(KTSG Online) - Số lượng nhà đầu tư mới (F0) gia tăng nhanh trong những năm gần đây và việc thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng trong tương lai gần là hai yếu tố thúc đẩy các công ty chứng khoán tăng tốc trong cuộc đua ứng dụng công nghệ, qua đó chiếm lĩnh thêm thị phần trên thị trường.
Tự tạo lợi thế cạnh tranh nhờ ứng dụng công nghệ
Thống kê của VIS Rating cho thấy, trong năm tháng đầu năm 2024, khoảng 10 trong số 30 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất đã công bố kế hoạch tăng vốn, với tổng giá trị vốn tăng thêm khoảng 38.000 tỉ đồng trong 12 tháng tới. Với nguồn vốn bổ sung, các đơn vị dự kiến đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi là đầu tư, cho vay ký quỹ (margin) và nâng cấp hệ thống công nghệ để thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới.
Khác với nhóm công ty chứng khoán hoạt động lâu năm trên thị trường, vốn sở hữu lợi thế cạnh tranh về nguồn vốn và số lượng khách hàng lớn, các công ty như Pinetree, DNSE lựa chọn sử dụng nền tảng công nghệ với các ứng dụng được thiết kế dễ hiểu, tích hợp nhiều tiện ích gia tăng để giúp nhà đầu tư ra quyết định mua - bán nhanh hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh.
Trong khi đó, TCBS áp dụng mô hình kết hợp giữa công ty chứng khoán truyền thống và fintech.
Điểm chung của nhóm này là chính sách miễn phí giao dịch không quá chú trọng vào nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Đồng thời, doanh nghiệp đẩy mạnh việc cung cấp kiến thức, thông tin đã được phân tích cho nhà đầu tư trên nền tảng trực tuyến và hỗ trợ nhà đầu tư ra quyết định mua – bán.
Mô hình kinh doanh mới, với định hướng tập trung vào công nghệ đã giúp một số công ty chứng khoán tiếp cận đối tượng nhà đầu tư trẻ và xác lập vị thế riêng trên thị trường, vốn có nhiều đơn vị hoạt động lâu năm như SSI, VNDirect, HSC hay nắm giữ thị phần môi giới cao như VPS.
Tại DNSE, công ty đã phát triển fanpage Bò và Gấu và mạng xã hội cùng tên, với những bức tranh, video chia sẻ thông tin về tiểu sử các doanh nhân, nhà kinh tế, các tổ chức tài chính, cùng nỗ lực bắt kịp các xu hướng, sự kiện nóng trên thị trường qua lối hành văn hài hước. Việc này đã giúp thương hiệu duy trì sức ảnh hưởng lớn trên các nền tảng mạng xã hội 3-4 năm gần đây. Theo DNSE, khoảng 30-35% khách hàng đến với nền tảng giao dịch Entrade X của công ty từ việc theo dõi Bò và Gấu.
Ngay cả những đơn vị hoạt động lâu năm trên thị trường như Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng chú trọng việc nâng cấp hệ thống công nghệ để phục vụ tệp khách hàng trải dài từ thế hệ 5x, 6x đến GenZ.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên, Giám đốc công nghệ thông tin của BVSC, cho biết những sản phẩm đơn giản nhất như giao diện web, giao diện app đều được tính toán kỹ lưỡng, với mục tiêu mang lại hiệu quả tối đa, đi kèm cách sử dụng đơn giản.
“App giao dịch liên tục được nghiên cứu, cải tiến để có thêm nhiều tính năng phục vụ khách hàng. Các hình thức tính phí, công cụ tổng hợp và khuyến nghị, các sản phẩm tự động tối ưu hóa giao dịch hoặc nguồn tiền của khách… cần được liên tục thay đổi và cải tiến”, ông Nguyên nói và cho biết dó là cách đưa công nghệ vào trải nghiệm dịch vụ của khách hàng.
Theo Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dữ liệu và công nghệ tài chính WiGroup, khách hàng sẽ được thụ hưởng ba lợi ích từ cuộc chạy đua công nghệ giữa các công ty chứng khoán. Đó là, chi phí giao dịch thấp hơn hơn nhờ việc ứng dụng công nghệ, giúp tiết giảm chi phí nhân sự và quản trị nội bộ; tiết kiệm thời gian tìm kiếm, phân tích thông tin và ra quyết định nhờ dữ liệu, thông tin đầu vào đã được sàng lọc, làm sạch với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ; nhận được lượng thông tin đầy đủ và chính xác hơn nhờ khả năng tìm kiếm, phân tích, tổng hợp của các ứng dụng công nghệ.
Để tránh “hụt hơi” trong cuộc đua công nghệ?
Cuộc chạy đua công nghệ giữa các công ty chứng khoán giúp nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn kênh phân phối vốn. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu từ khách hàng, nhiều công ty chứng khoán đã chấp nhận đâu tư một khoản chi phí lớn và có những cách thức riêng để cuộc đua công nghệ đem lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp.
Ông Trần Minh Long, nhà đầu tư đang sinh sống ở Hà Nội cho rằng, tính năng và chất lượng app giao dịch là một trong những yếu tố quyết định việc khách hàng có tiếp tục duy trì số tư tiền gửi tại một công ty chứng khoán hay không. Hiện ông mở tài khoản tại ba công ty chứng khoán là HSC, VPS và DNSE để tận dụng ưu thế của từng đơn vị.
Chẳng hạn, HSC có các phần mềm chọn lọc cổ phiếu, VPS có hệ thống giao dịch thông minh còn DNSE thì lại có những hỗ trợ khách hàng theo cách riêng. Nhờ những tiện ích trên app giao dịch của công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể chủ động hơn trong việc nghiên cứu sức khỏe cổ phiếu, tính toán việc chứng khoán và phân bổ nguồn vốn.
Để có thể mang lại những tiện ích này cho khách hàng, công ty chứng khoán đã phải đầu tư không nhỏ. Tại BVSC , Nguyễn Phúc Nguyên cho biết, đã thực hiện dự án trị giá hàng triệu đô la Mỹ để triển khai hệ thống quản lý từ năm 2008. Công ty làm việc nhiều với đối tác nước ngoài có kinh nghiệm, có hệ thống tốt và yêu cầu những đối tác này phải hiểu thị trường Việt Nam để có thể mở rộng hệ thống trong bối cảnh quy định và trải nghiệm khách hàng thay đổi rất nhanh.
Tuy nhiên, doanh nhân này cũng cho rằng, nếu chỉ công ty chứng khoán mạnh tay đầu tư cho công nghệ thì khó mang lại lợi ích cho tất cả các bên vì việc vận hành và phát triển thị trường đòi hỏi mặt bằng năng lực của tất cả các thành viên như cơ quan quản lý, khách hàng, công ty chứng khoán…
Vì vậy, cần có sự kết nối, phối hợp nhịp nhàng với hệ thống giao dịch từ các sở giao dịch, cơ quan quản lý; trình độ khách hàng cũng cần được nâng cao để đủ khả năng nắm bắt, sử dụng được công nghệ mới. Tại công ty này, có một lượng lớn khách hàng lớn tuổi, ít có khả tiếp cận với công nghệ mới nên phải cung cấp dịch vụ khác như tiếp cận người với người, gặp gỡ chuyên viên, chuyên gia...
Bên cạnh yếu tố dịch vụ, bảo mật là yếu được đại diện các công ty chứng khoán lưu tâm trong cuộc đua công nghệ, sau sự việc xảy ra tại VNDirect.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch DNSE cho biết, công ty đang hợp tác với đối tác Canada để quản trị và nâng cao bảo mật. Hiện DNSE đang thực hiện cơ chế bảo mật hai lớp cho các nhà đầu tư đồng thời bảo mật cho trung tâm dữ liệu (data center) đặt tại trung tâm dữ liệu của FPT và xây dựng nền tảng sao lưu dữ liệu.
“Công ty đang ghi chép lại dữ liệu trên một phiên bản độc nhất để không có ai có thể chỉnh sửa được. Việc bảo mật và xây dựng dữ liệu dự phòng này nhằm bảo vệ lời cam kết của chúng tôi về dịch vụ giao dịch tiền 24/7”, ông Giang nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phúc Nguyên nhấn mạnh bảo mật là yếu tố mang tính sống còn trong lĩnh vực chứng khoán. Do đó, các đơn vị cần tập trung hỗ trợ khách hàng, tức giúp khách hàng tự bảo vệ mình tốt hơn thông qua nhiều hình thức như thiết kế sản phẩm, hình thức giao dịch cũng như trao đổi với khách hàng…
Doanh nhân này lưu ý, chỉ cần khách hàng nhấn vào một đường dẫn nào đó cũng có thể bị ăn cắp mật khẩu một cách nhanh chóng. Thậm chí, việc tấn công đôi khi chỉ đơn giản là kẻ đằng sau mua một mã chứng khoán mà không phải chuyển tiền ra. Về mặt thực tế, người này không lấy tiền ra nên khó để soi nhưng có thể tác động lên giá một cổ phiếu hoặc theo một cách khác. Đây là những nguy cơ hiện hữu với khách hàng và việc đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, hướng dẫn khách hàng cách bảo mật tốt hơn đều là những biện pháp giúp công ty chứng khoán có thêm lợi thế cạnh tranh.