(KTSG Online) - Trong cuộc khảo sát gần đây của Tổng cục Thống kê, có khoảng 42% doanh nghiệp trên cả nước kiến nghị nhà nước giảm lãi suất cho vay. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị nhà nước hỗ trợ ổn định giá và cải cách thủ tục hành chính.
- Lâm Đồng đấu giá 36 mỏ khoáng sản, giá khởi điểm hơn 306 tỉ đồng
- Nhiều giải pháp để khuyến khích đổi mới sáng tạo
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại trên toàn quốc đang tăng cao trong thời gian gần đây, cho thấy các doanh nhân đang rất tích cực chuẩn bị để nắm bắt cơ hội trong năm 2025, TTXVN đưa tin.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp, trong đó có giảm lãi suất cho vay theo kiến nghị của 42% doanh nghiệp đã tham gia khảo sát.
Trong số các ngành được khảo sát ở trên, 3 ngành có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cao là sản xuất chế biến thực phẩm với 50,3%, chế biến gỗ với 50,1% và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác với 47,3%.
Theo kết quả khảo sát, có tời 36/63 tỉnh thành có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị cao hơn mức trung bình cả nước. Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao gồm TPHCM, Hà Nội, Bắc Ninh và Đồng Nai.
Bên cạnh việc giảm lãi suất, có đến 33,3% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có những biện pháp cụ thể để bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Mặt khác, Tổng cục Thống kê cũng đề xuất cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và đơn giản hóa quy trình với 25,2% doanh nghiệp đồng tình với đề xuất này, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nặng như sản xuất phương tiện vận tải, thiết bị điện và sản phẩm điện tử.
Đồng thời, sự gia tăng của giá thuê đất trong năm 2024 đã ảnh hưởng đáng kể đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai và TPHCM đã kiến nghị Nhà nước cần có những giải pháp để ổn định giá thuê đất.
Ngoài những kiến nghị đã nêu, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đề xuất Chính phủ, bộ, ngành, địa phương có những chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy thị trường xây dựng phát triển, qua đó đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm vật liệu xây dựng.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024 ghi nhận hơn 76.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tương đương với trung bình 6.348 doanh nghiệp mỗi tháng. Cộng thêm số doanh nghiệp mới thành lập, tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 233.419, tương đương 19.452 doanh nghiệp mỗi tháng.