(KTSG Online) - Theo thông tin từ TTXVN, nhiều hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực gửi văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) tới hết năm 2023.
- Đề nghị gỡ khó về hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành gỗ
- Quốc hội thông qua gói phục hồi kinh tế – xã hội, giảm 2% thuế GTGT
Chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng sẽ kết thúc vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, doanh nghiệp trên cả nước cũng còn gặp nhiều bất cập như áp lực lãi suất tăng nhanh; thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng; lạm phát tăng, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, vẫn còn tình trạng sụt giảm đơn hàng.
TTXVN dẫn nguồn từ Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), việc kéo dài thời gian hỗ trợ giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm tới sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đảm bảo đủ nguồn cung, ổn định giá cả, đồng thời, người tiêu dùng được hưởng lợi.
Hiệp hội này đã gửi văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét và gia hạn chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023.
Một số hội ngành nghề, doanh nghiệp khác như Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA)… cũng có đề xuất gia hạn chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho năm 2023 và xem xét áp dụng cho tất cả doanh nghiệp.
Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam tổ chức hôm 17-12, nhiều chuyên gia cũng đề xuất chính phủ tiếp tục duy trì chính sách này trong năm 2023, hoặc áp dụng đến thời điểm dự báo kinh tế hồi phục.
Ngoài ra, hiện nay, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đang được thực hiện ở một số nước như Thái Lan, Malaysia…. Vương quốc Anh cũng đang cân nhắc xem xét đề xuất này.
Thời gian qua, một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được thực hiện như chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, một số chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Trong đó, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đang được các doanh nghiệp đánh giá là tác động đến phục hồi kinh tế nhiều nhất. Chính sách này như một khoản hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người dân trong thời kỳ khó khăn, được thể hiện trong giá cả hàng hóa góp phần làm giảm lạm phát, kích thích tiêu dùng, kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.