(KTSG Online) - Tại tọa đàm với Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã lắng nghe ý kiến của đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, cùng tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp nước ngoài muốn TPHCM thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững
- Gần 1,7 tỉ đô la vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam
- Vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM đạt trên 3,5 tỉ đô la
Theo TTXVN, tại tọa đàm với Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài ngày 22-2, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM phấn đấu đến năm 2025 sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 đô la.
Nhằm đạt được mục tiêu, TPHCM tập trung thực hiện chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Tập trung phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; tập trung xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc tế.
Đồng thời, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực có đóng góp tích cực cho quá trình tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, xanh, thông minh, hiện đại, đổi mới sáng tạo, tạo giá trị gia tăng cao, có khả năng lan tỏa lớn, có sự gắn kết, kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp thành phố.
Thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của thế giới thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại thành phố; tập trung phát triển công nghệ số nền tảng, phát triển công nghiệp hỗ trợ kết nối doanh nghiệp TPHCM với doanh nghiệp FDI.
Cổng thông tin UBND thành phố đưa tin, trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại TPHCM, tại tọa đàm, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị các doanh nghiệp đưa ra ý kiến, giải pháp cùng chính quyền thành phố tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách để TPHCM đạt mục tiêu tăng trưởng, các doanh nghiệp ổn định sản xuất, mở rộng đầu tư và phát triển.
Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã gửi đến UBND thành phố một số kiến nghị, trong đó thành phố cần nâng cao cải thiện môi trường đầu tư, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý công. Điều này giúp tạo môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, quá trình phê duyệt nhanh chóng, tin cậy và nhất quán.
Hiệp hội Thương mại Mỹ đề nghị TPHCM cho phép các công ty hội viên của AmCham mở rộng các khoản đầu tư hiện có và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Mỹ.
Về nâng cao năng lực doanh nghiệp TPHCM để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng cần phải có chính sách thuế tương thích với các chính sách thuế toàn cầu. Cùng với đó, Việt Nam nên áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về kế toán, kiểm toán, chuyển giá và sử dụng quy trình thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đã được Quốc hội thông qua.
Liên quan đến hỗ trợ TPHCM phát triển chuỗi cung ứng và sản xuất giá trị cao, các doanh nghiệp nước ngoài đề nghị thành phố cải cách giáo dục, có chính sách thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng, đầu tư hạ tầng giao thông vận tải, logistics; cùng với đó là xây dựng giải pháp chuyển đổi năng lượng sạch, khuyến khích tăng cường đầu tư công nghệ cao và nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển.
Theo đại diện Amcham, TPHCM cần tiếp tục tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là một hạn chế đáng kể, đặc biệt là đối với sản xuất và du lịch. Ùn tắc giao thông trong và xung quanh thành phố ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong đó có việc hình thành chuỗi cung ứng tổng thể miền Nam để thúc đẩy kết nối các khu kinh tế.
TPHCM cũng cần chú ý cải cách thị trường vốn để thúc đẩy đầu tư, sớm xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm tài chính khu vực và trong tương lai là trung tâm tài chính quốc tế.
Bên cạnh đó là đơn giản hóa chính sách thị thực để thúc đẩy nền kinh tế. Việt Nam nên hoan nghênh và có chính sách rõ ràng, nhất quán và tạo thuận lợi cho phép các giám đốc, quản lý và chuyên gia nước ngoài đủ điều kiện xin giấy phép lao động làm việc tại Việt Nam, đi công tác đến Việt Nam để xúc tiến thương mại và đầu tư, bởi tất cả những điều này đều giúp mang lại nguồn đầu tư và phát triển kinh tế.