Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp chế xuất ‘ngồi trên đống lửa’

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) bỏ áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% khiến nhiều doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam như “ngồi trên đống lửa”.

Với các doanh nghiệp chế xuất cỡ trung, con số tuyệt đối nếu phát sinh thêm thuế giá trị gia tăng đầu vào có thể lên đến hàng chục triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Các doanh nghiệp chế xuất, bao gồm Samsung Việt Nam, quan ngại sâu sắc về việc sẽ bỏ áp dụng thuế suất VAT 0% với các dịch vụ cung cấp vào khu vực phi thuế quan. Ảnh: T.L

Vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trước khi xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 10 sắp tới. Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo luật đã bỏ áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất.

Dự thảo luật cũng thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%; theo đó dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% chỉ bao gồm: dịch vụ vận tải quốc tế, dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam, dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế hoặc thông qua đại lý. Như vậy, rất nhiều loại hình dịch vụ khác sẽ bị áp mức thuế cao hơn trước, cụ thể là từ mức 0% hiện nay sẽ tăng lên 5% hay 10%, trong khi không có cơ chế cho doanh nghiệp khấu trừ hoặc hoàn thuế đầu vào.

Đề xuất này khiến các doanh nghiệp chế xuất như đang ngồi trên đống lửa. “Các doanh nghiệp chế xuất, bao gồm Samsung Việt Nam, quan ngại sâu sắc về việc sẽ bỏ áp dụng thuế suất VAT 0% với các dịch vụ cung cấp vào khu vực phi thuế quan”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, bày tỏ.

Theo ông, nếu áp dụng mức thuế VAT lên đến 10% đối với dịch vụ được cung cấp trong khu vực phi thuế quan thì sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam tại thị trường nước ngoài và làm giảm đáng kể sức hấp dẫn về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Trong bối cảnh xuất khẩu đang là một động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước và trước những tác động có thể nhìn thấy và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, cả Quốc hội và Chính phủ đều cần cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra một quyết định thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi của cả Nhà nước, nền kinh tế và doanh nghiệp.

Hơn nữa, “đây không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp FDI, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp Việt Nam”, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.

Thêm vào đó, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho rằng, quy định mới về dịch vụ xuất khẩu sẽ gây ra bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp chế xuất (EPE) và các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu khác (non-EPE). Ông Choi Joo Ho phân tích: trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu không phải là doanh nghiệp chế xuất (non-EPE) được áp dụng cơ chế hoàn thuế đối với cả chi phí dịch vụ mua vào thì các doanh nghiệp chế xuất lại không có cơ chế để được hoàn thuế đối với chi phí này.

Nói cách khác, các doanh nghiệp lẽ ra phải được ưu tiên về các chính sách ưu đãi liên quan đến sản xuất xuất khẩu như doanh nghiệp chế xuất thì lại bị đánh thuế VAT và phải chịu thêm khoản chi phí rất lớn. “Quy định này không những không phù hợp với chính sách khuyến khích xuất khẩu của Việt Nam, mà còn gây thiệt hại lớn tới khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu của sáu công ty thuộc Tập đoàn Samsung tại Việt Nam”, ông Choi Joo Ho cho biết và kiến nghị giữ nguyên quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, cho phép áp dụng mức thuế 0% đối với các dịch vụ cung cấp và tiêu dùng trong khu vực phi thuế quan.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế - Deloitte Việt Nam, xác nhận rằng, đối tượng bị tác động nhiều nhất của đề xuất thu hẹp diện áp dụng thuế VAT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu là các doanh nghiệp chế xuất đang được áp dụng chính sách của khu phi thuế quan. Đây là loại hình doanh nghiệp được các tập đoàn đa quốc gia lớn lựa chọn nhiều nhất khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, mang lại lượng lớn ngoại tệ cho đất nước và thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu.

Ông Tuấn dẫn thông tin từ đại diện Công ty Trina Solar cho biết, doanh nghiệp này nhập khẩu 80% nguyên vật liệu trong nước và nếu thu hẹp diện áp dụng thuế VAT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu, chi phí có thể tăng 6%, tăng thủ tục hành chính để thực hiện hoàn thuế. Ngoài ra, với các doanh nghiệp chế xuất cỡ trung ở Việt Nam, con số tuyệt đối nếu phát sinh thêm thuế VAT đầu vào có thể lên đến hàng chục triệu đô la Mỹ cho một năm, chưa kể các rắc rối về thủ tục hoàn thuế nếu cơ chế này được áp dụng.

Tăng nghĩa vụ thuế là điều không doanh nghiệp nào mong muốn. Tuy nhiên, đánh giá tác động chính sách ở góc độ xuất khẩu, ông Tuấn cho rằng, đề xuất này sẽ lập tức làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư cũng như các dự án đầu tư nước ngoài đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam. Vì thế, chia sẻ của Tập đoàn Samsung về tác động đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của “ông lớn” này tại Việt Nam là vấn đề cần đánh giá nghiêm túc, vì mức độ ảnh hưởng cả về số lượng doanh nghiệp và chi phí tuyệt đối do phát sinh thêm thuế VAT đầu ra mà nhóm đối tượng này bị tác động.

Theo ông Tuấn, nền kinh tế Việt Nam kể từ khi hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới gần 20 năm trở lại đây, luôn lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều tăng trưởng qua các năm. Một trong những lý do giúp thúc đẩy xuất khẩu chính là nhờ các chính sách thuế của Việt Nam với tác động chủ yếu từ thuế VAT 0% cho các hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Tương tự, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, từ khi đổi mới đến nay, xuất khẩu hàng hóa luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15% mỗi năm. Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của chính sách thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Hơn nữa, dịch vụ xuất khẩu thường là những ngành đòi hỏi lao động trình độ cao, không yêu cầu vốn đầu tư lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là những lĩnh vực phù hợp với bối cảnh kinh tế của Việt Nam.

Trong bối cảnh xuất khẩu đang là một động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước và trước những tác động có thể nhìn thấy và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, cả Quốc hội và Chính phủ đều cần cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra một quyết định thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi của cả Nhà nước, nền kinh tế và doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới