Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp sản xuất vẫn ‘phòng thủ’ khi thị trường đã mở hơn

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dù tình hình thị trường có xu hướng tăng trở lại, đơn hàng sản xuất nhiều hơn so với trước đây, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang dè chừng đầu tư. Nhiều doanh nghiệp nhìn nhận, hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn phía trước nên đang trong tâm thế "phòng thủ", xoay xở tìm cách duy trì hoạt động.

Đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp đang có chiều hướng tăng lên. Ảnh: TL

Nhộn nhịp tăng sản xuất

Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất đang cho thấy ngày càng có chiều hướng tăng lên khi đơn hàng cuối năm càng nhiều hơn, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ...

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty Dony, phấn khởi khi có kết quả kinh doanh 8 tháng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái và đơn hàng nhận để làm đến hết năm. Thành quả này, ngoài giữ được khách hàng truyền thống ở trong nước và xuất đi Mỹ, Trung Đông, Dony còn khai thác ở các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Dệt may là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết kim ngạch xuất khẩu ngành 8 tháng đạt 28,6 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 7,2% so với cùng kỳ. Với tình hình hiện tại, ông hy vọng sẽ cán được đích xuất khẩu 44 tỉ đô la kim ngạch năm nay.

Đáng chú ý, xuất khẩu ngành gỗ và các sản phẩm gỗ có mức tăng trưởng khá với kim ngạch tăng 20,6%, đạt 10,24 tỉ đô la trong 8 tháng.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA cho hay, đơn hàng xuất khẩu của AA hiện ngày càng gia tăng với các công trình nội thất ở nước ngoài như Mỹ, Trung Đông và các khu du lịch nổi tiếng thế giới.

Nhận định về tình hình xuất khẩu của ngành trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cũng ghi nhận sự khả quan nhất định. Ông dự đoán từ nay đến cuối năm, tổng kim ngạch đạt 14,5-15 tỉ đô la.

Ở thị trường trong nước, với ngành hàng tiêu dùng cũng cho thấy có chiều hướng tăng. Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập cà phê nông sản thương hiệu Meet More, cho biết doanh thu tăng 10-15% trong 9 tháng nhờ mở rộng kênh phân phối và quảng bá sản phẩm rộng khắp.

Hoạt động kinh doanh tại Aeon Việt Nam tăng trưởng khoảng 15%. Ảnh: L.H

Đánh giá tình hình kinh doanh trong 9 tháng 2024 tại buổi khai trương Aeon Tạ Quang Bửu (TPHCM), ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, cũng cho biết nhà bán lẻ này ghi nhận tín hiệu tích cực, tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có phần mở thêm các điểm bán.

Doanh nghiệp vẫn trong tâm thế "phòng thủ"

Mặc dù đơn hàng sản xuất đang tăng, nhưng các doanh nghiệp cho biết tình hình còn rất nhiều thách thức phía trước, như thiếu lao động; chi phí đầu vào, vận tải tăng cao; yêu cầu khắt khe từ khách hàng…

Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận dù kinh tế từ quí 2 về sau đã có những tín hiệu phục hồi, song còn nhiều yếu tố chưa bền vững khi nhu cầu từ bên ngoài chưa phục hồi; kinh tế thế giới diễn biến khó lường, đặc biệt bất ổn tại một số quốc gia. Ở trong nước, đầu tư công vẫn chậm, đầu tư tư nhân thấp; các đầu tàu tăng trưởng trì trệ, thiếu động lực mới...

Trao đổi với KTSG Online, các doanh nghiệp cho rằng, mức tăng trưởng nói trên vẫn chưa quá lạc quan, vì dựa trên nền kết quả kinh doanh rất thấp của năm 2023 và vẫn chưa đạt được mức tương đương năm 2022. Do vậy, tín hiệu tăng trưởng này chỉ thể hiện sự hồi phục từ “vùng đáy” và đang dần đi lên.

Nhiều thách thức với doanh nghiệp sản xuất phía trước. Ảnh: L. H

Với doanh nghiệp đồ gỗ, theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Đỗ Xuân Lập, sản xuất tăng nhưng bán thì không tăng, xu hướng thị trường là không bền vững. "Sau thời gian dài giảm nhập hàng vào năm ngoái, giờ tồn kho giảm thì nay nhà nhập khẩu mua thêm hàng để phòng trừ nhiều yếu tố, trong đó, có yếu tố cước vận tải tăng giá”, ông Lập lưu ý.

Ngoài ra, doanh nghiệp gỗ còn đang đối mặt với tình trạng yêu cầu giảm giá từ nhà nhập khẩu, dẫn đến biên lợi nhuận giảm sâu.

Để “thích nghi” với khó khăn, vấn đề hiện nay của doanh nghiệp gỗ là làm sao để nhà máy duy trì hoạt động và phát triển lâu dài. Tại Công ty Sadaco, Chủ tịch HĐQT Trần Quốc Mạnh cho rằng, doanh nghiệp chủ động ứng phó như chấp nhận lợi nhuận thấp, không "đánh mạnh" vào các đơn hàng dài hạn như trước đây, mà thay vào đó làm các đơn hàng ngắn hạn; sẵn sàng làm hàng mẫu theo yêu cầu của khách hàng để nâng giá trị.

“Xu hướng thị trường xuất khẩu gỗ hiện đã có nhiều thay đổi. Do đó, việc tham gia xúc tiến thương mại sẽ giúp doanh nghiệp cập nhật xu hướng mới, nắm bắt thị hiếu của khách hàng để có những chiến lược kinh doanh phù hợp. Doanh nghiệp tham gia "hội chợ số" cũng là cách quảng bá hiệu quả và giảm được chi phí”, ông Mạnh nói.

Tình hình đơn giá thấp cũng đang diễn ra với các doanh nghiệp ngành dệt may, nhất là với các đơn hàng gia công. Theo ông Phạm Quang Anh của Dony, trong bối cảnh cạnh tranh cao hiện nay cùng với chi phí đầu vào sản xuất tăng cao khiến cho doanh nghiệp chấp nhận biên lợi nhuận rất thấp để duy trì hoạt động.

Để có giá cạnh tranh, bên cạnh cải tổ toàn diện từ quy trình sản xuất, văn phòng làm việc..., Dony còn chủ động phối hợp các nhà cung cấp cùng thực hiện việc cải tổ, giảm lợi nhuận.

"Dù đơn hàng đang tăng cao nhưng chúng tôi nhìn nhận thị trường chưa bền vững và lợi nhuận kinh doanh thấp nên chỉ mong duy trì ổn định đến năm 2026 mới tính tiếp. Ngay ở thời điểm hiện tại đang thiếu lao động sản xuất, Dony cũng không tuyển thêm. Chúng tôi tìm cách để tăng năng suất với lao động hiện hữu; đồng thời thuê doanh nghiệp khác làm gia công để kịp đơn hàng cho khách", ông Quang Anh chia sẻ.

Tương tự, theo ông Luận của Meet More, trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, công ty cũng đang ở tâm thế "phòng thủ", không đầu tư thêm dù lãi suất vay hiện khá thấp.

Với thị trường xuất khẩu còn yếu và chi phí vận chuyển tăng cao, Meet More đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước để phần nào gỡ khó khăn hiện tại và duy trì lao động hiện nay. "Bên cạnh tiếp tục mở rộng kênh truyền thống như siêu thị, cửa hàng, chúng tôi còn đẩy mạnh kênh TMĐT", ông nói.

Đánh giá về thị trường trong nước những tháng cuối năm, ông Furusawa Yasuyuki của Aeon Việt Nam, cũng nhìn nhận thách thức phía trước còn nhiều, tình hình giá một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng cao và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đối với một số mặt hàng không thiết yếu.

Do đó, bên cạnh chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng và có chiến lược sản phẩm phù hợp, Aeon còn tăng sản xuất dòng sản phẩm nhãn hàng riêng giá tốt để người tiêu dùng lựa chọn.

Về điểm bán, nhà bán lẻ còn phát triển theo mô hình trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị nằm bên ngoài trung tâm mua sắm Aeon. Đây là mô hình mới nhằm thích ứng linh hoạt của nhà bán lẻ Nhật Bản kể từ sau dịch. "Chúng tôi hợp tác với các đối tác kinh doanh và mở thêm nhiều mô hình, quy mô khác nhau phù hợp với từng địa phương kết hợp với phát triển TMĐT", ông Yasuyuki nói thêm.

Tình hình địa chính trị trên thế giới vẫn phức tạp và khó lường, các nhà nhập khẩu cũng rất thận trọng, buộc doanh nghiệp phải bám sát tình hình đơn hàng, giá cước vận chuyển, tìm nguyên phụ liệu đầu vào với giá hợp lý để có kế hoạch sản xuất tốt, đáp ứng được yêu cầu và tiến độ giao hàng.

Các ý kiến cho rằng nền kinh tế còn đối mặt với những rủi ro, thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp cần có những quyết sách linh hoạt, phù hợp để có thể đạt kỳ vọng và mục tiêu kinh doanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới