Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Nhật Bản tái cấu trúc, hoạt động M&A tăng 80%

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Nhật Bản đã tăng 80%, đạt 6.800 tỉ yen (47 tỉ đô la Mỹ) trong nửa đầu năm 2023 trong bối cảnh các doanh nghiệp nước này đang đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm nâng giá cổ phiếu.

Từ công ty đại chúng, Toshiba trở thành công ty tư nhân sau thương vụ mua lại trị giá 2.100 tỉ yen (hơn 14,4 tỉ đô la Mỹ). Ảnh: Reuters

Thương vụ lớn nhất là thỏa thuận mua lại Toshiba trị giá 2.100 tỉ yen của một nhóm nhà đầu tư Nhật Bản do tập đoàn Japan Industrial Partners dẫn dắt. Ban lãnh đạo JSR, hãng sản xuất chất cản quang dùng trong công nghệ chip cũng đồng ý bán lại JSR cho Japan Investment Corp, tập đoàn đầu tư của chính phủ Nhật Bản với giá 1.000 tỉ yen.

Đẩy mạnh M&A trong và ngoài nước

Năm 2009, các doanh nghiệp Nhật Bản giảm các hoạt động M&A ở ngoài nước, tập trung vào thị trường trong nước trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hai gã khổng lồ ngành bảo hiểm là Sompo Japan Insurance và Nipponkoa Insurance đã quyết định sáp nhập vào năm này.

Sau khủng hoảng tài chính 2009, vào những năm 2010, hoạt động M&A của doanh nghiệp nước này tập trung ở nước ngoài do doanh nghiệp tìm cách đảm bảo tăng trưởng trong tương lai khi mà dân số xứ Phù Tang ngày càng giảm. Việc nới lỏng tiền tệ trên quy mô lớn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giúp doanh nghiệp huy động được vốn chi phí thập từ các định chế tài chính trong nước.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác. Các thương vụ M&A ở nước ngoài của các công ty Nhật Bản tăng khoảng 30%, lên khoảng 3.200 tỉ yen trong nửa đầu năm nay.

Theo hãng dữ liệu Refinitiv, các thương vụ M&A liên quan đến các doanh nghiệp Nhật Bản đạt tổng giá trị khoảng 10.800 tỉ yen trong sáu tháng đầu năm, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong số này, M&A giữa các công ty của nước này chiếm 63% giá trị, mức cao nhất kể từ kỷ lục 75% trong năm 2009. Số lượng các giao dịch giữa những doanh nghiệp này đã tăng 3% trong năm lên 1.828, chiếm 76% tổng số.

Trong một xu hướng đáng chú ý, các tập đoàn như Toshiba và JSR đã chuyển sang các quỹ trong nước, từ công ty đại chúng trở thành tư nhân.

Thông qua thương vụ M&A, Toshiba hy vọng sẽ giải quyết được một cơ cấu cổ đông phức tạp, luôn xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp và vạch ra một lộ trình tăng trưởng mới. Trong khi đó, JSR tìm cách sẵn sàng cho các khoản đầu tư lớn với sự trợ giúp của chính phủ trong bối cảnh cạnh tranh của ngành công nghiệp chip toàn cầu ngày càng gay gắt.

Tuổi cao, sức yếu của các vị chủ doanh nghiệp là yếu tố thúc đẩy một số vụ M&A. Chẳng hạn, Tập đoàn dịch vụ tài chính Orix đã mua lại nhà cung cấp mỹ phẩm đặt hàng qua thư DHC với giá 300 tỉ yen.

Sáp nhập để tồn tại và tăng trưởng

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản không thể quản lý tốt các hãng con ở nước ngoài nên phải gánh chịu các khoản lỗ lớn. Vì vậy, doanh nghiệp "bắt đầu tập trung vào tái cấu trúc trong nước, nơi có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp dễ dàng hơn" như nhận xét của nhà phân tích Koichiro Doi tại hãng JP Morgan Securities. Tương tự Toshiba và JSR, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã lựa chọn chiến lược M&A để tồn tại.

Các thương vụ M&A ở mảng năng lượng tái tạo cũng đang gia tăng trong bối cảnh toàn cầu nỗ lực giảm phát thải. Một hãng con về năng lượng của tập đoàn NTT đã hợp tác với JERA, công ty nhiệt điện lớn nhất Nhật Bản để mua lại Green Power Investment từ một quỹ hưu trí của Canada với giá khoảng 300 tỉ yen.

Hãng con Toyota Tsusho chuyên về thương mại của tập đoàn xe hơi Toyota đã mua lại 85% cổ phần của SB Energy, công ty vận hành các nhà máy năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo khác, từ quỹ đầu tư SoftBank Group với giá 120 tỉ yen.

Đồng yen giảm giá, hiện đứng ở mức 145 yen ăn 1 đô la Mỹ đang làm tăng rào cản đối với M&A ở nước ngoài nhưng không phải là lý do duy nhất cho sự gia tăng hoạt động M&A trong nước.

Áp lực cũng đang gia tăng từ thị trường chứng khoán. Cuối tháng 3, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo yêu cầu các công ty niêm yết nâng cao nhận thức về chi phí vốn và giá cổ phiếu. Đặc biệt, các công ty có tỷ lệ giá trên sổ sách dưới 1 đang phải đối mặt với sự giám sát của thị trường.

“Tái cấu trúc thông qua M&A là một công cụ mạnh mẽ để cải thiện khả năng sinh lợi nhuận”, nhà phân tích Shinsuke Tsunoda tại hãng chứng khoán Nomura Securities nhận xét.

Chính sách của chính phủ cũng đang tạo ra những bất lợi. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (Meti) đang soạn thảo quy định M&A ngăn cản các công ty từ chối những đề nghị mua lại nghiêm túc làm tăng giá trị doanh nghiệp mà không có lý do chính đáng.

Hồi tháng 7, hãng sản xuất động cơ Nidec đã đề xuất mua lại hãng sản xuất máy công cụ Takisawa. Nidec cho biết sẽ mua và tiếp quản dù Takisawa không đồng ý với đề nghị mua lại.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới