Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nước ngoài khó mua tín chỉ carbon tại Việt Nam

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26), Việt Nam đã cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài muốn tìm hiểu thị trường và mua tín chỉ carbon tại Việt Nam thì lại khó khăn do Việt Nam thiếu sàn giao dịch cho thị trường này.

Việt Nam sẽ có sàn giao dịch tín chỉ và thuế carbon nhằm hướng đến giảm phát thải về 0 năm 2050. Ảnh minh họa: TL

Theo TTXVN, đại diện chương trình Biến đổi khí hậu, Năng lượng tái tạo và Phát triển carbon thấp toàn cầu (CIFOR-ICRAF) bà Phạm Thu Thủy cho biết, sau hàng loạt chuyến ngoại giao thúc đẩy, thu hút đầu tư nước ngoài của lãnh đạo nhà nước, nhiều công ty năng lượng, tổ chức tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, dịch vụ ở nước ngoài muốn đầu tư, liên kết và tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Khi vào Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài thường cần một cơ quan điều phối từ phía Chính phủ để hướng dẫn các quy định về môi trường. Thị trường carbon có rất nhiều lĩnh vực như lâm nghiệp, năng lượng, chăn nuôi, thú y nhưng Việt Nam lại chưa có hệ thống đăng ký quyền carbon hay danh sách cơ sở, dự án về carbon để doanh nghiệp tìm đến. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang lúng túng, do dự có nên đầu tư tại Việt Nam hay không cũng bởi lý do chưa có sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí nhà kính khác. Hiện nhiều nước đang phát triển như Peru, Brazil đã có sàn giao dịch công bố đang thiếu hay thừa tín chỉ ở lĩnh vực nào, giá bán và đã bán cho những ai... Đây là thông tin hữu ích để doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí tìm kiếm.

Cổng thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn lời giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, ông Vũ Tấn Phương, cho biết giai đoạn 1997-2019 có khoảng 17% lượng buôn bán tín chỉ carbon toàn cầu đến từ ngành lâm nghiệp. Từ năm 2015-2019, tỷ trọng này tăng lên 42% và hiện giá bán một tấn carbon dao động 2-50 đô la tùy thuộc vào vai trò, giá trị của rừng. Trong đó, rừng có độ đa dạng sinh học cao thì giá bán tín chỉ carbon cao.

Việt Nam nhiều năm qua đã xây dựng khung chính sách, nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể, ví dụ hoạt động nào thì được tính là dạng phát thải hay hấp thụ carbon; các chương trình carbon hiện vẫn chưa hẳn là thương mại, còn ràng buộc nhiều điều kiện.

Ông Phương cho biết, Việt Nam vẫn chưa có thuế carbon, các giao dịch chủ yếu là hình thức tự nguyện qua các chương trình, dự án của Chính phủ. Nếu Việt Nam không có công cụ, chính sách về vấn đề này, sẽ rất khó đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

TTXVN cho biết, Chính phủ vừa ban hành lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước với 2 giai đoạn. Từ nay đến năm 2027, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính triển khai nhiều hoạt động, trong đó có xây dựng quy định liên quan để thiết lập sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trong nước. Sàn sẽ hoạt động thí điểm vào năm 2025, kéo dài trong 3 năm, tới 2027 sẽ tổng kết, đánh giá hoạt động để năm 2028 vận hành chính thức.

Trên sàn giao dịch sẽ có 2 mặt hàng gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trong nước. Trong đó, hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được phân bổ cho doanh nghiệp theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp thuộc danh mục bắt buộc xác định lượng phát thải khí nhà kính, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bên liên quan phân bổ hạn ngạch phát thải cho từng doanh nghiệp trong nỗ lực cùng giảm phát thải.

Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp sẽ có một mức phát thải nhất định, khi vượt quá thì phải mua thêm hạn ngạch. Nguồn mua có thể từ nhà nước, từ doanh nghiệp khác không sử dụng hết, hoặc mua tín chỉ carbon từ những cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon song chỉ tối đa 10% nhằm buộc doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, quy đổi ra tín chỉ carbon để giao dịch trên thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới