Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Mỹ tăng tốc đưa việc làm về nước

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tăng tốc đưa chuỗi cung ứng về nước và nỗ lực đó dự kiến tạo ra gần 350.000 việc làm trong năm nay, theo báo cáo của Reshoring Initiative, công ty có trụ sở ở Chicago (Mỹ), chuyên vận động hành lang đưa việc làm trong ngành sản xuất về Mỹ. Đây sẽ là con số việc làm cao nhất mà các doanh nghiệp Mỹ đưa về quê hương kể từ khi Reshoring Initiative bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 2010.

Gần 350.000 việc làm dự kiến đưa về Mỹ trong năm nay sẽ vượt xa con số khoảng 265.000 việc làm được bổ sung vào năm 2021 và sẽ gấp hơn 50 lần so với 6.000 việc làm mà giới doanh nghiệp Mỹ đưa về quê hương vào 2010.

Reshoring Initiative dự báo các doanh nghiệp Mỹ sẽ đưa gần .000 việc làm về nước trong năm nay. Ảnh: WSJ

Các con số thống kê của ​​Reshoring Initiative dựa trên các thông báo của các công ty Mỹ về việc tăng số lượng nhân viên cho các vị trí mà trước đây được nắm giữ ở các nước khác, các vị trí mới trong các ngành có ít hoặc không có sự hiện diện tại Mỹ và các vị trí được tạo ra ở Mỹ nhờ đầu tư trực tiếp của các công ty có trụ sở tại các nước khác

Trong tháng qua, hàng chục doanh nghiệp Mỹ cho biết họ có kế hoạch xây dựng các nhà máy mới hoặc bắt đầu các dự án sản xuất mới ở Mỹ. Hãng chip Micron Technology, có trụ sở tại bang Idaho, đã công bố kế hoạch mở rộng trụ sở hiện tại và đầu tư 40 tỉ đô la Mỹ vào lĩnh vực sản xuất chip nhớ. Công ty sản xuất vật liệu pin Ascend Elements tiết lộ sẽ xây dựng một nhà máy vật liệu cho pin lithium-ion trị giá 1 tỉ đô la ở bang Kentucky.

“Chúng tôi nghĩ rằng đó sẽ là một xu hướng dài hạn. Trước đại dịch  Covid-19,  doanh nghiệp Mỹ bắt đầu rục rịch đưa việc làm về nước nhưng rõ ràng đại dịch đã thúc đẩy nhanh xu hướng này và như bạn đã thấy, nó tiếp tục tăng vọt trong năm nay”, Jill Carey Hall, nhà chiến lược cổ phần tại Ngân hàng Bank of America Corp, nói.

Rõ ràng toàn cầu hóa đã tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp lớn trong gần 30 năm qua, đặc biệt là các doanh nghiệp ở Mỹ. Thương mại xuyên biên giới gia tăng đã thúc đẩy lợi nhuận và năng suất, đồng thời cho phép các nước tập trung vào hàng hóa và dịch vụ mà họ được trang bị tốt nhất để sản xuất. Toàn cầu hóa cũng đã cung cấp cho các công ty đa quốc gia những khách hàng mới và nguồn lao động giá rẻ mới.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm chao đảo các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp suy tính việc đưa hoạt động sản xuất của họ về gần quê nhà. Cuộc chiến Nga -Ukraine, làm đảo lộn các thị trường hàng hóa, tạo ra thêm một động lực nữa để doanh nghiệp Mỹ đưa việc làm về nước. Rủi ro xung đột tiềm tàng giữa Trung Quốc và Đài Loan, một trung tâm sản xuất chip sử dụng trong điện thoại thông minh, máy tính cá nhân và ô tô, cũng có thể tạo ra động lực tương tự.

Chính phủ Mỹ cũng đang nỗ lực thu hút doanh nghiệp và việc làm trở về quê hương. Đạo luật CHIPS và Khoa học và Đạo luật Giảm lạm phát, đều được Tổng thống Mỹ, Joe Biden ký thông qua trong tháng này, cung cấp các khoản giảm thuế và các ưu đãi khác cho hoạt động xây dựng và đầu tư vào các trung tâm sản xuất hàng hóa như chất bán dẫn, xe điện và dược phẩm.

Sự quan tâm ngày càng gia tăng của giới nhà đầu tư về vấn đề giảm khí thải carbon cũng thúc đẩy nhu cầu đưa chuỗi cung ứng gần nhà hơn. Các cơ chế định giá carbon và thuế được thực hiện gần đây ở Liên minh châu Âu (EU) và các nơi khác sẽ làm giảm thêm sức hấp dẫn của chuỗi cung ứng xuyên biên giới, các nhà kinh tế của Ngân hàng Barclays, nhận định trong một báo cáo gần đây.

Barclays nhận thấy rằng các công ty lớn nằm trong chỉ số S&P 500 (theo dõi biến động giá cổ phiếu của 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ) đang tuyển dụng nhiều hơn ở quê nhà và hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) xuyên biên giới đang chậm lại.

Hai nhà kinh tế học Christian Keller và Akash Utsav của Barclays viết: “Toàn cầu hóa đang rút lui”.

Trong các báo cáo lợi nhuận quí 2 vừa của doanh nghiệp Mỹ, thuật ngữ “reshoring” (đưa hoạt động sản xuất từ nước ngoài trở về quê hương) đã được đề cập nhiều gấp 12 lần so với trong quí 2- 2019, theo dữ liệu từ Ngân hàng Bank of America.

Tuy nhiên, xu hướng này không hẳn là một chiến thắng hoàn toàn cho lao động “cổ cồn xanh” ở Mỹ. Theo Bank of America, chi tiêu vốn tăng cho thấy nhiều công ty có thể đang tìm cách thay thế công nhân ở nước ngoài bằng công nghệ hơn là bằng công nhân ở Mỹ. Chi tiêu vốn thường là đầu tư vào thiết bị hoặc công nghệ tự động hóa các nhiệm vụ của người lao động.

Harry Moser, người sáng lập kiêm Chủ tịch Reshoring Initiative, nói: “Không có gì phải bàn cãi khi đưa việc làm trở lại quê hương, các doanh nghiệp Mỹ biết rằng họ sẽ phải trả chi phí lao động gấp 3-5 lần so với ở nước ngoài. Vì vậy, họ phải tự động hóa”.

Các công ty ở khu vực Bắc Mỹ đã đặt hàng mua số lượng kỷ lục 11.595 robot, trị giá 646 triệu đô la  trong quí 1, theo Hiệp hội Tự động hóa tiến bộ (AAA), có trụ sở ở bang Michigan.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới