(KTSG) - “Trong hàng trăm ngàn hộ kinh doanh, doanh nghiệp đang hoạt động tại TPHCM, 50 doanh nghiệp tiêu biểu được vinh danh là 50 ngôi sao sáng nhất trong cộng đồng doanh nghiệp TPHCM”, đó là lời nhận định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tại chương trình đối thoại chào mừng Lễ Tôn vinh 50 doanh nghiệp tiêu biểu TPHCM nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025).
- Những góc nhìn quốc tế về sự phát triển của TPHCM sau 50 năm
- TPHCM tôn vinh 60 cá nhân tiêu biểu trong suốt 50 năm

Hai từ “con buôn” đã lùi về dĩ vãng
Trong 50 năm qua, TPHCM không ngừng chuyển mình từ một đô thị hậu chiến thành trung tâm kinh tế - tài chính - công nghệ của cả nước. Quá trình ấy không thể tách rời khỏi sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Võ Văn Hoan, có rất nhiều doanh nghiệp khởi đầu chỉ là một hộ kinh doanh nhỏ nhưng nhờ bản lĩnh và sáng tạo đã trở thành những thương hiệu lớn. Tinh thần doanh nhân TPHCM dấn thân, bền bỉ và không ngừng đổi mới chính là cội rễ tạo nên một thành phố năng động, luôn trẻ trung và tràn đầy sức sống.
Đồng quan điểm, ông Phạm Phú Ngọc Trai, thành viên Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), cho rằng TPHCM đã chứng kiến biết bao bước chân tiên phong của doanh nghiệp. Nhiều doanh nhân sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đương đầu với những bất cập thể chế để mở đường cho môi trường kinh doanh ngày một thuận lợi hơn.
“Họ là những “người mở lối thầm lặng” dám va đập, dám thất bại để thế hệ kế tiếp được hưởng một hành lang pháp lý hoàn thiện hơn”, ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, một trong 50 doanh nghiệp được vinh danh đã bộc bạch rằng: “Vinamilk khởi đầu từ một nhà máy nhỏ nhưng nhờ chính sách hỗ trợ từ thành phố, chúng tôi từng bước mở rộng thành hệ thống 14 nhà máy hiện đại, góp phần thực hiện cuộc “cách mạng trắng” cho Việt Nam. Hành trình phát triển ấy minh chứng rõ ràng cho nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp trong môi trường thuận lợi và đồng hành của chính quyền đô thị”.
Hay câu chuyện kinh doanh vàng được bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch hội đồng quản trị PNJ, kể lại từ những ngày đầu chuyển mình phát triển, bà đã định hướng doanh nghiệp dựa trên khát vọng và niềm tin xây dựng đội ngũ nghệ nhân, tạo ra một ngành sản xuất có giá trị cao. Chính tinh thần tự chủ, dựa vào nội lực của doanh nghiệp thể hiện qua việc PNJ từ chối liên doanh với đối tác nước ngoài để giữ vững định hướng phát triển đã giúp doanh nghiệp tạo dựng nền tảng vững chắc như hiện nay.
Đến nay, doanh nghiệp này đã mở rộng hệ thống kinh doanh bán lẻ toàn quốc và ấp ủ mơ ước thành lập trung tâm phát triển ngành thời trang, xây dựng một bảo tàng cho ngành kim hoàn.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, nền kinh tế thành phố phát triển từ năm 1990, khi Luật Doanh nghiệp tư nhân được Quốc hội thông qua, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, mở rộng sản xuất - kinh doanh, mở rộng sản xuất diễn ra thuận lợi. Đến nay, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân thành phố đóng góp hơn 50% GRDP, 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
“Nhiều doanh nghiệp đã và đang từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế, đưa sản phẩm “Made by Vietnam” đến với người tiêu dùng toàn cầu. Hai từ “con buôn” chính thức lùi vào dĩ vãng, những người làm ăn, kinh doanh được chính thức vinh danh là “đội ngũ doanh nhân,” kể từ khi đất nước đổi mới. Hiện nay, chính quyền thành phố xem doanh nghiệp là nguồn lực, là động lực cho sự phát triển”, ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.
Cơ hội biến khát vọng vươn mình thành hiện thực
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, từ những cửa hàng bán lẻ, tổ hợp, hợp tác xã nhỏ bé, những xưởng sản xuất thô sơ, đến nay, TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, qua nhiều thập niên luôn giữ vững vai trò tiên phong, với đóng góp ổn định hàng năm 1/5 GDP và hơn 1/4 tổng thu ngân sách quốc gia. Đằng sau những con số ấy là cả một hệ thống chính quyền, doanh nghiệp và người dân miệt mài cống hiến không ngơi nghỉ bằng bản lĩnh, sự sáng tạo và khát vọng vươn lên.
Hiện nay, thế giới đang chuyển mình dữ dội, biến động địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột kéo dài, cạnh tranh công nghệ ngày càng khốc liệt và sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo… Trong hành trình mới này, TPHCM tiếp tục đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, khoa học công nghệ của khu vực, với chính sách cải cách thể chế, phân quyền mạnh mẽ và trao cơ hội cho doanh nghiệp bứt phá.
Để biến khát vọng thành phố trở thành hiện thực, TPHCM kỳ vọng 50 đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu được tôn vinh sẽ trở thành những đơn vị, doanh nghiệp tiên phong, định hình thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế, kiến tạo cho sự phát triển bền vững của thành phố. Đồng thời là điểm tựa truyền cảm hứng, lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp thành phố.
Cùng với đó, TPHCM sẽ tập trung đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư, mô hình đồng kiến tạo. Theo đó, chính quyền thành phố sẽ tổ chức các hoạt động đối thoại định kỳ với doanh nghiệp, tham vấn ý kiến doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách, xem doanh nghiệp là đối tác phát triển, không phải là đối tượng quản lý.
“Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc. Trung ương đã chỉ ra 3 trụ cột của sự phát triển là hạ tầng – nhân lực – thể chế. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và dự kiến sẽ ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân. Đây sẽ là động lực lớn để các doanh nghiệp phát triển và là cơ hội mới để các doanh nghiệp đưa khát vọng trở thành hiện thực”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.