(KTSG Online) - Giá cả vật liệu và chi phí xây dựng tăng vọt kết hợp với sự chậm trễ của nguồn cung thiết bị khiến các nhà sản xuất pin và chip hàng đầu châu Á trì hoãn xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ.
Chính sách trợ cấp của Washington thúc đẩy nhà đầu tư đến Mỹ triển khai các dự án khổng lồ nhưng chi phí đầu tư đã đội lên đáng kể so với dự toán ban đầu.
- Mỹ thiếu nhân lực để lấp đầy các nhà máy chip mới
- 'Quả ngọt' từ chính sách hỗ trợ của Mỹ: 200 tỉ đô la đổ vào hoạt động sản xuất
Nhiều dự án chậm tiến độ, trì hoãn
Với các khoản trợ cấp hào phóng trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), Đạo luật Khoa học và CHIPS cùng các chương trình khác, chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách lôi kéo các công ty châu Á đưa chuyên môn sản xuất sang Mỹ. Nhà Trắng đã gặt hái thành quả khi tạo ra làn sóng bùng nổ xây dựng nhà máy sản xuất chip và pin trên khắp đất nước.
Tuy nhiên, một năm rưỡi sau khi Tổng thống Biden ký ban hành đạo luật IRA, nhiều khó khăn xuất hiện khiến các nhà sản xuất châu Á lùi thời điểm khánh hành các dự án hiện tại cũng như trì hoãn việc triển khai dự án mới.
Năm ngoái, hãng pin Panasonic (Nhật Bản) lắp đặt dầm thép đầu tiên ở nhà máy sản xuất pin xe điện, có tổng vốn đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ ở bang Kansas (Mỹ). Phát biểu tại sự kiện đó, Allan Swan, Chủ tịch của Panasonic Energy phụ trách khu vực Bắc Mỹ, nhấn mạnh: “Dầm thép đầu tiên này không chỉ đơn thuần là một khối vật liệu”.
Rốt cục, doanh nhân này đã nói đúng nhưng theo một ý nghĩa khác. Thép đã trở thành biểu tượng của chi phí cao đang gây khó khăn cho Panasonic và nhiều nhà sản xuất châu Á khác trong quá trình xây dựng nhà máy ở Mỹ.
Giá thép đã tăng hơn 70% kể từ năm 2020, lý do khiến Panasonic “đốt” sạch phần lớn ngân sách ban đầu của cho nhà máy ở Kansas, nơi sẽ cung cấp pin cho hãng xe điện Tesla.
Chính phủ Mỹ đang cố gắng thêm thu hút các tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Đông Á đến thiết lập cơ sở sản xuất, ngay cả khi họ đối mặt nhiều thách thức.
TSMC (Đài Loan), nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã lùi thời điểm khánh thành hai nhà máy chip ở bang Arizona do thiếu lao động có tay nghề và do không chắc chắn về khoản trợ cấp của chính phủ.
Hãng pin LG Energy của Hàn Quốc hủy bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy pin ở bang Indiana do chi phí vật liệu tăng. Trong khi đó, Samsung Electronics chứng kiến chi phí đội lên thêm nhiều tỉ đô la tại một nhà máy chip mà hãng đang xây dựng ở bang Texas.
Chi phí xây dựng leo thang
Theo Vince DiPofi, CEO của SSOE, một công ty kiến trúc và kỹ thuật, chuyên thiết kế nhà máy cho biết, vào năm ngoái, các nhà sản xuất châu Á hồ hởi thông báo triển khai hàng nhà máy ở Mỹ nhưng hiện tại đã thận trọng hơn.
Chuỗi cung ứng những thiết bị cần thiết trong các nhà máy sản xuất pin và chip thường tập trung ở Đông Á. Tuy nhiên, để đáp ứng các điều kiện nhận trợ cấp xây dựng nhà máy ở Mỹ, các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan phải tìm mua phần lớn các linh kiện và thiết bị do các công ty Mỹ cung cấp.
Trong những tháng gần đây, nhu cầu tăng đột ngột khiến nhiều lúc khách hàng phải chờ hơn 100 tuần để nhận được các linh kiện như bộ chuyển mạch và máy biến áp, giúp điều tiết và truyền tải điện ở các nhà máy.
Thêm vào thách thức đó là chí xây dựng đang leo thang. Theo Cục Thống kê Lao động của Mỹ, cuối năm ngoái, chi phí liên quan đến xây dựng các cơ sở công nghiệp mới cao hơn khoảng 1/3 so với 3 năm trước đó.
Không chỉ các công ty châu Á bị ảnh hưởng. Tờ Wall Street Journal đưa tin, hãng chip Intel của Mỹ đang trì hoãn dự án sản xuất chip trị giá 20 tỉ đô la ở bang Ohio do nhu cầu suy yếu trên thị trường và tiến độ giải ngân tiền trợ cấp của chính phủ chậm chạp.
“Nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp mới ở Mỹ đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng theo những cách mà chúng tôi không lường trước được”, Kenneth Simonson, nhà kinh tế trưởng của Associated General Contractors of America, một tổ chức đại diện ngành xây dựng ở Mỹ nói.
Tổ chức này ghi nhận chi phí tăng vọt ở nhiều hàng hóa và dịch vụ mà các nhà máy cần, chẳng hạn như gỗ xẻ, ván ép và vận chuyển xe tải.
Năm ngoái, LG Energy thông báo hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy pin xe điện thứ tư ở Mỹ thông qua liên doanh với hãng xe General Motors. Quyết định được đưa ra sau khi hãng gặp tình trạng chi phí vượt dự toán tại ba nhà máy sản xuất pin khác đang xây dựng ở Mỹ. Chi phí xây dựng và vật liệu đắt đỏ hơn là lý do khiến Samsung phải bổ sung thêm ngân sách cho nhà máy chip đang xây dựng ở bang Texas.
Các nguồn tin nội bộ của Panasonic cho biết, chi phí đội lên quá nhanh của dự án nhà máy pin ở Kansas khiến hãng khó nhanh chóng quyết định triển khai một dự án tương tự ở Bắc Mỹ.
Panasonic đã nhắm đến một địa điểm ở bang Oklahoma để xây dựng nhà máy pin xe điện thứ ba ở Mỹ nhưng đã loại bỏ địa điểm này vào cuối năm ngoái.
Hirokazu Umeda, Giám đốc tài chính của Panasonic, cho biết công ty đang tập trung vào nỗ lực kiểm soát chi phí và tăng tính hiệu quả của các nhà máy hiện tại.
Trợ cấp dư sức bù đắp chi phí tăng thêm
Một số nhà phân tích và quan chức chính phủ cho rằng, các khoản trợ cấp lớn của chính quyền liên bang dư sức bù đắp thách thức về chi phí xây dựng nhà máy ở Mỹ. Những phàn nàn về chi phí có thể là một chiến thuật đàm phán để các công ty châu Á có thể kiếm được khoản trợ cấp cao hơn.
“Đúng là giá nguyên vật liệu đã tăng lên. Nhưng phải chăng các công ty không nhận đủ tiền trợ cấp để bù đắp chi phí này? Đối với tôi, lời than vãn của họ giống như nước mắt cá sấu”, Greg LeRoy, CEO của Good Jobs First, một nhóm phi lợi nhuận thúc đẩy giải trình trách nhiệm của chính phủ và doanh nghiệp nói.
Trong nhiều trường hợp, các bang cạnh tranh thu hút các dự án mới, cung cấp những ưu đãi đáng kể cho các nhà sản xuất lớn trong và ngoài nước. Theo dữ liệu do Good Jobs First tổng hợp, nhà máy ở Kansas của Panasonic có khả năng nhận được khoảng 1,27 tỉ đô la Mỹ trợ cấp của chính quyền tiểu bang và địa phương cùng với hàng tỉ đô la hỗ trợ khác của chính quyền liên bang.
Nhà máy của Panasonic là dự án phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay của bang Kansas. Cơ sở sản xuất pin naỳ dự kiến tạo ra hoạt động kinh tế trị giá 2,5 tỉ đô la Mỹ hàng năm và hơn 20.000 việc làm.
Vấn đề đối với một số nhà sản xuất nước ngoài là đã dự toán ngân sách đầu tư ban đầu dựa trên giá cả trước khi hoạt động xây dựng nhà máy bùng nổ ở Mỹ.
Kenneth Simonson của Associated General Contractors of America, cho rằng lạm phát chi phí xây dựng chỉ mang tính tạm thời và các điều kiện thị truờng sẽ ổn định hơn trong vài năm tới.
“Bạn sẽ chứng kiến các dự án bị hủy bỏ, tạm dừng. Một số dự án sẽ giảm công suất nhưng một số khác sẽ được xây dựng theo kế hoạch ban đầu với chi phí cao hơn nhiều”, Simonson nói.
Theo WSJ