Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp nước ngoài tăng tốc rút khỏi Hồng Kông

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Vài  năm trước, các công ty quốc tế bắt đầu cuốn gói khỏi Hồng Kông vì lo lắng về mối quan hệ thắt chặt của trung tâm tài chính châu Á với Trung Quốc đại lục. Những cuộc ra đi rải rác ban đầu giờ đây trở thành một cuộc rút lui hàng loạt, liên quan đến các ngân hàng, công ty đầu tư và công nghệ.

Làn sóng doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Hồng Kông đang tăng tốc trong bối cảnh họ lo ngại môi trường kinh doanh của thành phố này trở nên khó khăn hơn do chịu ảnh hưởng các chính sách từ Bắc Kinh. Ảnh: Getty/WSJ

Số lượng công ty Mỹ hoạt động tại Hồng Kông đã giảm bốn năm liên tiếp, xuống còn 1.258 công ty, tính đến tháng 6-2022, thấp nhất kể từ năm 2004. Năm ngoái, số công ty Trung Quốc đại lục đặt trụ sở khu vực tại Hồng Kông đông hơn các công ty Mỹ lần đầu tiên trong ít nhất ba thập niên.

Trong nhiều năm sau khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, đặc khu này đã thu hút các công ty nước ngoài nhờ nằm gần Trung Quốc về mặt địa lý, nhưng không quá gần về mặt chính trị. Nhờ mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’, Hồng Kông có hệ thống pháp luật riêng biệt, tư pháp độc lập và cam kết với các quyền tự do kiểu phương Tây.

Mô hình đó đã thay đổi để đáp ứng với các hạn chế an ninh quốc gia chặt chẽ hơn ở Hồng Kông, sức ép của Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp nước ngoài, suy thoái kinh tế ở đại lục và căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng. Một số lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài thừa nhận ranh giới giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã trở nên mờ nhạt.

“Hồng Kông hiện được coi là phần mở rộng của Trung Quốc”, Rob Jesudason, người sáng lập Serendipity Capital, chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ, nói.

Rất ít công ty đa quốc gia muốn từ bỏ hoạt động tại Trung Quốc, thị trường vẫn còn quan trọng. Nhưng ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia hoặc chọn hoạt động tại Trung Quốc đại lục hoặc thành lập văn phòng châu Á ở Singapore, đối thủ lâu đời của Hồng Kông với tư cách là trung tâm tài chính và kinh doanh của khu vực.

Người phát ngôn của chính quyền Hồng Kông cho biết thành phố “vẫn là một trong những nơi thân thiện với doanh nghiệp nhất trên thế giới” và là “nhà của khoảng 9.000 công ty đại lục và nước ngoài”. Người phát ngôn khẳng định số lượng doanh nghiệp ở Hồng Kông vẫn ổn định trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, danh sách các công ty rời đi đang tăng lên. Ngân hàng Westpac của Úc đã rút và Ngân hàng quốc gia Úc cũng đang có kế hoạch như vậy. Ba công ty tư vấn rủi ro của Mỹ và Anh đang chuyển nhân viên ra khỏi Hồng Kông. Quỹ hưu trí giáo viên Ontario, một trong những quỹ hưu trí lớn nhất Canada, đã dừng hoạt động một nhóm đầu tư cổ phiếu ở thành phố này. TTM Technologies, nhà sản xuất bảng mạch in có trụ sở tại California, đã chuyển đi.

Alberta Investment Management, công ty quản lý quỹ hưu trí ở Canada, Công ty công nghệ Vantage Data Centers của Mỹ và chính phủ Quần đảo Cayman đều cân nhắc thành lập văn phòng khu vực ở Hồng Kông trước khi chọn Singapore thay thế. Hãng giao nhận khổng lồ FedEx đang chuyển một số công việc từ Hồng Kông sang Singapore. Steelcase, công ty sản xuất nội thất văn phòng của Mỹ, đã chuyển các lãnh đạo khu vực từ Hồng Kông sang đảo quốc sư tử.

Kurt Tong, cựu Tổng lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông, hiện là đối tác quản lý của hãng tư vấn kinh doanh Asia Group, cho rằng chính quyền Hồng Kông khó có thể cải thiện danh tiếng mà không tỏ ra không trung thành với Trung Quốc.

“Vấn đề là Hồng Kông không thể sử dụng những luận điểm hiệu quả nhất, chẳng hạn như: ‘Chúng tôi khác với Trung Quốc, chúng tôi tốt hơn Trung Quốc’”, ông nói.

Theo Alice Au, CEO của Công ty tư vấn và tìm kiếm nhân sự cấp cao Spencer Stuart, căng thẳng Mỹ-Trung khiến các công ty đa quốc gia của Mỹ khó thuyết phục những nhân viên có giá trị chuyển đến Hồng Kông. Công ty công nghệ phát thanh truyền hình Caton Technology đã chuyển trụ sở chính từ Hồng Kông đến Singapore vào năm ngoái. Theo CEO Ray Huang, Caton có một nhà đầu tư lớn của Mỹ và kinh doanh với các công ty ở Nhật Bản, Đài Loan và phương Tây, vì vậy, “việc trở thành một công ty Singapore sẽ trung lập hơn với mọi người”.

TTM Technologies, nhà sản xuất bảng mạch in của Mỹ đã rời Hồng Kông trong năm nay, cho biết khách hàng của công ty muốn thiết bị được sản xuất bên ngoài Trung Quốc. TTM Technologies đang khai trương một nhà máy ở Malaysia. Ngay cả một số công ty phục vụ khách hàng Trung Quốc cũng đã xem xét lại Hồng Kông.

Chính quyền Hồng Kông thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn Covid-19, khiến một số công ty và người dân cảm thấy ngột ngạt và rời bỏ thành phố. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây chọn Singapore thay vì Hồng Kông. Ban đầu, Vantage Data Centers, nhà cung cấp giải pháp cho các trung tâm dữ liệu, xem xét chọn Hồng Kông làm căn cứ khu vực, nhưng rốt cục chuyển hướng sang Singapore. Jeff Tench, Phó chủ tịch điều hành của Vantage Data Centers, nói rằng nhiều khách hàng của công ty, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn, cũng đặt trụ sở khu vực ở Singapore.

Hồng Kông vẫn có nhiều điểm hấp dẫn để cung cấp cho các công ty phương Tây, bao gồm thuế thấp, thị trường tài chính phát triển tốt và cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới. Người phát ngôn của chính quyền Hồng Kông khẳng định Hồng Kông là nơi duy nhất trên thế giới hội tụ lợi thế của toàn cầu và lợi thế của Trung Quốc. Hồng Kông vẫn là nơi thu hút các ngân hàng đầu tư toàn cầu đến hoạt động, một phần vì cơ hội từ Trung Quốc đại lục lấn át cơ hội từ các nước châu Á khác. Tuy nhiên, những cơ hội đó đang thu hẹp lại.

Chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hồng Kông giảm hơn 13% trong năm nay, trái ngược với các thị trường tăng trưởng ở Mỹ, Nhật Bản và các nơi khác. Thị trường bất động sản của thành phố cũng đang trong cơn suy thoái.

Theo Dealogic, năm ngoái, khối lượng chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Hồng Kông giảm xuống còn 13,4 tỉ đô la, giảm hơn 2/3 so với năm 2021. Khối lượng IPO từ đầu năm đến nay thậm chí còn thấp hơn, chỉ đạt 3,5 tỉ đô la tính đến ngày 18-10. Các ngân hàng bao gồm Goldman Sachs và Morgan Stanley đã cắt giảm việc làm trong thành phố do các hoạt động tư vấn, bảo lãnh liên quan đến IPO suy giảm mạnh.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới