Thứ Bảy, 19/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp lo ngại khi thời gian làm việc từ xa kéo dài

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Với việc dịch Covid-19 đang tái bùng phát, giới quản lý các công ty đang ngày càng lo ngại về việc các văn phòng có thể tiếp tục phải đóng cửa và quãng thời gian làm việc từ xa có thể kéo dài tới hai năm.

Nhiều kế hoạch mở cửa văn phòng bị trì hoãn

Với các doanh nghiệp tại Mỹ, ngày các nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc đã bị trì hoãn nhiều lần vì dịch bệnh. Kế hoạch mở lại văn phòng trong tháng 9 của Chevron và Wells Fargo đã phải tạm dừng, trong khi các hãng công nghệ như Amazon và Facebook đã đẩy lùi thời hạn này sang đầu năm tới.

Apple mới đây đã thông báo tới các nhân viên của hãng rằng, kế hoạch quay trở lại văn phòng của hãng tại Mỹ sẽ bị trì hoãn, ít nhất là cho tới tháng 1-2022. Một doanh nghiệp khác là Lyft cho biết, sẽ chỉ yêu cầu nhân viên quay trở lại trụ sở chính của hãng ở San Francisco vào tháng 2, tức là khoảng 23 tháng sau khi công ty cung cấp dịch vụ gọi xe này phải đóng cửa văn phòng lần đầu tiên vì dịch bệnh.

Apple mới đây đã thông báo tới các nhân viên của hãng rằng, kế hoạch quay trở lại văn phòng của hãng tại Mỹ sẽ bị trì hoãn, ít nhất là cho tới tháng 1-2022.

Bà Kate Bullinger, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn quản lý United Minds - đơn vị tư vấn cho các khách hàng thuộc nhóm Fortune 500 cho biết, tính đến cuối tháng 8, có tới 66% doanh nghiệp đang trì hoãn việc mở lại văn phòng do các biến thể của Covid-19.

Sự tràn ngập của các thông báo trì hoãn là dấu hiệu cho thấy, 18 tháng sau khi đại dịch bùng phát, tương lai của các văn phòng làm việc vẫn chưa chắc chắn, và các doanh nghiệp đang phải chi rất nhiều tiền để tìm hiểu xem cần làm gì tiếp theo.

Khi tiến sĩ Neal Mills, Giám đốc y tế của Công ty dịch vụ Aon, bắt đầu tư vấn về kế hoạch trở lại làm việc hồi đầu năm nay, các khách hàng doanh nghiệp chỉ quan tâm đến công tác hậu cần của việc đưa nhân viên trở lại, như việc theo dõi sức khỏe, xét nghiệm Covid-19 hay yêu cầu tiêm vaccin.

Tuy nhiên, ông cho biết, giờ đây, các nhà tuyển dụng đã lùi lại một bước để cân nhắc xem: “Liệu chúng ta có đủ khả năng để đưa nhân viên của mình trở lại nơi làm việc không?” Ông cho biết “Mỗi ngày các câu trả lời lại thay đổi”, và “ Thông tin biến động khiến các doanh nghiệp tê liệt trong việc phân tích và đưa ra quyết định. Sự trì hoãn này có thể khiến các doanh nghiệp tiêu tốn hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu đô la Mỹ”.

Việc đưa người lao động quay trở lại ngày càng khó khăn

Trong bối cảnh đó, thay vì từ bỏ hoàn toàn các kế hoạch mở cửa lại văn phòng đã thiết lập, các giám đốc điều hành giờ đây đang cố gắng điều chỉnh chúng để thích ứng với tình hình mới. Bởi họ tin rằng, các nhân viên ở nhà càng lâu thì việc đưa họ trở lại nơi công sở càng trở nên khó khăn hơn.

Prudential Financial cho biết, đã lùi thời hạn yêu cầu nhân viên trở lại trụ sở làm việc từ tháng 9 sang tháng 10, và vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh, tùy thuộc vào điều kiện thực tế. Prudential Financial có kế hoạch cho phép các nhân viên kết hợp giữa hai hình thức làm việc trực tiếp và từ xa ngay cả khi các văn phòng tại Mỹ mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, theo ông Rob Falzon - Phó chủ tịch công ty, việc mọi người ở nhà càng lâu, sẽ dẫn đến sự mất kết nối giữa nhân viên và doanh nghiệp. “Mối quan tâm lớn nhất của tôi xoay quanh đội ngũ nhân sự của công ty. Khi các cá nhân tách rời bản thân với tổ chức của mình, việc họ đưa ra quyết định thôi việc và tìm đến một nơi khác sẽ trở nên dễ dàng hơn”.

Mặc dù vậy, nỗ lực của những doanh nghiệp như Prudential Financial là không dễ dàng.

Một khảo sát được thực hiện bởi PricewaterhouseCoopers LLP với các nhà tuyển dụng trên khắp nước Mỹ hồi tháng 6 năm ngoái cho thấy, 73% số người được hỏi cho biết họ đã làm việc từ xa thành công.

Đến tháng 1 năm nay, khi PwC công bố các số liệu cập nhật, tỷ lệ này đã là 83%. Nhiều nhân viên cho biết, họ muốn làm việc ở nhà toàn thời gian. Theo các dữ liệu mới công bố của PwC hôm thứ 5 tuần trước, 41% số nhân viên muốn làm việc ở nhà hoàn toàn, tăng đáng kể so với tỷ lệ 29% trong cuộc khảo sát hồi tháng 1.

Nỗ lực cân bằng giữa quyền lợi của doanh nghiệp và nhân viên

Một số doanh nghiệp, bao gồm Gusto - công ty công nghệ chuyên cung cấp nền tảng về trả lương và quản trị nguồn nhân lực cho biết, họ đã cố gắng giảm thiểu những lo ngại về việc mở cửa văn phòng trở lại bằng cách đảm bảo rằng, phần lớn các nhân viên sẽ có thể lựa chọn cách thức làm việc và dần điều chỉnh suy nghĩ của mình theo thời gian.

Đầu năm nay, công ty này đã cho phép hầu hết nhân viên lựa chọn cách thức làm việc tùy theo từng cá nhân. Những người muốn sự linh hoạt có thể đến làm việc tại văn phòng từ 2-3 ngày mỗi tuần, và làm việc ở nhà trong thời gian còn lại. Những người khác có thể lựa chọn làm việc từ xa hoàn toàn.

Khoảng 64% trong tổng số hơn 1.400 nhân viên của công ty đã lựa chọn lịch làm việc linh hoạt, trong khi 35% quyết định làm việc từ xa. Chỉ một số ít nhân viên, chẳng hạn như những người phụ trách cơ sở hạ tầng hay an ninh, buộc phải làm việc toàn thời gian tại văn phòng.

Giám đốc nhân sự của công ty, bà Danielle Brown cho biết, nhân viên sẽ có thể thay đổi cách thức làm việc của mình, đồng thời dự đoán, những lựa chọn này sẽ được đăng ký hàng năm, như một quyền lợi của các nhân viên. Theo bà, việc các nhân viên không bị bó buộc vào một sự lựa chọn duy nhất giúp nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm và được trao nhiều quyền tự chủ hơn.

Conning - một công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Hartford, bang Connecticut, Mỹ gần đây đã thông báo với các nhân viên rằng, họ sẽ không bị yêu cầu trở lại văn phòng ít nhất là cho tới tháng 1-2022, cho dù là dưới hình thức làm việc kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Giám đốc điều hành Woody Bradford cho biết, công ty sẽ tăng cường đào tạo cho các nhà quản lý trong những tháng tới và khuyến khích họ giao tiếp nhiều hơn với nhân viên, cố gắng tổ chức những bữa ăn thân mật khi có thể, để giúp duy trì cảm giác kết nối.

“Có những người nói rằng, sau một thời gian dài làm việc tại nhà, họ đã quen với chúng và việc thay đổi là điều rất khó khăn”. Ông Bradford thông cảm với những lập luận này, nhưng đồng thời cũng khẳng định, nhân viên phải nghĩ tới quyền lợi của tổ chức. “Một cá nhân có thể làm việc rất hiệu quả tại nhà, nhưng một nhân viên mới đang cố gắng học hỏi văn hóa của doanh nghiệp và cố gắng phát triển các kỹ năng thông qua việc học nghề, có thể sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Một số công ty như công ty luật Schwabe Williamson & Wyatt PC có trụ sở tại Portland, bang Oregon, đã tổ chức các đợt mở cửa trở lại ở quy mô hạn chế, giúp người lao động dần làm quen với việc đến văn phòng, mặc quần áo chỉnh tề và tương tác với đồng nghiệp.

Bà Graciela Gomez Cowger - Giám đốc điều hành của công ty cho biết “Phải mất nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho việc đi làm. Mọi người đã quen với việc chỉ cần mặc một chiếc áo sơ mi đẹp là đủ (cho các cuộc họp trực tuyến) và ăn mặc chỉnh tề là một điều gì đó kỳ lạ”.

Minh bạch thông tin là chìa khóa quan trọng

Những doanh nghiệp khác lại cung cấp các mô tả chi tiết về môi trường làm việc mới và các giao thức an toàn để làm giảm bớt nỗi lo ngại của nhân viên. Công ty dầu khí quốc gia Abu Dhabi đã bắt đầu đưa nhân viên của mình quay trở lại văn phòng làm việc tại Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất kể từ mùa hè năm ngoái.

Theo tiến sĩ Coni Judge - cố vấn cấp cao về văn hóa doanh nghiệp và sự kết nối của nhân viên, ban đầu ban lãnh đạo công ty nhận thấy, nhiều nhân viên cảm thấy không chắc chắn và lo lắng về những gì đang chờ đợi họ tại văn phòng.

Để ứng phó với tình trạng này, ban lãnh đạo công ty đã cố gắng cung cấp cho nhân viên nhiều thông tin nhất có thể về môi trường làm việc, thông qua các tin nhắn, đồ họa và hình ảnh động giải thích các giao thức an toàn mới. Các buổi họp cũng được tổ chức tại hội trường trước và sau ngày văn phòng mở cửa trở lại để lắng nghe những quan ngại của nhân viên và giải đáp các thắc mắc.

Công ty cũng để ý tới cả độ dài và màu sắc của những tin nhắn gửi tới nhân viên. Tiến sĩ Judge chia sẻ “Mọi người có các trạng thái tâm lý và thể chất khác nhau, và điều quan trọng là phải nhận biết được điều đó”.

Theo các chuyên gia, hiện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vẫn đang cảm thấy bối rối trong việc thiết lập kế hoạch mở cửa lại văn phòng và e ngại việc đưa ra thông báo cho nhân viên, để rồi phải rút lại chỉ sau một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, sự im lặng kéo dài cũng có thể khiến nhiều nhân viên cảm thấy khó chịu, đặc biệt là các bậc cha mẹ đang cần lập kế hoạch chăm sóc con cái, hay những người đang lo lắng về vấn đề an toàn khi đi làm trở lại.

Do vậy, bà Kate Bullinger, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn quản lý United Minds khuyến cáo, các doanh nghiệp cần đảm bảo sự minh bạch thông tin càng nhiều càng tốt, ngay cả khi quyết định được đưa ra chưa phải là cuối cùng. Bà cho biết “Điều quan trọng là phải nói rằng, chúng tôi sẽ xem xét lại quyết định này và sẽ tiếp tục trao đổi với bạn khi bước vào giai đoạn quyết định.

Các nhân viên đều muốn hiểu cơ sở của các quyết định này, và cũng biết rằng tình hình hiện tại rất phức tạp. Nếu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể xác thực về mặt thông tin và truyền đạt một cách rõ ràng, nhất quán, các nhân viên sẽ thực sự hiểu được thông điệp này”.

----------------

Nguồn: WSJ, CNBC

https://www.wsj.com/articles/remote-work-may-now-last-for-two-years-worrying-some-bosses-11629624605?mod=business_minor_pos1

https://www.cnbc.com/2021/09/02/return-to-office-is-now-the-great-wait-and-costing-employers-millions.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới