Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp FDI giải ngân vốn cao nhất trong 5 năm

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hoạt động giải ngân vốn tại các dự án của nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Cụ thể, tỷ lệ vốn FDI thực hiện trên vốn đăng ký qua 9 tháng ghi nhận ở mức trên 80%.

Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Tuy nhiên, ở khía cạnh vốn đầu tư đăng ký, lãi có sự sụt giảm đáng kể. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký đổ vào Việt Nam trong 9 tháng vừa qua chỉ đạt 7,12 tỉ đô la Mỹ, giảm đến 43% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, cùng khoảng thời gian nêu trên, vốn thực hiện của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 15,4 tỉ đô la, tăng đến 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tức số vốn giai ngân cao hơn gấp đôi so với vốn cam kết của các dự án mới.

Theo đánh giá của cơ quan thống kê, đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong kỳ 9 tháng của 5 năm vừa qua. Điều này phần nào cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn thể hiện niềm tin vào môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển thị trường của Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với suy thoái và lạm phát tăng cao.

Nếu tính cả số vốn tăng thêm và vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước thì tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 9 tháng qua đạt hơn 18,7 tỉ đô la, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ vốn FDI thực hiện trên vốn đăng ký trong giai đoạn 2018-2022 cho thấy xu hướng tích cực của dòng vốn ngoại tại Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký 9 tháng năm 2022 đạt 82,3%, là mức cao kỷ lục.

Dữ liệu của những năm trước đây cho thấy, lượng vốn giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài thường chỉ khoảng 60-70% tổng vốn đăng ký.

Cuộc khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9-2022, đã ghi nhận những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư FDI. Theo đó, trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao.

Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.

Có 76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ ở mức trung bình và cao.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây sẽ là công cụ để phân tích, đánh giá chất lượng hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài để có điều chỉnh chính sách phù hợp. Điều này cũng đi theo định hướng thu hút vốn đầu tư cho những dự án có quy mô lớn thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, giá trị gia tăng cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Những điểm sáng về cải thiện môi trường kinh doanh, sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong 9 tháng năm 2022 là cơ sở để nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Việt Nam được dự báo thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023. Các tổ chức quốc tế như Moody's, WB (Ngân hàng Thế giới), IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), ADB (Ngân hàng châu Á) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%.

Trước đó, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam, cũng cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài thường nhìn vào nền tảng vĩ mô ổn định để lựa chọn là điểm đến đầu tư, sản xuất và kinh doanh.

Việt Nam có nhiều yếu tố hỗ trợ như tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, qua đó sẽ thúc đẩy các hoạt động từ khu vực FDI về mặt đầu tư và xuất khẩu. Vì vậy trong ngắn hạn, dòng vốn này vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam, ông Cường cho biết.

Trên thực tế, trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu đầy ảm đạm, nhưng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quí 3 vừa qua vẫn tăng khá cao với 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái. GDP 9 tháng của năm đã tăng 8,83% so với cùng kỳ và đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng nếu nền kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái thì chắc chắn dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ sụt giảm. Bởi doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng chịu khó khăn chung như giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí đầu tư tăng cao… Thông thường, các doanh nghiệp FDI sẽ cân nhắc những dự án có lãi đủ hấp dẫn thì tiến hành giải ngân vốn, còn các dự án nào chưa đủ hấp dẫn thì họ sẽ xem xét và chờ đợi thời cơ.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20-9-2022, cả nước có 35.725 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 431,56 tỉ đô la. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 267 tỉ đô la, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới