Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp châu Âu tăng đầu tư vào Mỹ

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp châu Âu đang tăng cường đầu tư vào Mỹ khi họ tìm kiếm động lực tăng trưởng và sự ổn định giữa tình hình hỗn loạn do tác động của chiến sự tại Ukraine và các lệnh phong tỏa kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc.

Nền kinh tế Mỹ đã trở lại mạnh mẽ sau cuộc cuộc khủng hoảng của đại dịch Covid-19, nhưng tại châu Âu, cuộc xung đột Nga-Ukraine phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi của khu vực này. Trong khi đó, chiến lược “zero Covid” và chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ và vấn đề nợ nần ở các công ty bất động sản lớn ở Trung Quốc đặt ra những hoài nghi về mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay.

Nhà máy lắp ráp của hãng xe Volkswagen (Đức) ở Chattanooga, bang Tennessee, Mỹ. Volkswagen có kế hoạch tăng gấp đôi công suất nhà máy này. Ảnh: AP

Doanh nghiệp châu Âu hướng sang Mỹ

Nỗ lực thâm nhập sâu rộng vào thị trường Trung Quốc đã mang lại tăng trưởng và lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp châu Âu trong nhiều thập niên qua. Có rất ít doanh nghiệp châu Âu xem xét rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc nhưng khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu chệch choạc, họ bắt đầu tính toán lại chiến lược kinh doanh. Đối với nhiều doanh nghiệp châu Âu, Mỹ ngày càng trở thành địa điểm kinh doanh hấp dẫn hơn nhờ sự ổn định chính trị và động lực tăng trưởng tương đối mạnh mẽ.

“Nước Mỹ mang lại cơ hội của chúng tôi để phát triển chiến lược mạnh mẽ”, Herbert Diess, Giám đốc điều hành hãng xe Volkswagen (Đức), nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, nói với các phóng viên hôm 4-5. Ông cho biết Volkswagen sẽ tăng gấp đôi công suất nhà máy của mình ở Chattanooga, bang Tennessee, và đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai ở Mỹ.

Alexander Lacik, Giám đốc điều hành của Pandora, nhà sản xuất trang sức Đan Mạch, cho biết trong vài tháng qua, công ty ông đã mua lại 32 cửa hàng ở Mỹ, chủ yếu ở bờ Tây và tạm dừng kế hoạch mở rộng hoạt động tại Trung Quốc, nơi Pandora  đang vận hành 200 cửa hàng.

Ông nói: “Với điều kiện kinh doanh hiện tại, việc đầu tư quá mức vào Trung Quốc thực sự không có lợi”.

Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (EUCC) và Công ty tư vấn Roland Berger hồi tháng 4, đa số lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu chuyển sang trạng thái “chờ đợi và quan sát” tình hình ở Trung Quốc. Trong khi đó, gần 25% số lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết họ đang xem xét chuyển các khoản đầu tư hiện tại hoặc đã kế hoạch rời khỏi Trung Quốc, ngay cả khi điều đó sẽ khiến chi phí hoạt động của họ tăng lên.

Jörg Wuttke, Chủ tịch EUCC, nói: “Một thị trường có chi phí đắt hơn nhưng hoạt động hiệu quả vẫn tốt hơn là một thị trường tương đối rẻ nhưng tê liệt”.

Airbus, nhà sản xuất máy bay châu Âu và là đối thủ chính của Boeing, cho biết sẽ xây dựng dây chuyền lắp ráp thứ hai tại nhà máy ở Mobile, bang Alabama của Mỹ. Đây là một phần trong kế hoạch tăng công suất lắp ráp dòng máy bay thân hẹp bán chạy của hãng này lên 75 chiếc mỗi tháng vào năm 2025.

Các hãng bay của Mỹ đang phục hồi nhanh, đặc biệt là ở các đường bay nội địa chặng ngắn nơi dòng máy bay A320 của Airbus được sử dụng nhiều.

Trong khi đó, tại châu Âu, Nga gần như bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu do các doanh nghiệp nước ngoài cắt đứt quan hệ làm ăn hoặc tháo chạy rời khỏi nước này. Sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, Tập đoàn dầu khí BP (Anh) đã rút khỏi thị trường Nga, chấp nhận tổn thất 25,5 tỉ đô la. Trong tuần này, BP cho biết họ sẽ tăng chi tiêu đầu tư ở Mỹ trong năm nay lên mức 1,6 tỉ đô la từ con số 1 tỉ đô la hồi năm ngoái.

Triển vọng tăng trưởng của Mỹ sáng hơn Trung Quốc

Việc kinh doanh ở Mỹ không phải là không có những thách thức. Giống như các đối tác châu Âu, giới doanh nghiệp Mỹ cũng đang chật vật ứng phó tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí tăng cao. Nhiều doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang “đỏ mắt” tìm kiếm nhân công trong một thị trường lao động ngày càng thắt chặt, khiến chi phí tiền lương tăng lên. Họ cũng phải đối mặt với chi phí vay nợ lớn hơn khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ. Sự phân cực chính trị và các cuộc bầu cử sắp diễn ra có thể thay đổi cán cần quyền lực giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại của quốc hội Mỹ và điều đó có nghĩa là Mỹ  không tránh khỏi những bất ổn chính trị.

Tuy nhiên, với xung lực tăng trưởng mạnh mẽ, GDP của Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng khoảng 3,7% trong năm nay, một trong những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của nước này trong hai thập niên qua. Mức tăng trưởng này cao hơn hẳn so với mức tăng trưởng 2,8% của khu vực sử dụng đồng euro, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 4.

Trong quí 1, xuất khẩu của Đức sang Mỹ tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức khoảng 36 tỉ đô la. Trong cùng thời kỳ, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc tăng 5% lên mức 29 tỉ đô la. Các nhà phân tích cho biết xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sang Trung Quốc tăng trưởng chậm lại dấu hiệu cho thấy sức hấp dẫn của Trung Quốc suy giảm đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Mỹ và phần lớn châu Âu đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế liên quan đến Covid-19 và chuyển sang sống chung với virus, nhưng Bắc Kinh vẫn quyết tâm quét sạch các ca nhiễm. Đây là cuộc chiến mà nhiều nhà đầu tư không tin Trung Quốc có thể thắng mà không gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Giới chức trách Trung Quốc đã áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển của người dân để kiểm soát dịch bệnh sau khi mở các chiến dịch dài hơi để chỉnh đốn các lĩnh vực tăng trưởng cao như công nghệ và giáo dục. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc cũng đang vật lộn với núi nợ nần.

Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn Capital Economics, cho biết kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng 2% trong năm nay, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%. Shearing nói: “Những khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc đối mặt không chỉ kéo tăng trưởng của nước này chậm lại trong năm nay mà cả trong những năm tới”.

Nguồn vốn FDI chảy mạnh vào nền kinh tế lớn nhất thế giới

Trong báo cáo mới đây, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, (OECD) cho biết nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 88% trên toàn thế giới vào năm ngoái khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 và các tập đoàn tái đầu tư lợi nhuận của họ. OECD ghi nhận Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, là nước hưởng lợi lớn nhất, với dòng vốn FDI chảy vào nước này tăng 133% lên mức 382 tỉ đô la, Trung Quốc là mục tiêu đầu tư lớn thứ hai, với FDI tăng 32% lên 334 tỉ đô la.

Theo hãng nghiên cứu Dealogic, các công ty châu Âu tiếp tục thực hiện hầu hết các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) ở trong nước, nhưng trong vài năm qua, số lượng các thương vụ M&A của họ tại Mỹ  đã tăng lên. Trong năm 2019, các công ty châu Âu đã dẫn đầu với 522 thương vụ M&A tại Mỹ có tổng trị giá 167,4 tỉ đô la. Năm ngoái, số lượng thương vụ mà họ thực hiện tại Mỹ tăng lên 616 với tổng giá trị lên tới 203,7 tỉ đô la.

Sự hấp dẫn đầu tư ngày càng tăng của Mỹ đã khiến một số công ty suy nghĩ lại về các quyết định rời khỏi thị trường này trong quá khứ.

Hồi tháng 4, ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc, có trụ sở tại Luxembourg, thông báo sẽ quay trở lại Mỹ sau khi bán hầu hết các tài sản ở đây vào năm 2020. ArcelorMittal cho biết đang mua 80% cổ phần trong một nhà máy sản xuất sắt đóng bánh nóng (hot briquetted iron), một nguyên liệu thô để sản xuất thép, ở Corpus Christi, bang Texas. Nhà máy này được định giá 1 tỉ đô la.

“Đây là một thương vụ thâu tóm chiến lược đầy thuyết phục đối với công ty của chúng tôi. Nhà máy này có tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới và tọa lạc tại vị trí lý tưởng”, Aditya Mittal,  Giám đốc điều hành ArcelorMittal, nói.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới