Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Nhật Bản tìm cơ hội đầu tư ở Đồng bằng sông Cửu Long

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Do chi phí xây dựng tại TPHCM và các tỉnh lân cận ngày càng cao trong khi nguồn nhân công và quỹ đất đã bị hạn hẹp nên nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm cơ hội đầu tư ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Đầu tư vào sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng đến sản phẩm có giá trị gia tăng và công nghệ cao. Ảnh: DNCC

Doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm và tìm cơ hội đầu tư ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó trọng tâm là tỉnh Vĩnh Long. Thông tin trên được Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM cho biết tại buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về môi trường đầu tư hôm 23-2.

TTXVN dẫn lời ông Ida Koji, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM cho biết, từ trước đến nay, các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ tập trung đầu tư vào các khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, do nguồn nhân công và chi phí xây dựng tại các khu vực này ở mức cao và quỹ đất trong khu công nghiệp hiện tại đã bị hạn hẹp nên nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm cơ hội đầu tư ở các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trọng tâm là tỉnh Vĩnh Long.

Theo ông Ida Koji, doanh nghiệp Nhật Bản cũng gặp một số khó khăn nhất định khi đầu tư, đặc biệt là thủ tục hành chính ở các tỉnh khá phức tạp và tốn nhiều thời gian để xử lý.

Do đó, nhà đầu tư nước này mong muốn chính quyền tỉnh Vĩnh Long lắng nghe những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp Nhật Bản cũng như doanh nghiệp nước ngoài gặp phải khi đầu tư vào tỉnh để hỗ trợ giải quyết vấn đề.

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 267 dự án còn hiệu lực đầu tư với tổng mức vốn đăng ký đầu tư khoảng 32.000 tỉ đồng và trên 1 tỉ đô la Mỹ. Trong số đó, có 73 dự án FDI, đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Riêng Nhật Bản có 11 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư là 213,8 triệu đô la, đứng thứ nhất về tổng vốn đầu tư vào tỉnh Vĩnh Long. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là sản xuất, gia công thực phẩm; sản xuất và chế biến nông sản; dịch vụ kho bãi, lưu giữ hàng hóa; sản xuất máy, công cụ, các linh kiện máy may và các linh kiện máy móc chính xác cỡ nhỏ.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long sang thị trường Nhật Bản đạt 60,2 triệu đô la, chiếm 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 40% so với năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là giày da, dệt may, linh kiện sản xuất ôtô, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản chế biến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới