Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp thấm đòn chứng khoán

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có thể thấy việc đầu tư ngoài ngành cốt lõi chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là ở lĩnh vực chứng khoán. Nếu không tỉnh táo chốt lời và thoát kịp trước khi thị trường bước vào thời kỳ đi xuống, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, mà ngay cả các tổ chức với đội ngũ phân tích hùng hậu cũng có thể nếm trái đắng.

Cuối quí 3-2022, Thép Tiến Lên nắm trong tay danh mục cổ phiếu có giá gốc hơn 138 tỉ đồng, nhưng hiện đang dự phòng giảm giá gần 61 tỉ đồng, tương đương mức giảm 44%.

Thấm đòn

Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần (CTCP) SAM Holdings (HOSE: SAM) cho thấy chi phí tài chính của doanh nghiệp này trong quí 3-2022 lên tới 59,3 tỉ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng khoản mục lỗ do thanh lý các khoản đầu tư lên đến 47,6 tỉ đồng, chiếm hơn 80% tổng chi phí tài chính.

Đáng lưu ý là tính đến ngày 30-9-2022, SAM vẫn còn đang nắm giữ hơn 311 tỉ đồng chứng khoán kinh doanh, tập trung ở các mã HPG hơn 91 tỉ đồng, SJS 62 tỉ đồng, DNP 56 tỉ đồng, TCB và SSI đều hơn 20 tỉ đồng,… Ngoài ra, giá trị đầu tư góp vốn vào đơn vị khác lên đến 2.292 tỉ đồng, tăng thêm 711 tỉ đồng so với đầu năm. Dự phòng các khoản đầu tư đã trích lập là hơn 55,5 tỉ đồng.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc mạnh trong quí 2 và quí 3 năm nay, danh mục đầu tư của các doanh nghiệp ưa thích các hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không riêng gì SAM, những doanh nghiệp trong hai năm trước đây ghi nhận lãi lớn từ hoạt động đầu tư tài chính, thì nay đã thấm đòn nặng nề khi phải trích lập dự phòng lớn, hoặc phải cắt lỗ và kéo lùi lợi nhuận hoạt động chung của doanh nghiệp.

Trong những phiên thị trường mất điểm mạnh thời gian qua, có không ít mã cổ phiếu đã bị bán giải chấp, theo đó có khả năng không chỉ lãnh đạo, cổ đông nội bộ các doanh nghiệp mà cả chính các doanh nghiệp cũng có thể bị thanh lý bắt buộc các khoản đầu tư hiện có của mình.

Chẳng hạn CTCP Licogi 14 (L14) - doanh nghiệp từng gây chú ý khi giá cổ phiếu có lúc chạm mốc 420.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm nay. Năm 2021 chính nhờ mảng đầu tư tài chính mà L14 báo lãi “khủng” gấp 16 lần cùng kỳ, chủ yếu nhờ lãi khủng 238 tỉ đồng ở thương vụ đầu tư cổ phiếu CEO (CTCP Tập đoàn C.E.O) và lãi 90 tỉ đồng ở mã DIG (Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng).

Nhưng bước sang năm nay, khi giá cổ phiếu CEO và DIG đều đã mất hơn 80% giá trị từ đầu năm đến nay, L14 đang phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư gần 69 tỉ đồng, khiến lỗ sau thuế chín tháng là 15,6 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi hơn 39 tỉ đồng. Đáng chú ý giá cổ phiếu L14 hiện cũng chỉ còn quanh 36.000 đồng/cổ phiếu, tức cũng đã giảm hơn 90% từ đỉnh cao.

CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) tính đến 30-9-2022 đang sở hữu danh mục cổ phiếu có giá trị gốc gần 400 tỉ đồng, nhưng hiện đang lỗ trên giấy 123 tỉ đồng, tương đương mức lỗ 31%. Danh mục của NDN gồm chín cổ phiếu, trong đó cổ phiếu SHB, VHM và TCB đang lỗ nặng nhất, tương ứng ở mức 53 tỉ đồng (-41%), 45 tỉ đồng (-24%) và 16 tỉ đồng (-41%).

So với cuối quí 2, doanh nghiệp này lỗ thêm hơn 33 tỉ đồng ở hoạt động đầu tư, khiến lỗ sau thuế hơn 28,7 tỉ đồng, nối tiếp con số lỗ kỷ lục 114 tỉ đồng trong quí 2. Dù vậy, bất chấp thị trường suy yếu, trong quí 3 vừa qua, NDN cũng bắt đáy “nhẹ” ở HPG và mua thêm GEG, đồng thời cắt lỗ bớt ở TCB.

Tương tự, CTCP tập đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) cũng đang lỗ trên giấy 57% ở VIX, 47% ở SHB và IJC, trong khi các cổ phiếu khác giảm 39%. Cụ thể, đến cuối quí 3-2022, doanh nghiệp này nắm trong tay danh mục cổ phiếu có giá gốc hơn 138 tỉ đồng, nhưng hiện đang dự phòng giảm giá gần 61 tỉ đồng, tương đương mức giảm 44%. So với quí 2-2022, mức dự phòng giảm giá thấp hơn gần 5 tỉ đồng, nhưng không phải do cổ phiếu tăng giá mà do TLH đã cắt lỗ bớt ở các cổ phiếu khác.

Ngay cả những doanh nghiệp lớn như CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) cũng không thoát khỏi thảm cảnh chung khi tham gia đầu tư chứng khoán. Theo báo cáo tài chính quí 3-2022, VHC đầu tư tổng cộng hơn 190 tỉ đồng vào cổ phiếu tính theo giá gốc. Tuy nhiên giá trị hợp lý chỉ còn hơn 112 tỉ đồng, VHC phải dự phòng gần 79 tỉ đồng, gần bằng một nửa giá trị đầu tư gốc. Trong đó, dự phòng hơn 31 tỉ đồng ở mã NLG của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long.

Cổ phiếu DXS của Đất Xanh Services và KBC khiến Vĩnh Hoàn lỗ lần lượt gần 24,6 tỉ đồng và hơn 6 tỉ đồng. So với cuối quí 2-2022, VHC tăng dự phòng nhiều nhất ở mã NLG và DXS, lần lượt thêm 7,5 tỉ đồng và 7,3 tỉ đồng sau ba tháng.

Trái đắng khi rời xa hoạt động cốt lõi

Những ví dụ kể trên là minh chứng rõ nhất về việc thị trường chứng khoán suy yếu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp như thế nào, không chỉ từ việc khó khăn trong công tác huy động vốn, mà hậu quả lớn hơn là lỗ nặng nề.

Có thể thấy việc đầu tư ngoài ngành cốt lõi chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là ở lĩnh vực chứng khoán. Nếu không tỉnh táo chốt lời và thoát kịp trước khi thị trường bước vào thời kỳ đi xuống, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, mà ngay cả các tổ chức với đội ngũ phân tích hùng hậu cũng có thể nếm trái đắng.

Trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (2020-2021), nhiều doanh nghiệp có lượng tiền nhàn rỗi lớn nhưng không thể triển khai, mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh, nên tranh thủ tìm kiếm cơ hội trên thị trường chứng khoán, nhờ thế mà không ít doanh nghiệp đã lãi lớn khi một dòng tiền khổng lồ đổ vào thị trường.

Tuy nhiên, khi đại dịch dần được kiểm soát, nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại, bên cạnh những doanh nghiệp đã thoát khỏi thị trường kịp thời và hướng nguồn vốn quay trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, không ít doanh nghiệp vẫn đang “đắm đuối” với hoạt động đầu tư và thậm chí mắc kẹt ngay đỉnh ở nhiều mã cổ phiếu.

Thực tế chính việc nhiều doanh nghiệp rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán để quay về với hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của mình đã là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán, kéo thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh từ đầu tháng 4 đến nay.

Trong quí 2-2022, chỉ số VN-Index đã giảm gần 20%, tiếp đến quí 3 rớt thêm gần 5,5% và trong tháng 10 vừa qua tiếp tục lao dốc hơn 9%. Như vậy, các khoản đầu tư của nhiều doanh nghiệp nếu vẫn còn giữ chắc chắn đã ghi nhận lỗ thêm trong tháng 10 vừa qua.

Đáng chú ý là trong những phiên thị trường mất điểm mạnh thời gian qua, có không ít mã cổ phiếu đã bị bán giải chấp, theo đó có khả năng không chỉ lãnh đạo, cổ đông nội bộ các doanh nghiệp mà cả chính các doanh nghiệp cũng có thể bị thanh lý bắt buộc các khoản đầu tư hiện có của mình.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp nói trên buộc phải đứng trước lựa chọn tiếp tục nắm giữ danh mục đầu tư hiện có và chấp nhận trích lập thêm dự phòng, gồng lỗ cho qua giai đoạn khó khăn hiện nay, chờ ngày thị trường phục hồi trở lại để tìm cách thoát ra, hoặc phải nhanh chóng cắt lỗ để giúp tình hình tài chính bớt xấu hơn và không phải hao tổn thêm nguồn lực để trích lập dự phòng.

Lựa chọn nào cũng đều rất khó khăn và cần phải có sự cân đo đong đếm, cũng như dựa trên khả năng đánh giá xu hướng của thị trường chứng khoán sắp tới là như thế nào.

Đáng chú ý, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang tăng nhanh, không chỉ tác động tiêu cực lên các kênh đầu tư, mà những doanh nghiệp vay nợ lớn còn đang đứng trước áp lực chi phí lãi vay sẽ tăng mạnh, riêng với các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu trước đây thì còn đang đối mặt với áp lực mua lại trái phiếu trước hạn.

Tình thế này có thể buộc một số doanh nghiệp phải giảm bớt các khoản đầu tư tài chính, hiện thực hóa khoản lỗ trên giấy, nhằm đảm bảo nguồn tiền mặt đáp ứng các mục tiêu kinh doanh và thanh toán, nhất là khi càng bước về thời điểm cuối năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới