Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp ‘dính đòn’ giữa xung đột Nga – Ukraine

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hoạt động của các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng sau khi Nga tấn công Ukraine và chiến sự ngày càng leo thang. Trước mắt đã có một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp vì các đơn hàng xuất và nhập khẩu từ hai nước này bị đình trệ.

Thủy hải sản là nhóm hàng mà doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa: Vasep

Giao hàng, thanh toán đều bị mắc kẹt

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đang gặp khó với các lô hàng may mặc đã thực hiện cho đối tác Nga với giá trị hợp đồng lên đến 12,5 triệu đô la Mỹ. Nguyên nhân là do các nước phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt và siết chặt việc làm ăn với thị trường Nga khiến các hãng vận chuyển quốc tế đều từ chối nhận đơn hàng giao cho Nga. Do đó đến nay các lô hàng đến hạn giao cho khách hàng tại Nga, TNG vẫn chưa giao được.

Không chỉ các doanh nghiệp vận chuyển mà hệ thống thanh toán quốc tế cũng từ chối khi có quan hệ thanh toán với thị trường Nga khiến nhiều doanh nghiệp có giao thương với Nga bị ảnh hưởng.

Việc Mỹ và các nước phương Tây loại Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Bởi lâu nay, hoạt động thanh toán giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Nga được thực hiện chủ yếu qua mạng lưới này.

Cũng có giao dịch làm ăn với các doanh nghiệp ở thị trường Nga, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, cho biết việc gửi chứng từ của doanh nghiệp ông sang Nga đang kẹt hết lại do các ngân hàng Việt Nam không dám nhận.

Mỗi năm, Phúc Sinh Group xuất khẩu sang thị trường Nga khoảng 10 triệu đô la cả trực tiếp và gián tiếp qua nước thứ ba. Rất nhiều đối tác của Phúc Sinh Group tại Hà Lan, Đức… mua cà phê để bán lại sang Nga. Do đó, chiến sự giữa Nga - UKraine xảy ra khiến việc làm ăn ở thị trường Nga của doanh nghiệp này gặp trở ngại.

Theo ông Thông, với các đơn hàng đang trên đường đi, chứng từ chưa được gửi, Phúc Sinh Group sẽ chuyển hướng bán cho các đối tác khác. Với đơn hàng đã giao thành công nhưng bị kẹt khâu thanh toán do Nga bị loại khỏi mạng lưới SWIFT, Phúc Sinh Group và đối tác đang tìm hướng giải quyết.

Dù số lượng đơn hàng rơi vào tình huống này không nhiều, nhưng điều ông Thông lo lắng hơn là cuộc chiến giữa Nga - Ukraine không chỉ khiến doanh nghiệp có nguy cơ mất thị trường Nga rộng lớn, mà còn ảnh hưởng cả ở thị trường châu Âu.

Đáng chú ý là doanh nghiệp thủy hải sản, sau khi Nga tấn công Ukraine thì tình hình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này đã bị gián đoạn và gặp nhiều khó khăn.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp lớn xuất khẩu cá tra đi Nga, sau khi các nước phương Tây đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào các ngân hàng Nga thì đồng rúp đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay so với đồng đô la Mỹ.

Do đồng rúp mất giá mạnh nên nhiều nhà nhập khẩu không muốn trả tiền đơn hàng. Tình hình thanh toán qua các ngân hàng của các doanh nghiệp gần như tê liệt, một số nhà nhập khẩu có tài khoản ở các nước khác nhưng việc thanh toán không dễ dàng.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam tạm ngưng ký các đơn hàng cá tra xuất khẩu đi Nga cho dù nhiều nhà nhập khẩu vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác.

Không chỉ ở chiều xuất khẩu bị ảnh hưởng mà chiều nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam từ thị trường Nga cũng khó khăn.

Các doanh nghiệp gỗ cho biết đã bắt đầu chịu tác động từ ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine. Đại diện Công ty gỗ An Lạc cho biết kể từ khi xảy ra chiến tranh, các đơn hàng từ Ukraine không thể chuyển về Việt Nam được nữa. Việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Âu cũng bị ảnh hưởng vì nguồn cung có hạn, giá bị đẩy lên cao khiến chi phí sản xuất tăng lên. Lý do là bởi EU sẽ phải giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp do không nhập từ Nga.

Việc nhập khẩu từ hai nước này tuy không lớn, song lại có những mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Nga, Ukraine như ngũ cốc, năng lượng, vật tư kỹ thuật nông nghiệp, linh kiện, nguyên liệu công nghiệp… dù kim ngạch không lớn nhưng việc tìm thị trường thay thế không phải một sớm một chiều là được.

Cần sớm hành động ứng phó

Một số doanh nghiệp may mặc xuất khẩu sang Nga bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Trần Quốc Hùng, CEO Viện Tài chính quốc tế IIF tại Washington DC, Mỹ, chiến sự Nga - Ukraine và biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây ra sự thiếu hụt, nâng giá nhiều loại hàng như dầu khí, ngũ cốc và một số khoáng sản chiến lược. Tình trạng này sẽ gây thiếu hụt, chậm trễ và tăng chí phí trong dây chuyền sản xuất nhiều ngành công nghiệp.

Mặt khác, kinh tế toàn cầu sẽ bị đình trệ, lạm phát tăng cao cũng gây ra tình trạng giảm phát làm môi trường kinh doanh thêm khó khăn cho doanh nghiệp toàn cầu.

Còn quá sớm để nhận định về tác động của cuộc chiến này tới quan hệ thương mại của Việt Nam với Nga, Ukraine. Nhưng theo giới phân tích sẽ là quá chậm nếu vẫn “bình chân như vại”.

Rõ ràng đã có doanh nghiệp Việt Nam “dính đòn" như nói trên, hàng hóa đã xuất nhưng chưa được thanh toán. Một số lô nguyên phụ liệu nhập khẩu đến thời hạn hàng về có thể bị vạ lây… Một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga.

Việc cấm vận hàng không cũng khiến các doanh nghiệp phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa...

Trước bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine, các chuyên gia cho rằng hiệp hội, doanh nghiệp cần nhanh chóng ứng phó, trong đó phải chú ý và tìm hiểu về quy định pháp luật liên quan đến lệnh cấm vận của Mỹ.

Doanh nghiệp nên tiến hành thương thảo với đối tác Mỹ để tránh bị chế tài vì bị cáo buộc vi phạm những biện pháp trừng phạt đối với Nga và một số thị trường liên quan.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, từ trước tới nay, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần mở rộng phạm vi trừng phạt lên các cá nhân hay doanh nghiệp ở nước thứ ba khi áp dụng lệnh cấm vận.

Cũng như một số nước khác, Việt Nam có thể tăng cường tham gia thị trường EU ở một số lĩnh vực như nông phẩm, lương thực để thay thế hàng từ Nga và Ukraine.

Vào thời điểm này cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo và đa dạng nông phẩm lương thực sang thị trường EU. Trong bối cảnh này, Việt Nam nên tập trung nâng cao thị phần ở thị trường EU, trước tiên là sử dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn/năm với suất thuế quan 0% theo Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Song song đó, Việt Nam nên phát triển các loại gạo thơm cấp cao, nhiều giá trị đang được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần chủ động đánh giá tình hình thực tế để có chiến lược giao thương phù hợp với diễn biến mới. Vấn đề đa dạng hóa thị trường một lần nữa được các chuyên gia khuyên doanh nghiệp cần phải thực hiện để không bị động trong bối cảnh những cơn sóng biến động thị trường.

Trên thực tế, mặc dù những doanh nghiệp đang có hoạt động giao thương với Nga bị ảnh hưởng, nhưng về tổng thể lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều. Bởi lẽ năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga giá trị 3,2 tỉ đô la và nhập khẩu từ thị trường Nga giá trị 2,3 tỉ đô la, tổng kim ngạch khoảng 5,5 tỉ đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới