(KTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc giảm giá bán để giải phóng lượng hàng tồn kho được tích lũy hồi đầu năm. Họ lo ngại sẽ không trụ vững nếu giá cả tiếp tục suy giảm, gây tổn thương cho dòng tiền và lợi nhuận của họ. Diễn biến này đang làm gia tăng áp lực giảm phát đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
- Các thương hiệu đua giảm giá để thích ứng nhu cầu tiệt kiệm của người tiêu dùng Trung Quốc
- Kinh tế Trung Quốc đối mặt ‘bóng ma’ giảm phát
Giảm giá để bán được hàng
Khi Trung Quốc bỏ các hạn chế đi lại liên quan đại dịch Covid-19 sau ba năm kiểm soát nghiêm ngặt, Nie Xingquan đã kỳ vọng doanh số bán giày da thủ công của doanh nghiệp ông sẽ bùng nổ. Nhưng thực tế, nhu cầu thấp đến mức ông phải giảm giá bán 3% so với một năm trước, khiến lợi nhuận suy giảm.
Đó là một điềm báo xấu về áp lực giảm phát đang tấn công các doanh nghiệp Trung Quốc khi nền kinh tế suy yếu và đe dọa làm suy yếu các kế hoạch kích thích kinh tế của Bắc Kinh nếu người tiêu dùng tiếp tục trì hoãn chi tiêu.
Công ty Italy Elsina Group Co. của Nie Xingquan, có trụ sở tại thành phố Ôn Châu, miền đông Trung Quốc, chuyên phục vụ cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng trong nước. Ông cho biết hoạt động kinh doanh đình trệ kể từ tháng 2. Nhiều khách hàng của ông vẫn thận trọng sau những thiệt hại mà đại dịch đã gây ra đối với dòng tiền và lợi nhuận của họ. Một số nhà bán lẻ, thay vì đặt hàng mới, đang cố gắng bán tất cả số hàng tồn kho mà họ tích lũy trước đó vì kỳ vọng doanh số sẽ tăng.
“Mọi người cố gắng ép chặt lợi nhuận đến hết mức có thể để tồn tại và duy trì sức cạnh tranh”, Nie Xingquan chia sẻ.
Thay vì tăng giá nhanh chóng như dự đoán của một số nhà kinh tế vào đầu năm, Trung Quốc đang trải qua một giai đoạn giá giảm hiếm hoi. Đó là một sự tương phản rõ ràng với câu chuyện lạm phát tăng vọt ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác sau khi tái mở cửa.
Chỉ số giá sản xuất (PPI), đo lường giá bán từ cổng của các nhà máy ở Trung Quốc, liên tục giảm hàng tháng so với cùng kỳ năm ngoái kể từ tháng 10-2022. Xu hướng giảm giá phần lớn là do giá các mặt hàng đầu vào như than và dầu thô giảm. Dữ liệu công bố vào hôm 9-8 có thể sẽ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm trong tháng 7. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020, cả giá tiêu dùng và giá sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều giảm.
Marvin Chen, nhà chiến lược của Bloomberg Intelligence, nhận định giảm phát là một rủi ro ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc. Ông cho biết, đà suy giảm của giá sản xuất đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của khu vực công nghiệp và thượng nguồn (nguyên liệu thô). Trong khi đó, giá tiêu dùng giảm cũng sẽ gây áp lực lên khu vực hạ nguồn (hoạt động phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng).
Cỗ máy xuất khẩu suy yếu
Khác với đợt giảm tạm thời vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, chu kỳ giảm giá tiêu dùng lần này ở Trung Quốc đáng lo ngại hơn. Giá thịt heo giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI của Trung Quốc suy giảm trong hơn hai năm trước. Giờ đây, CPI giảm phần lớn do do xuất khẩu suy yếu khi người tiêu dùng ở một số thị trường lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm Mỹ và châu Âu, giảm chi tiêu. Số liệu hải quan công bố hôm 8-8 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7.
Xuất khẩu của Trung Quốc, tính theo đồng đô la, giảm 14,5% so với một năm trước đó, đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 2-2020. Trong khi đó, nhập khẩu giảm 12,4%.
Cơn suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc cũng khiến giá thuê nhà, đồ nội thất và thiết bị gia dụng giảm.
Ngoài ra, cuộc chiến giá cả giữa các nhà sản xuất ô tô do Tesla phát động, khiến giá xe điện gảm giá mạnh vào đầu năm nay.
Nếu một loạt hàng hóa giảm giá trong một thời gian dài, người tiêu dùng có thể trì hoãn mua sắm, kìm hãm hơn nữa các hoạt động kinh tế và buộc các doanh nghiệp phải tiếp tục giảm giá. Điều đó sẽ kéo theo đà giảm của doanh thu và lợi nhuận, khiến các doanh nghiệp hạn chế đầu tư và tuyển dụng, có thể dẫn đến tình trạng trì trệ kinh tế giống như Nhật Bản đã trải qua trong nhiều thập niên.
Tình trạng giảm giá không diễn ra ở tất cả các lĩnh vực. Chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc cho các dịch vụ vẫn tăng trưởng khá mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, chi phí du lịch ở Trung Quốc tăng 7,1% so với một năm trước, do giá phòng khách sạn tăng. Chi phí cho các dịch vụ như giải trí, giáo dục và chăm sóc y tế vẫn đang tăng lên.
Ngành hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng lớn nhất vì xu hướng giá cả thấp hoặc suy giảm.
“Có vẻ như mọi người không còn chi tiêu nhiều cho quần áo như trước nữa. Cạnh tranh đã trở nên khốc liệt hơn và nhiều nhà máy đang giảm giá để có thể bán được hàng. Điều này dẫn đến một vòng xoáy giảm giá”, Chen Yubing, giám đốc của Jiayao Textile Co., một nhà sản xuất vải polyester và nylon có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang, nói.
Nhà máy của Yubing đã giảm giá bán 5% trong năm nay, dù chi phí tăng ở mức tương ứng.
Áp lực triển khai thêm các biện pháp kích thích
Bắc Kinh đã hạ thấp những lo ngại về giảm phát, với các quan chức từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Cục Thống kê quốc gia và các cơ quan khác liên tục khẳng định không có cơ sở cho xu hướng giảm giá trong dài hạn.
Động lực lớn dẫn đến giá thấp trong năm nay là lượng hàng tồn kho tích tụ trong đại dịch và trong quí đầu tiên khi các nhà bán lẻ tràn trề lạc quan chuẩn bị cho cơn bùng nổ mua sắm thời kỳ hậu Covid-19. Tuy nhiên, với kinh tế phục hồi chậm chạp, giờ đây, các doanh nghiệp đua nhau giảm giá để giảm lượng hàng tồn kho của họ.
Vivian Feng, một cư dân ở Thượng Hải, chuyên mua hàng giảm giá từ nông sản đến áo phông của Nike, rồi bán chúng cho những người hàng xóm ở khu phố của cô. Cô cho biết các nhà cung cấp giảm giá đáng kể trong năm nay do tồn kho cao và nhu cầu yếu.
Feng nói: “Một số thương hiệu thời trang lâu đời, từng cung cấp sản phẩm cho kênh mua theo nhóm với giá khoảng 40% so với giá gốc vào năm 2021. Nhưng hiện tại, họ chỉ bán với giá tương đương 10% hoặc thậm chí thấp hơn so với giá của năm 2021”.
Một số nhà kinh tế dự báo, CPI của Trung Quốc có xu hướng giảm trong vài tháng nữa trước khi tăng lên vào cuối năm khi nhu cầu trong nước cải thiện. Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự đoán lạm phát cả năm 2023 của Trung Quốc chỉ đạt 0,8%, tốc độ chậm nhất kể từ năm 2009.
Lạm phát thấp đang làm tăng lãi suất thực (lãi suất đã điều chỉnh theo lạm phát) trong nền kinh tế. Điều này đẩy chi phí trả nợ của các doanh nghiệp lên cao và làm suy yếu cam kết thúc đẩy cho vay của PBoC.
“Dữ liệu yếu kém ở Trung Quốc sẽ tiếp tục làm giảm tiêu dùng, vì các hộ gia đình sẽ vẫn thận trọng trong việc mua các mặt hàng đắt tiền do rủi ro mất việc làm và cắt giảm lương tiềm ẩn. Những bất ổn xung quanh giảm phát có thể khiến PBoC tiến hành các biện pháp nới lỏng tiền tệ bổ sung”. Ken Cheung, giám đốc chiến lược ngoại hối của ngân hàng Mizuho Bank (Nhật Bản), nhận định.
Dù đối mặt với áp lực triển khai thêm các biện pháp kích thích, PBoC phải hành động thận trọng vì bị kìm hãm bởi các hạn chế bao gồm đồng nhân dân tệ suy yếu và mức nợ cao trong nền kinh tế tăng.
Theo Bloomberg