Thứ Sáu, 13/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp chế xuất có thể ‘thở phào’

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Từ chỗ “ngồi trên đống lửa”, doanh nghiệp chế xuất có thể “thở phào” khi Bộ Tài chính và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã thống nhất tiếp tục áp dụng thuế suất 0% thuế giá trị gia tăng đối với các dịch vụ cung ứng cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất.

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM. Ảnh minh họa: TTXVN

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp vào tháng 10-2024. Thời gian qua, doanh nghiệp chế xuất hết sức lo ngại việc dự thảo luật đã bỏ quy định áp thuế suất 0% đối với dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất. Cùng với đó, dự thảo luật thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% để khắc phục khó khăn trong việc xác định nơi tiêu dùng dịch vụ. Cụ thể, dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% chỉ bao gồm chủ yếu là các dịch vụ trong lĩnh vực vận tải quốc tế.

Với nội dung sửa đổi này, toàn bộ các dịch vụ cung ứng cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất sẽ không được áp dụng cơ chế thuế suất 0% (đồng thời không được áp dụng cơ chế hoàn/khấu trừ thuế đầu vào). Theo đó, với các doanh nghiệp chế xuất cỡ trung ở Việt Nam, con số tuyệt đối nếu phát sinh thêm thuế giá trị gia tăng đầu vào có thể lên đến hàng chục triệu đô la Mỹ cho một năm, chưa kể các rắc rối về thủ tục hoàn thuế nếu cơ chế này được áp dụng.

Các doanh nghiệp chế xuất cho rằng, quy định mới sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam tại thị trường nước ngoài và làm giảm đáng kể sức hấp dẫn về môi trường đầu tư của Việt Nam. Hơn nữa, đây không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp Việt Nam(1).

Trong bối cảnh chung hiện nay, việc giữ nguyên quy định hiện hành, tiếp tục áp dụng thuế suất 0% đối với các dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất là cần thiết nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chế xuất. Trong trường hợp tỷ trọng hàng hóa tiêu thụ vào nội địa so với hàng hóa xuất khẩu tăng lên đáng kể trong tương lai, lúc đó sẽ cần cân nhắc lại chính sách này một cách phù hợp.

Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, cho phép áp dụng mức thuế 0% đối với các dịch vụ cung cấp và tiêu dùng trong khu vực phi thuế quan. Trước ý kiến của doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính, Ngân sách – cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) – đánh giá kỹ tác động đến môi trường đầu tư, tác động đến chi phí của doanh nghiệp.

Trước thềm kỳ họp sắp tới của Quốc hội, mối lo của các doanh nghiệp chế xuất đã được giải tỏa khi Bộ Tài chính và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã thống nhất tiếp tục áp dụng thuế suất 0% đối với các dịch vụ cung ứng cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất như quy định hiện hành.

Cụ thể, báo cáo về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào cuối tháng 8 vừa qua, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, về nguyên tắc, dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp chế xuất không thể coi là dịch vụ xuất khẩu vì được tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu đánh thuế giá trị gia tăng với các dịch vụ này thì các doanh nghiệp chế xuất cần có cơ chế hoàn thuế hoặc khấu trừ thuế đầu vào (bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ đầu vào) khi xuất khẩu hoặc bán sản phẩm vào thị trường trong nước.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật không có quy định cho phép các doanh nghiệp chế xuất được hoàn thuế hoặc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Kể cả trong trường hợp cơ chế hoàn thuế hoặc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào được quy định bổ sung vào dự thảo luật thì cũng sẽ tạo ra gánh nặng lớn về thủ tục kê khai hoàn thuế và chi phí về dòng tiền nộp thuế phát sinh cho các doanh nghiệp nếu việc hoàn thuế không được thực hiện nhanh chóng. Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, với những hạn chế trong công tác hoàn thuế trên thực tế hiện nay, chính sách này cần được cân nhắc thấu đáo và đánh giá đầy đủ các tác động liên quan.

“Do chưa lường hết các tác động của chính sách, cơ quan soạn thảo đã thống nhất với Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng chưa sửa nội dung này mà giữ như quy định hiện hành, tiếp tục áp dụng thuế suất 0% đối với các dịch vụ cung ứng cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất. Đồng thời, bổ sung quy định các dịch vụ này phải bảo đảm là các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất hàng xuất khẩu và không bao gồm dịch vụ cho cá nhân hoặc không liên quan đến hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu”, báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết.

Theo hướng này, dự thảo luật cũng được giữ như quy định hiện hành đối với các loại hình dịch vụ xuất khẩu khác, đồng thời bổ sung nội dung để bảo đảm đúng nguyên tắc, chuẩn mực của thuế giá trị gia tăng và chặt chẽ trong áp dụng luật. Theo đó, các dịch vụ xuất khẩu phải bảo đảm là được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, bao gồm cả các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phần mềm, các sản phẩm cung cấp trên nền tảng số. Các văn bản dưới luật sẽ quy định chi tiết về việc xác định địa điểm tiêu dùng phù hợp với bản chất của các hoạt động, giao dịch cụ thể.

Doanh nghiệp chế xuất là loại hình doanh nghiệp được các tập đoàn đa quốc gia lớn lựa chọn nhiều nhất khi thành lập doanh nghiệp tại nước ta để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, mang lại lượng lớn ngoại tệ cho đất nước và thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu. Số liệu cũng cho thấy, phần lớn sản phẩm của các doanh nghiệp chế xuất đang được dành cho xuất khẩu, tỷ trọng hàng hóa tiêu thụ vào nội địa ở mức tương đối nhỏ. Theo tính toán từ số liệu của Bộ Tài chính, từ năm 2019-2023 có khoảng 60-70% doanh nghiệp chế xuất tiêu thụ hàng hóa vào nội địa; tuy nhiên, tỷ trọng hàng hóa được tiêu thụ vào nội địa không lớn so với số hàng hóa được xuất khẩu, chỉ chiếm 6,4-7,6%.

Trong bối cảnh chung như vậy, việc giữ nguyên quy định hiện hành, tiếp tục áp dụng thuế suất 0% đối với các dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất là cần thiết nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chế xuất. Điều này cũng giúp củng cố một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, đó là xuất khẩu. Trong trường hợp tỷ trọng hàng hóa tiêu thụ vào nội địa so với hàng hóa xuất khẩu tăng lên đáng kể trong tương lai, lúc đó sẽ cần cân nhắc lại chính sách này một cách phù hợp.

(1) https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-che-xuat-ngoi-tren-dong-lua/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới