Thứ hai, 18/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp chưa sẵn sàng với kiểm kê phát thải khí nhà kính

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dù hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, nhưng nhiều doanh nghiệp hiện còn khá lúng túng và gặp khó khăn trong việc thực hiện "xanh hóa" quá trình sản xuất lẫn kinh doanh. Đáng chú ý, kiểm kê phát thải khí nhà kính, vốn được xem là hoạt động cơ bản đầu tiên để bắt đầu hành trình xanh hóa, chưa được nhiều doanh nghiệp chú trọng.

Ông Lê Xuân Nghĩa (thứ tư, bên trái), bà Trần Anh Đào (thứ nhất, bên trái) cùng các chuyên gia, doanh nghiệp đang thảo luận tại Tọa đàm.

Thông tin này được ghi nhận tại tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn - trung hòa carbon: Con đường tất yếu” diễn ra tại TPHCM ngày 27-11 do Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon (Green Media Hub) phối hợp với báo điện tử Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Việc kiểm kê khí nhà kính được xem là hoạt động cơ bản nhất để doanh nghiệp bắt đầu hành trình chuyển đổi xanh hoá. Bởi phải nắm được lượng phát thải của nhà máy, cơ sở sản xuất của mình bao nhiêu thì doanh nghiệp mới có chính sách phù hợp.

Tuy nhiên, các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm cho thấy hiệnrất ít doanh nghiệp làm được hoặc báo cáo liên quan đến kiểm kê khí nhà kính và là điều đáng báo động. Ngay cả những doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán có giá trị vốn hóa lớn cũng chưa làm hoặc báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính.

Dẫn số liệu trong số các doanh nghiệp thuộc rổ chỉ số VN100, bà Trần Anh Đào, PhótTổng giám đốc phụ trách ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), cho biết chỉ có 12 doanh nghiệp thực hiện kiểm kê ở phạm vi 1 (phát thải khí nhà kính trực tiếp từ các nguồn do tổ chức đó sở hữu), và phạm vi 2 (phát thải khí nhà kính gián tiếp từ nguồn mua của tổ chức khác).

VN100 - chỉ số thị trường được xây dựng bởi HOSE dựa trên các tiêu chí đánh giá quốc tế của FTSE 100, bao gồm 100 mã cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất, khả năng thanh khoản và tỷ lệ tự do chuyển nhượng cao nhất sàn HOSE; và 100 mã cổ phiếu này ứng với 100 công ty đang lớn mạnh nhất của Việt Nam.

Thị trường chứng khoán hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM

Đáng chú ý, theo bà Đào, chỉ có 7 doanh nghiệp đề cập đầy đủ phạm vi 1, 2 và 3 (phát thải khí nhà kính gián tiếp trong chuỗi giá trị của mình).

Các ý kiến cho rằng thực tế là hiện rất ít doanh nghiệp niêm yết có chỉ tiêu tính toán, đo lường cụ thể khí nhà kính tại doanh nghiệp mình. Và cũng rất ít doanh nghiệp đảm bảo độc lập về chỉ tiêu khí nhà kính.

Theo bà Đào, trên thị trường chứng khoán, hiện các doanh nghiệp niêm yết cũng đã chú ý đến thực hiện báo cáo phát triển bền vững với việc công bố các mục tiêu tương ứng cho từng chỉ tiêu được báo cáo.

Tuy nhiên thực tế với giải thưởng thường niên về báo cáo phát triển bền vững (ESG) đã qua hơn 9 năm, theo bà Đào, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu việc phân tích kết quả thực hiện xuyên suốt qua các năm. Nhiều doanh nghiệp chưa thể hiện được sự tích hợp của các hoạt động ESG từ chiến lược tới kế hoạch, hành động và báo cáo; thiếu phân tích các hoạt động ESG (môi trường, xã hội và quản trị) xuyên suốt chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) đánh giá vai trò của các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải là rất quan trọng. "Hiện nay, chúng tôi coi việc chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc của các doanh nghiệp, nếu chúng ta không thực hiện các quy định về tuần hoàn chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi", ông Nguyễn Đình Thọ nói.

Tại tọa đàm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE), cho rằng chuyện xanh hóa, phát triển bền vững, hay kinh tế tuần hoàn đang trở thành cuộc chiến sống còn của doanh nghiệp.

Các nước lớn, đặc biệt ở châu Âu, đang ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe, rào cản sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường hơn. Do đó, theo ông Nghĩa, muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp chỉ có con đường "xanh hóa" sản xuất.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng bày tỏ sự đồng cảm với doanh nghiệp trong bối cảnh đang chật vật để sống sót trên thị trường thì vấn đề chuyển đổi xanh hóa càng khó với nhiều doanh nghiệp.

Ông Nghĩa ví những tiêu chuẩn này giống như các cơn bão. “Cơn bão sắp ập đến nhưng chúng ta chưa có lấy một hầm trú ẩn”, ông Lê Xuân Nghĩa nói.

Khởi động giải báo chí phát triển xanh

Tại sự kiện, Ban tổ chức thông tin liên quan giải báo chí phát triển Xanh. Giải thưởng này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp về sự cần thiết và trách nhiệm tiên phong của mình trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu trong nước hướng đến cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Đối tượng tham gia gồm: Các hội viên Câu lạc bộ báo chí Phát triển Xanh – Green Media Hub; người viết báo chuyên nghiệp, không chuyên và cộng tác viên của các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế. Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi sẽ kết thúc ngày 28 -2 -2025.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới