Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp niêm yết ở Trung Quốc tăng cổ tức và mua lại cổ phiếu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các công ty niêm yết của Trung Quốc đang chạy đua mua lại cổ phiếu và tăng cổ tức trước áp lực của các cơ quan quản lý. Hành động của họ noi theo những cải cách doanh nghiệp tương tự ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các công ty niêm yết ở Trung Quốc cho đến nay đã công bố chia cổ tức bằng tiền mặt kỷ lục với tổng trị giá 2,2 nghìn tỉ nhân dân tệ (303 tỉ đô Mỹ) cho năm 2023. Ảnh: Kapitales

Dữ liệu chính thức cho thấy các công ty niêm yết tại Trung Quốc đã công bố chia cổ tức bằng tiền mặt kỷ lục với tổng trị giá 2,2 nghìn tỉ nhân dân tệ (303 tỉ đô Mỹ) cho năm 2023. Họ tăng cổ tức dù lợi nhuận tổng thể trong năm ngoái suy giảm. Đáng chú ý, có hơn 100 công ty niêm yết lần đầu trả cổ tức cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, ngày càng nhiều công ty triển khai các chương trình mua lại cổ phiếu để tránh bị hủy niêm yết hoặc bị xử phạt bằng các hình thức khác theo các quy định mới.

Hồi tháng 4, chính phủ Trung Quốc ban hành hướng dẫn nhằm cải thiện lợi tức cho nhà đầu tư bao gồm yêu cầu doanh nghiệp niêm yết lên kế hoạch mua lại cổ phiếu nếu giá giảm mạnh. Hướng dẫn cũng yêu cầu các công ty phải công bố kế hoạch trả cổ tức trước khi tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), nêu các biện pháp chi tiết để thúc đẩy các công ty chia cổ tức. Những biện pháp này đã góp phần tạo ra đà phục hồi vững chắc trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, với chỉ số CSI300 tăng gần 17% so với mức thấp nhất trong 5 năm được thiết lập hồi tháng 2-2024.

Trong thời gian gần đây, Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) hối thúc các công ty niêm yết phải tương tác nhiều hơn với các nhà đầu tư và cải thiện lợi nhuận.

John Pinkel, đối tác của quỹ phòng hộ Indus Capital, có trụ sở tại New York, cho biết nỗ lực này bắt chước chương trình nâng cao giá trị doanh nghiệp ở Nhật Bản và Hàn Quốc. “Mẫu số chung của các chương trình này là doanh nghiệp mua lại cổ phiếu hoặc tăng cổ tức”, ông nói.

Chiến dịch cải cách ở Trung Quốc đã chứng kiến ​​nhiều công ty đứng trước áp lực phải trả cổ tức, nếu không muốn bị giám sát và xử phạt. Theo Jason Hsu, Chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư của Rayliant Global Advisors, áp lực từ các cơ quan quản lý đang có tác dụng.

Ví dụ, Công ty quản lý đường cao tốc Jilin Expressway và Công ty thép Fangda Special Steel Technology, không có ý định trả cổ tức cho năm 2023. Nhưng sau khi bị Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải chất vấn, họ đã thay đổi kế hoạch để trả cổ tức cho nhà đầu tư.

Đối với Jilin Expressway, Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải tập trung vào lý do vì sao công ty không trả đủ cổ tức mặc dù có lãi trong 5 năm qua. Trong bản công bố thông tin hôm 18-4, công ty cho biết sẽ trả phân bổ 170 triệu nhân dân tệ để trả cổ tức năm 2023.

Các công ty khác bao gồm Chongqing DIMA Industry, SafBon Water Service và Infund Holding gần đây sốt sắng công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu sau khi các sở giao dịch chứng khoán địa phương cảnh báo họ có thể bị hủy niêm yết nếu giá cổ phiếu của họ giao dịch ở mức thấp dai dẳng.

Các nhà quản lý Trung Quốc chỉ ra rằng nỗ lực của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo nhằm thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện hiệu quả sử dụng vốn đã giúp chỉ số Nikkei lên mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, một đợt tăng giá cổ phiếu mạnh mẽ theo kiểu Nhật Bản khó có thể xảy ra vì những cải cách của Trung Quốc vấp phải sự hoài nghi từ các nhà quản lý quỹ, những người cho rằng đó là giải cứu thị trường hơn là nâng cao quản trị doanh nghiệp.

Các công ty do nhà nước Trung Quốc kiểm soát chiếm khoảng 30% vốn hóa thị trường ở Trung Quốc và Hồng Kông. Họ được giao nhiệm vụ thực hiện các trách nhiệm xã hội, điều thường mâu thuẫn với lợi ích của của các cổ đông khác. Tại Nhật Bản, các công ty đã bắt đầu giảm bớt tỷ trọng nắm giữ của các cổ đông chiến lược như một phần của cuộc cải cách theo định hướng thị trường.

Yang Tingwu, nhà quản lý quỹ của Tongheng Investment nhận xét, việc công ty niêm yết ở Trung Quốc tăng cổ tức và mua lại cổ phiếu đã ấn tượng mạnh với nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông lưu ý các công ty Trung Quốc vẫn còn nhiều điều phải làm về mặt quản trị doanh nghiệp.

Đồng tình với ý kiến này, Chi Lo, nhà chiến lược thị trường cấp cao của BNP Paribas Asset Management, cho biết: “Doanh nghiệp Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để cải thiện quản trị và họ đang cố gắng làm điều đó”.

Trong khi sự hồi sinh của thị trường chứng khoán Nhật Bản được dòng vốn nước ngoài hỗ trợ, Trung Quốc vẫn đối mặt với những căng thẳng địa chính trị, gây lo lắng cho các nhà quản lý quỹ đầu tư trên toàn cầu.

“Đối các công ty niêm yết Trung Quốc, các nhà đầu tư thiểu số ở phương Tây không phải là ưu tiên hàng đầu”, Sunil Krishnan, người đứng đầu quỹ đa tài sản của Aviva Investor, nói.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới