Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Mỹ mong muốn duy trì cam kết mở cửa kinh tế, không tái phong tỏa

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp Mỹ mong Chính phủ Việt Nam duy trì cam kết mở cửa lại nền kinh tế. Bên cạnh đó họ còn nhấn mạnh không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại sâu rộng và  bền vững.

Đó là nội dung được các doanh nghiệp đưa ra tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (với các điểm cầu tại 12 quốc gia) với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được tổ chức trực tuyến vào ngày 30-9.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp Mỹ mong muốn Chính phủ Việt Nam duy trì cam kết mở cửa lại nền kinh tế và không trở lại phong tỏa khi các ca lây nhiễm xuất hiện. Bởi họ cho rằng với việc tiêm chủng ngày càng tăng, kinh nghiệm tại các nước trên thế giới cho thấy, có thể mở cửa trở lại ngay cả khi Covid-19 ở trong cộng đồng.

Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại buổi làm việc với Quốc hội Việt Nam ngày 30-9. Ảnh: Quochoi.vn

Các doanh nghiệp cũng chia sẻ ưu tiên cấp bách nhất hiện nay là cho phép mở cửa trở lại ở quy mô thực sự, đầy đủ. Các doanh nghiệp nhấn mạnh không có khoản trợ cấp hoặc giảm thuế nào quan trọng bằng việc cho phép mở cửa trở lại rộng rãi, bền vững.

Trong đó, việc mở cửa trở lại này cần được đơn giản hóa và hài hòa giữa các tỉnh và địa phương. Bởi mạng lưới các quy định, khu vực, yêu cầu khác nhau đang khiến người dân rất khó di chuyển, khó cho doanh nghiệp mở cửa trở lại và hàng hóa lưu thông. Các doanh nghiệp cho rằng sự nhất quán và hài hòa là rất quan trọng.

Trước ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hiện nay Việt Nam đang chuyển hướng về chiến lược phòng, chống dịch theo hướng sống chung, an toàn và thích ứng với dịch Covid-19. Việt Nam cũng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn tốt của thế giới để ứng phó với đại dịch. Để vừa bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, cân bằng được các lợi ích về y tế với các lợi ích về kinh tế xã hội khác, vừa phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng chiến lược và khung khổ chính sách thích ứng, phục hồi kinh tế để thống nhất áp dụng từ Trung ương đến địa phương có tính đến sự linh hoạt điều chỉnh nhất định cho phù hợp với từng địa phương. TPHCM hiện cũng đang đề xuất liên kết với các tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ trong việc phục hồi kinh tế và phòng, chống đại dịch.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ đóng góp, hiến kế cho Việt Nam trong việc hoàn thiện dự thảo khung khổ chính sách thích ứng và phục hồi kinh tế. Bởi Việt Nam xác định, dự thảo khung khổ chính sách này phải được thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng nhưng phải quyết định quyết đoán và thực hiện thống nhất.

Về đề xuất của các doanh nghiệp Netflix, IBM, MasterCard liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới đây là dựa nhiều vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh yếu tố con người.

Vì vậy, xây dựng và kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Mỹ và USABC tiếp tục đóng góp ý kiến cho Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số.

Riêng đối với dự luật Điện ảnh (sửa đổi), Quốc hội đang tiếp tục thảo luận về vấn đề này và cam kết sẽ bảo đảm tốt nhất theo các thông lệ và luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị về giảm, giãn, hoãn thuế, phí và cho biết, vừa qua, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã gợi ý với Chính phủ nghiên cứu, có các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp thua lỗ thông qua các chính sách giúp giảm chi phí đầu vào, chi phí về nhân công hoặc cho phép chuyển lỗ vào các thời kỳ sau nhiều hơn so với quy định của pháp luật hiện hành. Các giải pháp này đang được các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tích cực nghiên cứu, xây dựng.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nghiệp của Mỹ và USABC sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động đối thoại chính sách với các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, không chỉ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn mà còn phải hướng đến mục tiêu đôi bên đều có lợi, qua đó nền kinh tế và người dân, người lao động sẽ được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các doanh nghiệp Mỹ tích cực góp ý cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trên tinh thần trách nhiệm, chia sẻ để hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu cuộc sống ở Việt Nam và dần hướng theo các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn USABC và các doanh nghiệp chia sẻ kiến thức chuyên môn và các thực tiễn tốt nhất trong phòng chống đại dịch Covid-19. Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ chung tay hiện đại hóa ngành y tế của Việt Nam, trong khó khăn thử thách hiện nay càng thấy được tiềm năng hợp tác phát triển của ngành y tế, hiện đại hóa cùng với tăng cường y tế cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp Mỹ và các đối tác sản xuất tại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ông tin rằng, đây chỉ là những khó khăn trước mắt, tạm thời, Việt Nam vẫn có những nền tảng tốt để phục hồi và phát triển bền vững trong trung hạn và dài hạn. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi đã tiêm 2 mũi ngừa Covid-19, mũi cuối cùng được 14 ngày, app sổ sức khỏe điện tử hiện thẻ xanh, khai di biến động app PC-Covid-19 thành công trước khi di chuyển từ nơi làm việc ở tỉnh giáp ranh TPHCM về nhà ở Bình Chánh, TPHCM (cách đó 10 km) nhưng không thể qua chốt liên tỉnh được. Cẩn thận, tôi còn mang theo cả sổ hộ khẩu, giấy xác nhận tiêm chủng, giấy tờ tùy thân đầy đủ…. nhưng cũng không thể về được. Do không nằm trong nhóm sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, không có phương án sản xuất đăng ký với Sở Công Thương nên chỗ làm việc cũng không thể đăng ký phương tiện di chuyển với Sở GTVT ở tỉnh được. Nói chung là tôi cảm thấy bất lực vì đã ở chỗ làm mấy tháng rồi và không có ngày về nhà. Vậy việc tiêm ngừa của tôi, việc tải app của tôi để thực hiện trách nhiệm của một công dân chẳng có ý nghĩa gì sao? Tôi khác những người lao động của các công ty sản xuất trong khu công nghiệp như thế nào mà không được đi lại làm việc vậy?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới