Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp muốn được tháo gỡ 4 điểm nghẽn

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng vừa có khảo sát về khó khăn của doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023. Qua đó, ban này đề xuất Chính phủ và Thủ tướng tháo gỡ khó khăn về đơn hàng, vốn, thủ tục hành chính cùng nguy cơ hình sự hóa trong kinh tế đang đẩy doanh nghiệp vào cảnh khó khăn đặc biệt.

Các doanh nghiệp đề xuất nhà nước tháo gỡ khó khăn trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt – Ảnh: Lê Vũ.

Theo Văn phòng Chính phủ, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) vừa gửi Thủ tướng kết quả khảo sát về khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối 2023.

Khảo sát được thực hiện cuối tháng 4-2023 với gần 9.560 doanh nghiệp, cho thấy nền kinh tế không khả quan, trên 82% doanh nghiệp cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm nay.

Trong số doanh nghiệp còn hoạt động có hơn 71% muốn giảm trên 5% lao động, trong số này đã 22% tính giảm hơn một nửa. Gần 81% doanh nghiệp cho biết giảm doanh thu trên 5%, tỷ lệ giảm doanh thu trên 50% là 29,4%.

Doanh nghiệp cũng thể hiện niềm tin thấp khi hơn 81% đánh giá tiêu cực hoặc rất tiêu cực về triển vọng kinh tế trong các tháng còn lại năm nay. 84% doanh nghiệp đánh giá sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, ở mức kém hiệu quả.

Ban IV cũng đưa ra 4 khó khăn lớn mà các doanh nghiệp đang đối mặt, gồm thiếu đơn hàng (59,2%), khó tiếp cận vốn (51,1%), thủ tục hành chính còn phức tạp, chồng chéo (45,3%) và đặc biệt lo ngại bị hình sự hóa trong hoạt động kinh tế (31,1%).

Để thoát khó khăn và phục hồi, khảo sát ghi nhận nhiều đề xuất, giải pháp xử lý của doanh nghiệp. Trong đó doanh nghiệp kiến nghị giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh, như Chính phủ có thể kéo dài thời hạn giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2025 thay vì cuối năm nay. Chi phí lao động cũng cần giảm hơn thông qua hạ phí công đoàn, bảo hiểm xã hội và xem xét thay đổi ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân.

Các doanh nghiệp đồng thời đề nghị một số cơ chế đặc biệt, cho phép được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi xuất khẩu đơn hàng và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế; hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với các đơn vị xuất khẩu về mức 5-10%.

Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cho rằng nên có một gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong đó dành riêng nguồn lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thêm vào đó là không nên siết tín dụng với phân khúc bất động sản liên quan xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất .

Đặc biệt, các doanh nghiệp quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, nhà nước cần hạn chế kiểm tra (không quá một lần mỗi năm), không ban hành thêm văn bản mới nhằm tránh gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn tất điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực để dỡ phong tỏa đối với tài khoản, tài sản các doanh nghiệp có liên quan; sớm đưa ra nghị quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Để ứng phó với các khó khăn từ bên ngoài, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ tăng đàm phán thương mại để đa dạng hóa thị trường đầu vào, đầu ra, đặc biệt với các ngành chủ lực xuất khẩu như may mặc, da giày, đồ gỗ… để giảm sự phụ thuộc các thị trường truyền thống. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng năng lực dự báo về các xu hướng kinh tế, cập nhật các ưu đãi phát triển và cảnh báo rủi ro hỗ trợ doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới