Thứ Ba, 20/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nhỏ của Anh lao đao trong vòng xoáy suy thoái

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Anh lại đối mặt với cú sốc chi phí hoạt động do giá nguyên liệu, năng lượng và lương người lao động tăng nhanh. Các sức ép dồn dập đang đẩy nền kinh tế Anh vào cơn suy thoái được dự báo kéo dài ít nhất là hai năm, lâu nhất trong 100 năm qua.

Hàng loạt cửa hiệu đóng cửa ở một khu phố tại thị trấn Romford, Anh hồi cuối tháng 10. Ảnh: Getty

Khách sạn The 25 Boutique B&B Torquay trên bờ biển phía tây nam của Anh hiện đã đóng cửa và dự kiến chưa hoạt động trở lại cho đến khi bước sang mùa xuân. Cũng như nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác ở Anh, Andy Banner-Price, chủ sở hữu khách sạn này, đang chịu sức ép lớn do hóa đơn năng lượng và các chi phí khác tăng vọt.

Trong khi khách sạn của Banner-Price ghi nhận lượng đặt phòng trước từ khách thường xuyên vẫn tăng, lượng đặt phòng từ khách mới giảm 50% so với các năm trước, báo hiệu triển vọng không chắc chắn cho năm tới.

Bức tranh kinh tế u ám đã hiện ra rõ ràng hơn với dữ liệu mới nhất được công bố hôm 11-11 cho thấy GDP của Anh trong quí 3 giảm 0,2% so với quí trước đó, so với mức tăng trưởng 0,2% trong quí 2. Nếu tiếp tục tăng trưởng âm trong quí 4, nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Dữ liệu GDP tiêu cực càng đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng vốn đã chán nản. Banner-Price nói: “Đó là tác động tích lũy của những tin tức xấu mỗi khi bạn bật ti-vi hoặc mở một tờ báo. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ bước vào thời kỳ suy thoái vào một thời điểm nào đó. Tăng trưởng âm sẽ khiến một số người thậm chí còn lo lắng hơn về công việc của họ và thận trọng hơn với việc chi tiêu”.

Tuần trước, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cảnh báo Anh hiện đứng trước cơn suy thoái dài nhất kể từ khi các dữ liệu kinh tế được theo dõi cách đây một thế kỷ.

BoE dự báo GDP của Anh tiếp tục giảm trong năm 2023 và trong nửa đầu năm 2024. Cơn suy thoái dự kiến ​​kéo dài hai năm được cho là “rất thách thức” và sẽ gây mất mát khoảng 500.000 việc làm và áp lực chồng chất lên các doanh nghiệp và hộ gia đình vốn đã chịu sức ép lớn, BoE nhận định.

Tina McKenzie, Chủ tịch chính sách và vận động tại Liên đoàn các doanh nghiệp nhỏ (FSB) của Anh, cho cho biết nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang “bị tấn công từ nhiều phía” bao gồm khả năng tiếp cận tiền mặt và lao động bị hạn chế cũng như áp lực lạm phát.

GDP của Anh trong quí 3 giảm 0,2% so với quí trước đó. Nếu tiếp tục tăng trưởng âm trong quí 4, nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật. Ảnh: BBC

Lạm phát của Anh đạt mức cao nhất trong 40 năm là 10,1% vào tháng 9, trong khi chỉ số giá sản xuất vẫn ở mức cao 20%. BoE cảnh báo lãi suất, hiện ở mức 3%, có thể cần tăng cao hơn nữa so với dự đoán trước đây để đẩy lạm phát trở về mức mục tiêu 2%.

Những tác động tồi tệ nhất của cơn suy thoái sắp tới sẽ trở nên rõ ràng hơn vào quí đầu tiên hoặc quí thứ hai của năm 2023, McKenzie nói. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng và bán lẻ, đang cầm cự để chờ triển vọng kinh tế khả quan hơn.

“Các doanh nghiệp đang phải chịu một áp lực rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đang tranh thủ kinh doanh trong mùa mua sắm Giáng sinh và sau đó sẽ đóng cửa vào tháng 1-2023”, McKenzie nói với CNBC.

Hơn một phần ba (35%) doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và nhà hàng của Anh cho biết họ có nguy cơ đóng cửa vào đầu năm tới do chi phí hoạt động cao hơn, hóa đơn năng lượng tăng cao và chi tiêu tiêu dùng suy yếu, theo một cuộc khảo sát của được công bố gần đây.

Darren Morgan, Giám đốc thống kê kinh tế của Văn phòng thống kê quốc gia Anh, cho biết trong thời kỳ suy thoái, các ngành kinh doanh phục vụ khách hàng trực tiếp sẽ chịu tổn thương lớn, với các cửa hàng bị ảnh hưởng nặng nề do ngân sách hộ gia đình bị thắt, khiến họ chi tiêu ít hơn.

David Holliday, đồng sáng lập Công ty Moon Gazer Ale, chuyên cung cấp bia thủ công cho các quán rượu trên khắp đất nước, nói: “Viễn cảnh đó thật kinh hoàng và đáng sợ”.

Cho đến thời điểm hiện tại, Holliday cho biết doanh nghiệp của ông đã tự gánh chi phí sản xuất và năng lượng tăng cao để giữ khách hàng. Nhưng nếu vào mùa xuân, các chi phí đó tiếp tục tăng, ông buộc phải tăng giá bán đối với khách hàng.

“Chúng tôi đã chia sẻ nỗi đau với khách hàng nhưng điều đó sẽ không bền vững trong thời gian từ 6 đến 12 tháng”,  Holliday nói. Riêng năm nay, ông ước tính rằng hóa đơn năng lượng của Moon Gazer Ale sẽ tăng thêm 25.000 – 30.000 bảng do cuộc khủng hoảng khí đốt kể từ cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Tuy nhiên, đối với nhiều doang nghiệp sản xuất bia thủ công khác, chi phí tăng mạnh hơn nữa có thể là hồi chuông báo tử sau khi họ đã trải qua cuộc chiến đấu sinh tồn kéo dài 2 năm với một ngành vốn đã bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của Covid-19, tình trạng thiếu nhân viên và áp lực lạm phát.“Họ sắp cạn sức chiến đấu rồi”,  Holliday nói.

Các chủ doanh nghiệp nhỏ hiện chờ đợi Bộ Tài chính Anh công bố kế hoạch ngân sách vào ngày 17-11 tới. Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt dự kiến sẽ đề xuất gói cắt giảm chi tiêu và tăng thuế trị giá 60 tỉ bảng để lấp lỗ hổng tài chính công của đất nước.

Nhưng nhiều doanh nghiệp lo lắng rằng Bộ Tài chính có thể đi quá xa trong nỗ lực khôi phục vị thế kinh tế Anh và gây thêm khó khăn cho các ngành công nghiệp vốn đang khốn đốn và sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Các dự thảo ban đầu về kế hoạch ngân sách của chính phủ bao gồm việc cắt giảm chi tiêu lên tới 35 tỉ bảng và tăng thuế khoảng 25 tỉ bảng.

Hồi đầu tuần này, nhà kinh tế trưởng Huw Pill của BoE cảnh báo việc tăng thuế trên diện rộng và việc cắt giảm chi tiêu có thể khiến nước Anh rơi vào cơn suy thoái kinh tế sâu hơn dự kiến.

“Nỗi lo sợ của chúng tôi là Bộ Tài chính sẽ đi quá xa để làm hài lòng các nhà đầu tư. Nếu họ không làm bất cứ điều gì để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất thì nền kinh tế sẽ không thể tăng trưởng”, McKenzie nói.

Trong khi một số chủ doanh nghiệp như Banner-Price tự tin rằng họ sẽ vượt qua thời kỳ khó khăn nhờ lượng khách hàng ít hơn nhưng chất lượng hơn, sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm và trải nghiệm cao cấp, thì triển vọng kinh doanh của ông và của nhiều doanh nghiệp khác vẫn sẽ phụ thuộc vào khả năng “vượt bão” kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp rộng lớn hơn.

“Ngay cả khi chúng tôi trụ vững, khách của chúng tôi vẫn cần đến các nhà hàng địa phương, quán cà phê, các điểm du lịch… Khách của chúng tôi cần mua sắm và đến nhà hát, bắt taxi và sử dụng tất cả dịch vụ của các doanh nghiệp nhỏ khác”,  Banner-Price nói.

Theo CNBC, BBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới