(KTSG Online) – Các chuyên gia cho biết nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động từ khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa vào đầu tháng 10. Dù vậy, để bắt kịp với nhu cầu cuối năm và tạo đà cho năm sau, các doanh nghiệp nhỏ buộc phải tái cấu trúc hoạt động, từ sản phẩm, thị trường cho đến tài chính. Khả năng “chuyển trạng thái” sẽ phụ thuộc nhiều vào lãnh đạo của các doanh nghiệp.
Đây là nội dung chủ đạo được các diễn giả chia sẻ trong buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tái cấu trúc doanh nghiệp – Đón sóng phục hồi cuối năm”, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Ngân hàng Bản Việt tổ chức ngày 25-11.
Nhiều doanh nghiệp phục hồi nhanh
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TPHCM (HAMEE), đợt bùng phát dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có lĩnh vực chế biến chế tạo của TPHCM sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, hiện tại, các hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường.
“Bước qua quí 4, tình hình sản xuất đã quay trở lại mạnh mẽ. Riêng doanh nghiệp thành viên của hội gần như phục hồi đạt 95-100%, thậm chí có doanh nghiệp phải sản xuất trên 100% năng lực để đáp ứng đơn hàng”, ông Tống chia sẻ.
Ông Tống lý giải việc trở lại trạng thái bình thường nhanh là nhờ các doanh nghiệp cơ khí đã có sẵn nền tảng sản xuất, thực hiện "3 tại chỗ", các doanh nghiệp trong hội hỗ trợ lẫn nhau nên công việc cũng trôi chảy.
Tương tự, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết tình hình có dấu hiệu khởi sắc, các doanh nghiệp đã tham gia hoạt động trở lại. "Các doanh nghiệp trước đây 3T và sau này tiếp tục thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục phát triển tốt, dù nhân lực và chi phí y tế khó khăn", ông Hưng chia sẻ.
Ở góc độ là các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Bản Việt, đánh giá từ tháng 10 đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các mảng kinh doanh, ngành nghề chính được khuyến khích được đẩy lên rất cao. Về mặt tổng thể tốc độ phục hồi khoảng 60-70%.
Mặc dù vậy, theo đại diện HUBA, nhiều doanh nghiệp mặc dù có tốt nhưng không lời trong thời điểm này vì chi phí cao, từ chi phí y tế cho đến chi phí khác như nguyên vật liệu, vận chuyển, đủ thứ... khiến cho giá thành cao. Chi phí cao khiến cho nhiều doanh nghiệp không có lời.
Bên cạnh đó, một số chỉ làm cầm chừng, còn một số ngần ngại chưa dám sản xuất vì chưa biết dịch bùng đến đâu, một số doanh nghiệp chưa mở được thị trường, như dịch vụ ăn uống, du lịch, khách sạn. "Các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như cạn kiệt, vốn tích lũy sử dụng hết. Nhiều người chưa dám trở lại vì vốn ít, làm thì không ra lãi”, ông Hưng nhận định.
Chia sẻ tương tự, ông Tống cho biết thách thức mới đặt ra hiện này là hiện nỗi lo về số ca F0 tăng nhanh trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh. “Nếu như trong giai đoạn thực hiện 3T hầu như không có F0, thì nay xuất hiện nhiều. Điều này dẫn tới gia tăng chi phí, doanh nghiệp thiếu người nên phải tăng ca để bù lại”, ông Tống chia sẻ.
Cần có kế hoạch cụ thể để vượt nghịch cảnh
Một khó khăn khác được trao đổi nhiều là vấn đề lao động. Theo ông Hưng, ở hầu hết các khu chế xuất người lao động đã trở về gần đủ để ổn định sản xuất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn thì có điều kiện để hỗ trợ nhu cầu quay trở lại của người lao động, nhưng các SMEs thì gặp khó, nên vẫn cần chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước.
“Trong hoàn cảnh cạn kiệt, người lao động quay trở lại cũng cần khoản hỗ trợ ban đầu để bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng bảo doanh nghiệp bỏ tiền ra thì khó, vì doanh nghiệp khó lắm rồi. Chi phí hỗ trợ người lao động sẽ tính vào đâu?”, ông Hưng chia sẻ.
Còn ông Tống cho biết, các doanh nghiệp trong hội cơ khí cũng có thiếu hụt lao động, nhưng vẫn ở trong khả năng có thể giải quyết được. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết với các trường đại học để tuyển dụng, đón đầu đợt ra trường cuối năm để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất trong năm sau.
Chia sẻ tại tọa đàm, hầu hết các diễn giả đều cho rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp muốn tồn tại hay phục hồi thì cần phải thay đổi yếu tố nội tại. “Vấn đề là doanh nghiệp phải vượt nghịch cảnh, vượt qua điều kiện hiện tại để phục hồi và phát triển”, ông Tống nhận định.
Đại diện HUBA đưa ra khuyến nghị doanh nghiệp cần thực sự coi lại vấn đề về sản phẩm, thị trường lao động và tái cấu trúc lại tài chính.
Theo đó, để tiếp cận được vốn thì các doanh nghiệp nhỏ cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh hoạt động, khả năng tạo dòng tiền. “Doanh nghiệp có vấn đề về sổ sách thì ngân hàng cũng không thể nào cấp vốn, nên doanh nghiệp cũng phải tự xem xét lại mình”, ông Hưng chia sẻ.
Ở góc độ là các tổ chức tín dụng, ông Nhân cho biết giải pháp hỗ trợ của Ngân hàng Bản Việt là phân nhóm những nhóm doanh nghiệp có nhu cầu khác nhau. Chẳng hạn có thể phân nhóm theo nhu cầu vay, nhu cầu ngành hàng, hay nhu cầu về hoạt động xuất nhập khẩu, để từ đó tìm ra các giải pháp cụ thể và khác nhau.
“Chẳng hạn, nếu như khách hàng không có tài sản đảm bảo mà cần nguyên liệu nhập hàng, thì chúng tôi sẵn sàng liên kết làm việc, đứng ra bảo lãnh để có thể nhập hàng, hoặc bảo lãnh dự thầu tín chấp lên đến hàng trăm triệu, đơn hàng xuất nhập khẩu cũng sẽ có giải pháp riêng. Chúng tôi không đặt vấn đề có tài sản đảm bảo như thế nào thì mới được cấp nguồn vốn”, ông Nhân nói.
Đồng tình với ý kiến này, ông Hưng cho rằng khó khăn của SMEs luôn là vấn đề tài sản thế chấp, nên câu chuyện đồng hành cùng doanh nghiệp để tìm kiếm giải pháp tài chính hiện nay của các nhà băng là rất cần thiết với thị trường.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn, theo ông Nhân, quy tắc chủ yếu là cả doanh nghiệp và ngân hàng phải cùng ở vị thế win-win. Điều quan trọng là chủ doanh nghiệp phải xác định lại thị trường của doanh nghiệp mình còn hay không sau đại dịch, nếu còn thì quy mô như thế nào.
Ông Nhân cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động rà soát tình hình kinh doanh cuối năm và chuẩn bị cho năm sau, nắm bắt lại nhu cầu thực sự, nhu cầu thị trường cần, tập trung chính vào lĩnh vực kinh doanh mà mình làm tốt nhất.
Một vấn đề quan trọng khác là doanh nghiệp cần phải giảm thiểu tối đa chi phí, từ chi phí vận hành, chi phí không cần thiết, kết hợp giao dịch trên kênh điện tử. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa những dịch vụ, chương trình của ngân hàng, các khoản ưu đãi vào cuối năm để đẩy nguồn chi phí tiết kiệm được vào hoạt động kinh doanh.
Đại diện HUBA cũng đề xuất cần phải rút ngắn thủ tục hành chính. Nhiều chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước đưa ra từ đầu mùa dịch là phù hợp, nhưng triển khai ở địa phương thì còn gặp nhiều rắc rối về mặt thủ tục hành chính.
Ngoài ra, theo ông Tống, các doanh nghiệp hiện tại cần chú ý đến việc chuyển đổi số, không chỉ đơn thuần là về các giao dịch ngân hàng hay kế toán, mà quan trọng là hệ thống quản trị của công ty. Theo đó, lãnh đạo có thể ra quyết định được dựa trên các dữ liệu đầu vào. “Đây là điều cần làm trong giai đoạn tiếp theo. Cái doanh nghiệp muốn hiện nay là làm sao nhà nước hỗ trợ được doanh nghiệp chuyển đổi số thực chất”, ông Tống nói.