Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp cần bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài

Ngân Trần (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một cuộc gọi từ đầu dây bên kia hỏi tôi thông tin về việc đăng ký nhãn hiệu ở Úc. Vẫn là danh sách câu hỏi để có đầy đủ thông tin làm hồ sơ. Qua câu chuyện, tôi biết được chị là một người gốc Việt đang sống và làm việc tại Úc. Chị chỉ mới có dự định bán mặt hàng nông sản có tiếng ở Việt Nam tại Úc, do thấy được tiềm năng của sản phẩm này. Vậy tại sao chị lại muốn đăng ký nhãn hiệu này tại Úc?

Nhãn hiệu VIFON và logo hiện nay ở Úc là của Công ty L&T.

Cuộc gọi của người phụ nữ về thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Úc làm tôi nhớ đến việc thương hiệu VIFON cũng đã phải tranh chấp với chính đại lý của mình tại Úc là Công ty L&T Trading Pty Limited (L&T), do trước khi làm đại lý L&T đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu VIFON cho những loại hàng hóa mà VIFON thường bán vào năm 2009. Do đó, sau một thời gian có mâu thuẫn VIFON đã nộp đơn cho Cục sở hữu trí tuệ Úc yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu do việc không sử dụng (2018). Tuy nhiên, kết quả Công ty L&T vẫn là chủ nhân của nhãn hiệu VIFON đối với những hàng hóa mà L&T có hoạt động buôn bán.

Và tôi không khỏi nghĩ về tương lai của các thương hiệu có tiếng của Việt Nam ở thị trường quốc tế. Có hai câu hỏi mà các doanh nghiệp quan tâm đến nhãn hiệu ở nước ngoài thường đặt ra là có cơ chế đăng ký quốc tế nhãn hiệu, tức đăng ký một lần được bảo hộ tất cả các nước trên thế giới? Và tại sao, khi nào và cách thức đăng ký nhãn hiệu ở thị trường quốc tế?

Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên là không tồn tại khái niệm nhãn hiệu được bảo hộ quốc tế, bởi một trong những đặc điểm cơ bản của nhãn hiệu là mang tính “lãnh thổ” (territorial rights), tức nhãn hiệu chỉ được bảo hộ ở nước hay vùng lãnh thổ nơi mà chúng chính thức được đăng ký.

Tức nếu nhãn hiệu đăng ký và được chấp nhận bảo hộ ở Việt Nam không đồng nghĩa với việc nhãn hiệu được bảo hộ ở Mỹ hay Úc. Muốn nhãn hiệu của mình được bảo hộ ở nước nào thì cần tiến hành đăng ký ở nước đó.

Đó là lý do không thể tìm thấy thương hiệu Burger King ở Úc, bởi năm 1971 khi Burger King vào Úc đã phát hiện có một chủ nhà hàng nhỏ đăng ký và sở hữu nhãn hiệu Burger King. Đó chính là sự ra đời của cái tên Hunger Jack’s thay thế cho tên Burger King.

Lý do cần đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài?

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức cá nhân khác nhau. Do đó không cho phép hai nhãn hiệu trùng hay tương tự gây nhầm lẫn cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc liên quan cùng tồn tại trên thị trường một quốc gia, vùng lãnh thổ. Nên việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp tự tin phát triển và kinh doanh vì tên nhãn hiệu của mình đã được pháp luật chính thức ghi nhận quyền sở hữu thông qua văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Việc bảo hộ này cũng giúp tránh tình trạng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ tại nước ngoài. Vì nếu không tiến hành đăng ký, doanh nghiệp sẽ không biết được liệu đã có một nhãn hiệu nào đó đã được pháp luật ghi nhận sự bảo hộ hay chưa.

Ngoài ra, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu còn là công cụ hiệu quả cho việc xử lý hàng giả (counterfeit) và việc chiếm dụng tên miền với dụng ý xấu bán lại với giá cao của một bộ phận đối tượng không tốt (cybersquatting).

Thời điểm vàng đăng ký?

Điều này phụ thuộc vào chiến lược, tình hình kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Người viết xin đưa một vài thời điểm mà doanh nghiệp cần cân nhắc việc tiến hành đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài như sau:

Đầu tiên, doanh nghiệp cần đăng ký nhãn hiệu ở các nước mà hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đang được bán. Dù là doanh nghiệp tự mình xuất khẩu và bán hàng hóa, hay gián tiếp bán thông qua các đại lý ở nước đó. Rất nhiều vụ việc như phở Thìn hay VIFON đang loay hoay dành lại nhãn hiệu của mình ở thị trường Úc là minh chứng rõ ràng cho những rủi ro của việc không đăng ký nhãn hiệu trước khi tiến hành các hoạt động thương mại ở thị trường nước ngoài.

Thứ hai, doanh nghiệp có dự định hay tầm nhìn mở rộng thị trường ở nước ngoài trong 5 đến 10 năm tới. Điều này tạo tiền đề cho quyết định mở rộng hay không mở rộng, hay có hướng xử lý phù hợp sau khi biết được kết quả nhãn hiệu của doanh nghiệp có được bảo hộ ở nước đó hay không.

Thứ ba, nếu đã có hoặc chuẩn bị có các hoạt động tiếp thị, truyền thông, quảng cáo dù là trên không gian mạng ở các nước đó. Bởi đặc điểm kinh doanh trên không gian mạng ngày càng phát triển, và càng rầm rộ hơn sau đại dịch Covid-19 vừa rồi như các sàn giao dịch điện tử Amazon, Ebay..., các mạng xã hội như Facebook, TikTok. Trang web bán hàng đang ngày càng giúp các doanh nghiệp mở rộng tệp khách hàng, không còn chỉ trong nước như trước. Do đó, cần đánh giá xem lượng khách hàng tiềm năng tiếp cận và tương tác trên các công cụ truyền thông, đó cũng có thể là một yếu tố cân nhắc lựa chọn quốc gia đăng ký nhãn hiệu.

Thời điểm nào nên nộp hồ sơ?

Lý tưởng nhất là ngay khi nhãn hiệu của doanh nghiệp đã được nộp ở Việt Nam. Lý do chính cho quyết định này là “nguyên tắc ngày ưu tiên” trong việc đăng ký nhãn hiệu. Đa số các nước đều đã là thành viên của Công ước Paris về sở hữu công nghiệp, do đó cũng giống như Việt Nam, các nước sẽ cho phép doanh nghiệp yêu cầu hưởng ngày ưu tiên (ngày nộp đơn) trong vòng sáu tháng kể từ ngày nộp đơn tại quốc gia đầu tiên.

Ví dụ, công ty A nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào ngày 20-04-2021 tại Việt Nam. Sau đó năm tháng, công ty A nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ vào ngày 20-9-2021 thì công ty A có quyền xin hưởng quyền ưu tiên để ngày nộp đơn tại Mỹ được tính là ngày nộp đơn đầu tiên tại Việt Nam (20-4-2021). Do đó, các nhãn hiệu trùng hay tương tự nộp sau ngày 20-4-2021 tại Mỹ sẽ không được chấp nhận.

Đối với những nhãn hiệu của doanh nghiệp đã chính thức được bảo hộ và sử dụng trong một thời gian dài ở Việt Nam, tất nhiên thời điểm tốt nhất là ngay khi có dự định mở rộng thị trường hay phát hiện có khách hàng tiềm năng ở nước đó.

Cách thức đăng ký?

Hiện tại, doanh nghiệp có thể cân nhắc đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài bằng hai cách: Một, sử dụng hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế Madrid. Chỉ cần chuẩn bị một hồ sơ nhãn hiệu, bằng một ngôn ngữ, đóng phí bằng một loại tiền tệ, doanh nghiệp có thể chỉ định hơn 120 quốc gia có tham gia vào hệ thống Madrid. Đồng thời, có thể mở rộng việc chỉ định thêm các quốc gia nếu có nhu cầu trong tương lai. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian và công sức.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là nguyên tắc tấn công trung tâm (central attrack), tức trong vòng năm năm kể từ ngày nộp đơn, đơn đăng ký quốc tế phụ thuộc hoàn toàn vào đơn nhãn hiệu đăng ký ở nước xuất xứ (nước nộp đơn đầu tiên).

Có nghĩa nếu có bất cứ vấn đề nào làm cho đơn của nước xuất xứ không còn hiệu lực thì đơn quốc tế sẽ mất hiệu lực ở tất cả các nước. Sau năm năm thì đơn quốc tế mới hoàn toàn độc lập với đơn nhãn hiệu nước xuất xứ.

Giải pháp cho trường hợp này là chủ đơn có quyền chuyển đổi đơn quốc tế đã bị hủy thành đơn quốc gia hoặc khu vực trong vòng ba tháng kể từ khi nhận được thông báo đơn bị hủy và phải nộp phí chuyển đổi theo quy định của mỗi quốc gia (ngày ưu tiên vẫn được giữ lại tức ngày nộp của đơn quốc tế ở nước xuất xứ đã bị hủy).

Đối với những quốc gia, vùng lãnh thổ không phải là thành viên của hệ thống Madrid, doanh nghiệp cần tiến hành nộp đơn nhãn hiệu trực tiếp ở quốc gia đó như Peru hay Đài Loan.

Trong thời đại thương mại điện tử phát triển như hiện nay, không quá khó khi một doanh nghiệp bán đồ thủ công mỹ nghệ hay cà phê ở Việt Nam có khách hàng ở Úc hay Mỹ. Do đó cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, chiến lược mở rộng phạm vi bảo hộ nhãn hiệu ở thị trường nước ngoài cũng cần được quan tâm thích đáng để giúp doanh nghiệp Việt tự tin mở rộng ở thị trường quốc tế.

(*) CEO Maygust Trademark Attorneys, Canberra, Úc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới