(KTSG Online) - Hiện nay phần lớn sự quan tâm tập trung vào mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) cho sinh viên, còn mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin-off) vẫn chưa được chú ý. Nhiều đề tài, sản phẩm khoa học có tiềm năng nhưng lại bị lãng phí khi chỉ có số ít được chuyển giao hoặc thương mại hóa.
- Mô hình công ty spin-off
- Phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu có dùng ngân sách nhà nước
Hiện nay không ít trường đại học Việt Nam tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp thường niên, nhiều trường lại có tới 2-3 cuộc thi khởi nghiệp trong cùng năm. Tuy nhiên, chưa nhiều dự án spin-off được quan tâm và nhận được đầu tư để phát triển.
Doanh nghiệp spin-off là mô hình doanh nghiệp “khởi nguồn”, thường xuất phát từ các trường đại học, viện nghiên cứu dựa trên việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm được hình thành từ các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của trường đại học đó.
Các doanh nghiệp spin-off thường có sự ràng buộc mạnh mẽ với năng lực nghiên cứu của trường đại học, viện nghiên cứu và thường sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất, chưa từng có.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia còn định nghĩa về doanh nghiệp spin-off là công ty mới được thành lập để khai thác một phần sở hữu trí tuệ được tạo ra trong tổ chức học thuật. Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp spin-off có sự liên kết, gắn liền với các viện nghiên cứu, các trường đại học hoặc các tổ chức về học thuật nên thường được biết đến với những tên gọi khác như “academic spin-off” hoặc “university spin-off”.
Doanh nghiệp spin-off chưa phổ biến tại Việt Nam và khi nhìn vào thị trường doanh nghiệp, rất ít công ty khởi nghiệp theo mô hình này bước ra từ trường đại học, nếu có cũng không đạt hiệu quả cao. Ở một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức… tầm quan trọng của các trường đại học đối với sự phát triển của các công ty spin-off được công nhận rộng rãi.
Doanh nghiệp spin-off và start-up khác nhau ra sao?
Doanh nghiệp spin-off có sự liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học thông qua các công trình, sản phẩm, kiến thức về mảng khoa học - công nghệ là chủ yếu. Bên cạnh sự gắn kết với các tổ chức học thuật thì công ty spin-off còn sở hữu những công trình nghiên cứu riêng nhằm phục vụ cho hoạt động thương mại của doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học - công nghệ.
Các doanh nghiệp spin-off thường có sự ràng buộc mạnh mẽ với năng lực nghiên cứu của trường đại học, viện nghiên cứu. Những công nghệ được sản xuất, kinh doanh thường là những công nghệ tiên tiến nhất, chưa từng có.
Đây là điểm khác biệt giữa doanh nghiệp spin-off và doanh nghiệp start-up vì công nghệ của doanh nghiệp start-up không đòi hỏi phải là công nghệ cao, thậm chí có thể được lấy hoặc tham khảo từ nguồn khác.
Ngoài ra, người sáng lập doanh nghiệp spin-off thường sở hữu một bí quyết công nghệ cụ thể và có thể áp dụng bí quyết công nghệ đó để đổi mới sản phẩm hoặc đổi mới quá trình. Bí quyết này có thể được hoàn thành khi người sáng lập còn hoạt động và làm việc trong khuôn khổ của các tổ chức học thuật hoặc sau khi đã rời đi.
Thực tế hiện nay, phần đông sự quan tâm tập trung vào mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp start-up cho sinh viên, còn đối với mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức và chưa thực sự có những cơ chế để thúc đẩy mô hình này phát triển ở các trường đại học. Rất nhiều đề tài, sản phẩm khoa học có tiềm năng nhưng lại bị lãng phí khi chỉ có số ít được chuyển giao hoặc thương mại hóa.
Thạc sĩ Mai Nguyễn Hoàng Nam, chuyên gia thường xuyên đào tạo, cố vấn, giám khảo và chia sẻ về khởi nghiệp, nhà sáng lập Học viện Kỹ năng VTALK, nhận định: “Nhiều trường Đại học chuyên về kỹ thuật hiện nay thường đưa các sản phẩm sáng tạo khoa học-kỹ thuật vào các cuộc thi khởi nghiệp theo phong trào. Tuy nhiên, sinh viên khối ngành kỹ thuật đa phần không có chuyên môn về kinh doanh để có thể đảm đương quá nhiều đầu việc như tài chính, gọi vốn, bán hàng. Vì vậy việc định hướng và làm rõ từ đầu về mô hình spin-off cho các trường Đại học, Viện nghiên cứu, Học viện, đặc biệt những cơ sở chuyên đào tạo khối ngành kỹ thuật là vô cùng cần thiết”.
Cũng theo ông Nam, muốn thành lập doanh nghiệp spin-off thì trước hết các nghiên cứu phải có tính ứng dụng cho thị trường, có khả năng thương mại hóa. Sau đó tận dụng nguồn lực từ nhà trường hoặc các quỹ đầu tư liên quan để kinh doanh và cần sự quản lý độc lập của các công ty khởi nghiệp khỏi hệ thống hành chính, học thuật của trường đại học, viện nghiên cứu, đảm bảo vận hành theo đúng cơ chế thị trường.
Cần có quy định cụ thể về doanh nghiệp spin-off
Pháp luật Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh những vấn đề pháp lý liên quan đến các doanh nghiệp khoa học - công nghệ như Luật Khoa học và công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp,... nhưng vẫn chưa có một văn bản nào quy định chính xác, cụ thể về doanh nghiệp spin-off.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các viên chức trong Viện nghiên cứu, trường Đại học công lập không được phép tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Quy định này được xem là sự hạn chế đối với các cán bộ của Viện nghiên cứu, trường Đại học công lập khi đặt họ trước bàn cân giữa vị trí giám đốc điều hành công ty spin-off và vị trí cán bộ quản lý viện, trường. Điều này đã khiến những cán bộ, những giáo sư, tiến sĩ có năng lực không thể tham gia hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cùng doanh nghiệp.
Trong tọa đàm “Vai trò của doanh nghiệp khởi nguồn từ các tổ chức khoa học công nghệ (spin-off) trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu”, tiến sĩ Lê Tất Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu hệ gene, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đề cập đến việc doanh nghiệp spin-off gặp khó khăn khi hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa vốn đã yếu nay đang chậm lại, có nơi dừng hẳn không chuyển giao vì sợ rủi ro pháp lý, nhất là Luật tài sản công. Hoạt động chuyển giao cũng gặp khó vì không thể chuyển giao công nghệ ra là có lãi ngay.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp spin-off hiện đang gặp phải, cần có một hành lang pháp lý quy định rõ ràng và cụ thể về khái niệm spin-off và các hoạt động liên quan như cách thành lập, chủ sở hữu, các chính sách,...về loại mô hình này. Đồng thời, siết chặt và nâng cao các quy định về quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ tối đa các kết quả nghiên cứu khoa học, thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm công nghệ vào đời sống thực tiễn.
Có các chính sách hỗ trợ, tư vấn hoặc tài trợ đối doanh nghiệp spin-off vì kinh phí đầu tư cho các nghiên cứu phát triển công nghệ thường lớn hơn gấp nhiều lần so với các nghiên cứu cơ bản. Và nhiều công trình đã phải tạm dừng khi không thể đáp ứng về mặt kinh phí.