh quỹ đất tại hai thị trường chính là Hà Nội và TPHCM ngày thêm khan hiếm với giá đất tăng vọt, nhiều chủ đầu tư với chiến lược phát triển quỹ đất dài hạn đang dịch chuyển sang các vùng đô thị vệ tinh tại khu vực Đông Nam Bộ, vùng ven biển miền Trung, đồng bằng Bắc Bộ hay khu vực Tây Nguyên.

Hạ tầng dẫn lối cho quỹ đất mới

Trong buổi tọa đàm với chủ đề “Đầu tư bất động sản hậu Covid-19: Nắm bắt những cơ hội mới”, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, đại diện của Gamuda Land – chủ đầu tư bất động sản danh tiếng đến từ Malaysia, đánh giá trong bối cảnh quỹ đất hạn hẹp tại TPHCM, các dự án hạ tầng kết nối được công bố tại phía Bắc và phía Tây thành phố được công bố làm tăng tiềm năng cho các tỉnh vùng ven. Tiêu biểu là đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Dầu Giây, cao tốc Trung Lương. Cùng với đó, một số dự án hạ tầng đang trong quá trình thi công như đường Vành đai 4.

Những yếu tố này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của các thị trường bất động sản vùng phụ cận TPHCM.

“Khoảng 5 năm về trước, nguồn cung căn hộ mới tại các tỉnh vùng ven còn khá hạn chế. Tuy nhiên, đến năm 2021, Bình Dương trở thành một trong những thị trường chính với nguồn cung khoảng 20.000 – 25.000 căn hộ. Cùng với đó, Đồng Nai là thị trường đứng thứ 2 ngoài TPHCM về nguồn cung căn hộ mới. Trong năm 2021, Long An cũng xuất hiện dự án căn hộ đầu tiên”, bà Khanh dẫn chứng.

Với sự thay đổi này, bà Khanh nhận định thói quen của người mua nhà đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, dòng sản phẩm chủ lực tại các địa phương này là đất nền và nhà liền thổ song đến nay, thế hệ trẻ đang hướng đến các sản phẩm căn hộ nhiều hơn với sự tiện nghi và mức giá phải chăng.

“Trong kế hoạch đầu tư phát triển dự án, yếu tố quan trọng nhất mà Gamuda đề ra là hạ tầng kết nối giữa TPHCM và các khu vực còn lại. Một số công trình sắp hoàn thành như tuyến Metro số 1, đường hầm Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, tuyến vành đai 2, vành đai 3…”, bà Khanh nhấn mạnh thêm.

Các cơ sở hạ tầng kết nối giữa TPHCM và các khu vực còn lại cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy  sự tăng trưởng của các thị trường bất động sản vùng phụ cận TPHCM.

Đại diện Gamuda Land bình luận, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động M&A vẫn diễn ra rất mạnh mẽ tại TPHCM và các khu vực lân cận. Nhiều chủ đầu tư nước ngoài đang rất chủ động trong việc hợp tác với các nhà phát triển bất động sản trong nước tại những dự án có quy mô lớn.

M&A bất động sản ngày càng sôi động

Bình luận về xu hướng này, bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận tư vấn đầu tư Savills Hà Nội đánh giá trong thời gian qua, trong các thương vụ M&A thành công, xét về số lượng, nhà đầu tư trong nước đang dẫn đầu, tiếp đến là các nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện và hoạt động tại thị trường Việt Nam.

“M&A dự án từ các nhà đầu tư nước ngoài không nhiều như các thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp bất động sản trong nước, bởi không dễ để một dự án có thể thỏa mãn các yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, xét về giá trị giao dịch thì các thương vụ M&A có giá trị dẫn đầu lại nằm ở các thương vụ thâu tóm thực hiện bởi các nhà đầu tư quốc tế”, bà Phương Lan phân tích.

Theo thống kê của JLL Việt Nam, từ năm 2016 đến năm 2020, nhiều thương vụ M&A bất động sản đã thực hiện thành công với tổng quy mô khoảng hơn 2.600 ha. Trong giai đoạn đó, năm 2020, bất chấp những hạn chế về lệnh đóng cửa biên giới nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh Covid-19, tổng quy mô giao dịch vẫn ghi nhận khoảng 850 ha, chiếm tỉ trọng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Điểm đặc biệt mà số liệu của JLL cho thấy là trong nửa đầu năm 2021, mặc dù nền kinh tế Việt Nam chịu những thiệt hại nặng nề của nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, tổng quy mô đất trong các thương vụ M&A trong 6 tháng đầu năm vẫn lên đến gần 900 ha.

Nỗ lực của chủ đầu tư trong cuộc “đi săn” quỹ đất

JLL khẳng định, tại Việt Nam, để dự báo được hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp bất động sản cần xem xét hai yếu tố: khả năng phát triển dự án và quỹ đất dài hạn. Trong đó, quỹ đất là điều tất yếu để nhà phát triển chứng tỏ cam kết trong thời gian dài và năng lực phát triển sẽ được thể hiện qua số lượng các dự án và tỷ lệ bán thành công.

Với bối cảnh thiếu hụt quỹ đất ngay cả trước Covid-19, JLL dự báo cuộc đua thâu tóm quỹ đất của các nhà phát triển sẽ tiếp tục sôi động và điều này sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường nhà ở trong 5 năm tới.

Đằng sau Gamuda Land là “ông lớn” Gamuda Berhad, đang thể hiện tham vọng tìm kiếm quỹ đất mới bằng việc sẵn sang “mạnh tay” rót vốn.

Chia sẻ từ góc độ chủ đầu tư dự án, đại diện Gamuda Land cho biết có nhiều thách thức lớn về quỹ đất mà chủ đầu tư đang phải đối mặt hiện nay. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự khan hiếm quỹ đất sạch để phát triển dự án cũng như giá đất liên tục leo thang trong 3 năm qua.

“Vấn đề bồi thường và không xác định được chi phí sử dụng đất dẫn đến kéo dài tiến trình phát triển dự án và chi phí leo thang. Điều này làm ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách của doanh nghiệp cũng như việc bàn giao đất và giá đất. Bên cạnh đó, quỹ đất từ nợ xấu bất động sản đều có chất lượng tốt song quy trình thanh lý còn nhiều thách thức và chi phí phát sinh cao”, bà Khanh phân tích.

Đối với Gamuda Land, là doanh nghiệp đầu tư bất động sản hàng đầu Malaysia với kinh nghiệm dày dặn trong phát triển các dự án khu đô thị quy mô lớn tại Đông Nam Á và Việt Nam, tầm nhìn chính xác về nhu cầu nhà ở tại các khu vực cận trung tâm đã được chứng minh bởi sự thành công trong việc biến Celadon City tại quận Tân Phú, TPHCM, và Gamuda City tại quận Hoàng Mai, Hà Nội thành những dự án đắt giá từ các mảnh đất nghèo tiềm năng chỉ sau 15 năm.

Thực tế, sau Malaysia, Việt Nam là thị trường lớn thứ hai của Gamuda Land. Năm 2020, doanh thu tại Việt Nam đã mang về 4,74 nghìn tỉ đồng cho chủ đầu tư này, chiếm 83% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của tập đoàn.

Chia sẻ về chiến lược mở rộng quỹ đất tại Việt Nam trong thời gian tới, đại diện Gamuda Land khẳng định, vùng đô thị TPHCM mở rộng là thị trường chính mà doanh nghiệp đang theo đuổi bằng việc “mạnh tay” rót vốn cho việc tìm kiếm quỹ đất mới. Gamuda Land đang ráo riết khảo sát các tỉnh giáp ranh TPHCM với cơ sở hạ tầng kết nối tiềm năng, và môi trường đầu tư thông thoáng để chọn ra các thương vụ giàu tiềm năng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới