(KTSG Online) - Doanh nghiệp chế biến và kinh doanh lương thực gặp khó khăn khi kê khai thuế mua trực tiếp từ nông dân. Nếu mua kiểu truyền thống từ lực lượng trung gian "hàng xáo" thì doanh nghiệp lại không kê khai được hóa đơn.
Hiện nay các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh lương thực đang vướng phải quy định về thuế với Bảng kê khai số 01/TNDN quy định kê khai người bán phải là nông dân. Trong khi đó trước đây cơ quan thuế vẫn chấp nhận cho doanh nghiệp kê khai thu mua lúa hoặc gạo nguyên liệu từ người bán trung gian.
Việc cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp chế biến và kinh doanh lương thực phải kê khai mua trực tiếp từ nông dân khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Đầu tiên là từ xưa đến nay những người trung gian thu mua lúa gạo, thường được gọi là “hàng xáo” là lực lượng không thể thiếu được. Đây là những thương nhân có kinh nghiệp về lúa, vùng trồng, am hiểu rất nhiều về giống lúa, về thời tiết, về thời gian sấy, nơi xay xát đạt yêu cầu. Hàng xáo còn có sẵn phương tiện chuyên chở, họ có thể trụ tại vùng trồng vài ngày để mua được hàng.
Nếu không mua lúa gạo qua hàng xáo, doanh nghiệp phải tự tổ chức bộ máy thu mua trực tiếp từ nông dân là điều rất khó, nếu không nói là không thể thực hiện được. Doanh nghiệp muốn đứng ra tổ chức thu mua như hàng xáo cũng không được vì không thể có đủ nhân lực do có rất nhiều vùng trồng, ở nhiều địạ phương khác nhau. Trong khi đó nếu thông qua hàng xáo thì trong một ngày doanh nghiệp dễ dàng thu mua từ 500 tấn - 1 000 tấn.
Ngoài ra, nếu mua trực tiếp từ nông dân, doanh nghiệp làm sao có thể đi đến từng hộ nông dân để đặt cọc, rồi sau đó còn phải theo dõi nhận hàng, trừ cấn cọc vì như vậy sẽ khiến doanh nghiệp tăng thêm rất nhiều chi phí cho bộ máy nhân sự thực hiện.
Đối với ngành lương thực thì theo quan điểm của người viết bài, Nhà nước phải chấp nhận lực lượng hàng xáo làm trung gian cho chuỗi cung ứng nội địa và xuất khẩu. Nếu bỏ đi mắt xích này, chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy.
Đối với doanh nghiệp, vai trò của hàng xáo hết sức quan trọng. Họ đóng góp công sức, dầm mưa, dãi nắng, thức đêm canh mực nước sông lên xuống để vận chuyển lúa về. Sau đó họ còn phải gia công sấy, xay xát bán mới bán được cho doanh nghiệp. Lúa gạo họ mang về bán phải chất lượng, đẹp thì mới có giá cao, có lời. Bên cạnh đó họ còn đối mặt với rủi ro về thời tiết, thiên tai, bị mất cọc, bị hủy kèo mua bán.
Để kiểm soát thị trường, chống thất thu, ngành thuế có thể ban hành chính sách để hàng xáo có thể thực hiện nghĩa vụ thuế. Có thể áp dụng quy định thu thuế trên mỗi kg nguyên liệu họ bán thành công cho doanh nghiệp. Nguồn thu này quy về một mối là doanh nghiệp thu mua phải nộp thay họ căn cứ trên bảng kê 01/TNDN.
Giá cả mua bán và nộp thuế giữa doanh nghiệp và hàng xáo do hai bên thỏa thuận, miễn bảo đảm doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế đã khai trên bảng kê theo quy định do Nhà nước ban hành. Ngoài ra cũng cần lưu ý mức nộp sao cho vừa phải để hàng xáo có lợi nhuận để duy trì hoạt động.
Lợi ích từ chính sách này là giúp hàng xáo duy trì công ăn, việc làm ổn định mà ngành thuế vẫn quản lý được nguồn thu mà lâu nay chưa thu được của lực lượng trung gian này.
---------------------------------
(*) Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp)