Thứ Bảy, 31/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp chưa chủ động khai báo hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

L. Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cho đến nay, chưa có doanh nghiệp nào chủ động khai báo hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, một biện pháp có thể giúp doanh nghiệp tự giải thoát khỏi thỏa thuận bất hợp pháp theo chính sách khoan hồng của pháp luật cạnh tranh.

Thông tin trên được ghi nhận tại Hội nghị “Giới thiệu quy trình xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh” do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (UBCTQG) tổ chức tại TPHCM vào ngày 30-8.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019, Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung chính sách khoan hồng trong quá trình thực thi pháp luật cạnh tranh.

Chưa có doanh nghiệp nào chủ động khai báo hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Cụ thể, Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 ghi nhận đối với các trường hợp doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp UBCTQG phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm thì được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.

Với chương trình khoan hồng này, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, luật sư Công ty Luật LNT&Partner, các doanh nghiệp là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể tự giải thoát khỏi thỏa thuận bất hợp pháp, và cung cấp bằng chứng cho cơ quan thực thi để phát hiện và dễ dàng xử lý các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Dẫn chứng thực tế áp dụng chính sách khoan hồng ở Mỹ, Nhật Bản, hay Singapore, luật sư Tuấn cho biết hiệu quả mang lại rất rõ khi số vụ việc được phát hiện và xử lý thông qua tự nguyện khai báo tăng đáng kể qua từng năm.

Luật Cạnh tranh năm 2018 dù đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019, nhưng theo ông Tuấn, đến nay chưa có doanh nghiệp nào chủ động khai báo hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Ông chỉ ra nguyên nhân là vì cơ chế thực hiện chính sách khoan hồng chưa được rõ ràng do Luật Cạnh tranh thiếu hướng dẫn cụ thể về cách thức thông báo, quy trình bảo mật và thời gian thực hiện.

“Thiếu cơ chế bảo vệ thỏa đáng, doanh nghiệp sẽ chịu rủi ro bị trả đũa bởi các doanh nghiệp khác trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh”, ông Anh Tuấn nói.

Đáng chú ý, pháp luật không có quy định rõ ràng về việc liệu doanh nghiệp chủ động khai báo có thể được miễn trách nhiệm hình sự cho chính doanh nghiệp và các cán bộ quản lý của doanh nghiệp đó hay không.

Do đó, các luật sư kiến nghị UBCTQG cần ban hành hoặc đề xuất chính phủ ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình, cách thức thực hiện chương trình khoan hồng. Đồng thời xác định mức độ trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp khai báo để đảm bảo tính minh bạch, nhất quán của pháp luật cạnh tranh và pháp luật hình sự.

Tại sự kiện, các luật sư cũng chia sẻ rằng trong quá trình tư vấn cho thấy doanh nghiệp rất quan tâm pháp luật điều chỉnh hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh với rủi ro cao. Đó là mức phạt hành chính lên đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước đó và có khả năng bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 217 của Bộ Luật hình sự.

Về chế tài xử lý vi phạm, quy định rằng tùy theo mức độ vi phạm, các tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt chính, hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo các luật sư, Nghị định 75/2019 lại chưa đưa ra các nguyên tắc, tiêu chí để cơ quan thực thi xác định chế tài cụ thể (đặc biệt là hình phạt bổ sung và khắc phục hậu quả) dẫn đến rủi ro tùy nghi trong việc áp dụng pháp luật. Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc xác định, đo lường mức độ rủi ro khi vi phạm pháp luật về hạn chế cạnh tranh.

Đứng ở góc nhìn của doanh nghiệp, tại sự kiện, các luật sư và chuyên gia cũng chỉ ra pháp luật cạnh tranh còn nhiều bất cập, dẫn đến khó khăn trong việc tuân thủ, đặc biệt có thể gây tranh cãi trong quá trình xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới