Thứ Bảy, 24/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện, không né tránh tranh chấp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện, không né tránh tranh chấp

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện khi có tranh chấp giảm liên tục trong giai đoạn 2013-2016 biểu hiện sự thiếu tin tưởng vào hệ thống tư pháp. Tuy nhiên con số này đã thay đổi kể từ năm 2017 đến nay.

Doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện, không né tránh tranh chấp
Các dự án BOT gây nhiều tranh cãi, tranh chấp liên quan đến hợp đồng nhà nước với nhà đầu tư, các nhà đầu tư với nhau trong liên doanh nhưng đến nay chưa có vụ khởi kiện nào. Ảnh:TL

Báo cáo về môi trường kinh doanh (thực hiện Nghị quyết 02/2019) và góc nhìn từ doanh nghiệp về cải thiện môi trường kinh doanh (Nghị quyết 35/2016) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm 17-12 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ở cấp tỉnh đã được cải thiện so với năm 2017.

Nếu như năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ở tất cả các tỉnh đều dưới 50% thì đến năm 2018, đã có 14 tỉnh có tỷ lệ này vượt 50%. Trong đó, tòa án các tỉnh được lựa chọn khởi kiện nhiều nhất là Lào Cai (60%), Trà Vinh (55%), Đắk Lắk (55%), Đồng Nai (54%), Quảng Trị (53%) và Sơn La (52%). Ở chiều ngược lại, các tỉnh thành có mức độ tin tưởng của doanh nghiệp vào hệ thống tòa án thấp là Kon Tum (35%), TPHCM (36%), Thái Bình (36%), An Giang (38%), Hải Phòng (38%) và Hà Nội (38%).

Điều đó cho thấy Hà Nội và TPHCM là hai địa phương có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước có tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện khi có tranh chấp nằm trong nhóm thấp nhất.

Còn trước đó, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện khi có tranh chấp giảm liên tục trong giai đoạn 2013-2016 và bắt đầu tăng trở lại trong 2 năm gần đây. Nó cho thấy những nỗ lực cải cách tư pháp trong vài năm qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.

Theo đánh giá của một số luật sư, kết quả này có thể được giải thích dựa trên 2 biện pháp cải cách quan trọng được tòa án thực hiện gần đây là công bố án lệ và công khai bản án. Các biện pháp này giúp giảm sự tùy tiện trong các phán quyết của hệ thống tòa án, từ đó khiến hệ thống tư pháp bớt rủi ro hơn

Các doanh nghiệp khi kinh doanh luôn phải giao kết hợp đồng với rất nhiều bên, gồm đối tác kinh doanh, người lao động, người cho thuê mặt bằng, khách hàng… Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ bên còn lại của hợp đồng không thực hiện các cam kết hoặc các nghĩa vụ trong hợp đồng, gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo đảm thực thi hợp đồng.

Nếu hệ thống tư pháp làm việc tốt, nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả thì hợp đồng được bảo đảm, môi trường kinh doanh trở nên an toàn, ít rủi ro. Ngược lại, nếu hệ thống tư pháp không bảo vệ được quyền hợp đồng thì sẽ khiến cho các bên luôn thường trực tâm lý sẵn sàng vi phạm hợp đồng bất kỳ lúc nào, môi trường kinh doanh từ đó trở nên rủi ro, bất định.

Nhận thức rõ điều này, các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh trên thế giới luôn dành một mục quan trọng để đánh giá về tốc độ, tính hiệu quả, chi phí và mức độ tin cậy của hệ thống tư pháp khi giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại. VCCI cũng thường xuyên tiến hành theo dõi cảm nhận của các doanh nghiệp đối với hệ thống tư pháp.

Đề nghị bỏ lệ phí môn bài cho doanh nghiệp

Hiện các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH phải nộp lệ phí môn bài căn cứ trên số vốn kinh doanh và giấy phép đầu tư. Tùy theo quy mô vốn của doanh nghiệp mà số tiền lệ phí được quy định cụ thể. Ví dụ như doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 10 tỉ đồng thì mỗi năm phải nộp 3 triệu đồng lệ phí mục này.

Việc phải nộp lệ phí môn bài sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp được đánh giá là một trong những thủ tục khiến chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam trong Báo cáo cải thiện môi trường kinh doanh của VCCI (Doing Business) bị giảm điểm.

Bộ Tài chính hiện đang tiến hành sửa đổi nghị định quy định về lệ phí môn bài. Đây sẽ là một điểm cộng cho môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm đánh giá tiếp theo. Tuy nhiên, về lâu dài, có nhiều ý kiến đề nghị bãi bỏ hoàn toàn khoản lệ phí môn bài, vừa giúp cắt giảm thủ tục hành chính thuế, vừa giúp giảm chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới