Thứ bảy, 2/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp du lịch kiệt quệ phải bán tàu, vay tín dụng đen vì khó tìm hỗ trợ

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngành du lịch đã rất khó khăn sau gần 2 năm đương đầu với Covid-19 là chuyện ai cũng biết. Nhưng khó đến nỗi phải vay tín dụng đen, phải bán tài sản nhưng không có người chịu mua là chuyện ít người biết vì không có nhiều doanh nhân muốn nói chi tiết về những chuyện rất buồn đó.

Thế nhưng, trong diễn đàn về giải pháp hồi phục du lịch do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hôm 30-11, một doanh nhân đã trải lòng về những khó khăn trong thời gian vừa qua. Ông cũng kể về quá trình tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, để cho thấy du lịch đang kiệt quệ và rất cần chính sách "cấp cứu" hữu hiệu từ Nhà nước.

Tàu du lịch ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đào Loan

Tàu nằm bờ dài hạn, doanh nghiệp đổ nợ

Doanh nhân vừa kể trên là ông Đào Mạnh Lượng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh. Trong câu chuyện về thiệt hại do Covid-19 gây ra với đội tàu du lịch của Chi hội đội tàu du lịch Hạ Long, ông cho biết, chi hội có 245 hội viên, là các chủ tàu chuyên kinh doanh dịch vụ tham quan, lưu trú bằng tàu du lịch trên vịnh Hạ Long.

Những hội viên này sở hữu trên 500 con tàu các loại, với số lao động thường xuyên hồi trước dịch là hơn 4.000 người, cao điểm có khi lên đến 6.000 người.

Sau gần 2 năm chịu đựng sự tàn khốc của dịch bệnh, hơn 500 con tàu đã dừng hoạt động trong một thời gian rất dài. Đi cùng với việc này là khoảng 3.000 lao động đã mất việc làm.

Số ít nhân viên còn có thể làm việc là những người ở lại để trông giữ tàu, bảo dưỡng máy móc và vận hành tàu khi có giông bão.

Doanh thu hoàn toàn không có trong khi vẫn phải trả tất cả chi phí trông coi, bảo dưỡng và các chi phí hành chính khác khiến hầu hết các chủ tàu ở Hạ Long cạn kiệt mọi nguồn tài chính để duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp.

"Nhiều chủ tàu đã phải vay tín dụng đen với rất nhiều hệ lụy", ông Lượng nói.

Ông Lượng cũng là một doanh nhân kinh doanh tàu du lịch. Ông kể, mỗi tháng phải chi ít nhất là gần 200 triệu đồng để trông giữ 8 con tàu. Tính từ thời điểm phải dừng hoạt động từ tháng 3-2020 đến nay, công ty phải chi 4 tỉ đồng để tồn tại.

"Tôi đã quyết định bán bớt tàu để lấy tiền trả nợ. May mắn là đã bán được nên có thể tồn tại đến hôm nay", ông nói. Ông cho biết rất khó để có thể bán tàu du lịch trong thời điểm hiện tại vì không có ai muốn mua.

Nhận định về tình hình kinh doanh trong hiện tại, thời điểm mà ngành du lịch Quảng Ninh cũng như cả nước đã khởi động lại du lịch nội địa và thí điểm đón khách quốc tế, ông Lượng cho rằng chưa thể lạc quan.

Theo đó, dù du lịch đã dần vận hành trở lại nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó khăn vì không có khách. Nhiều doanh nghiệp chưa dám khởi động lại vì sợ rủi ro và vì thiếu lao động, thiếu vốn đầu tư.

"Sau gần 2 năm nằm bờ, tàu đã xuống cấp nên cần vốn đầu tư để sửa sang lại. Với tàu du lịch, muốn phục vụ thì phải được cho phép, có lệnh mới được xuất phát nên doanh nghiệp rất lo ngại vì hiện có nhiều quy định rất ngặt nghèo, mỗi nơi một kiểu", ông nói.

Gói hỗ trợ, vừa khó "với" vừa quá ít

Theo doanh nhân này, tuy cạn kiệt tài chính nhưng doanh nghiệp lại rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ do quá nhiều thủ tục hành chính. Trong trường hợp tiếp cận được, các gói đó cũng không đủ sức để vực doanh nghiệp đứng lên.

Ông dẫn chứng, như gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để trả lương nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, hầu như không chủ tàu nào tiếp cận được chỉ vì một tiêu chí là phải có xác nhận báo cáo quyết toán thuế của cơ quan thuế.

“Gần như 100% doanh nghiệp tàu du lịch của chúng tôi không có được xác nhận này nên không thể tiếp cận được gói vay theo diện phục hồi sản xuất", ông Lượng nói.

Theo thông lệ, cơ quan thuế không quyết toán thuế cho doanh nghiệp vào đầu năm, đặc đặc biệt là trong tình hình Covid-19 như hiện nay nên các chủ tàu không thể có xác nhận.

Một ví dụ nữa là về gói vay để trả lương ngừng việc, hiện chỉ có gần 6% doanh nghiệp trong chi hội có thể tiếp cận gói vay vì điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội.

Điều kiện của gói này rất rõ ràng là muốn được vay thì phải có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội, xác nhận doanh nghiệp vẫn đang đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên cho đến thời gian vay nên ít có chủ tàu nào đáp ứng được.

"Số tiền để nộp bảo hiểm xã hội là rất lớn, nếu vẫn còn có thể đóng được cho tất cả nhân viên thì chúng tôi vẫn còn rất khỏe, không cần thiết phải vay hỗ trợ", ông nói. Ông cho biết chỉ có 14 chủ tàu có đủ đều kiện vay để hỗ trợ cho 174 lao động, trong khi đó tổng số lao động lên đến hàng ngàn người.

Chính sách khác hỗ trợ người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng được doanh nhân này lấy làm dẫn chứng cho nhận định không có tác dụng cao trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Với gói hỗ trợ này, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

"Nghe thì to thế thôi nhưng tính ra thì rất ít. Như công ty của tôi, hiện còn 24 lao động, số tiền được giảm chỉ được 1,2 triệu đồng. Tóm lại, các gói hỗ trợ tuy nhiều nhưng tác dụng thật sự là chưa cao", ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới