Chủ Nhật, 13/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp tư nhân cần gì để ‘nâng lượng và tăng chất’?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sở hữu năng lực “chống chịu” hiếm có trước những biến cố, nhưng đa số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn “chậm lớn”. Làm gì để các doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua khó khăn, qua đó đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước là câu hỏi cần sớm tìm ra lời giải.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam “lớn”, nhưng chưa “lớn mạnh”

Theo dõi Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) hàng năm, không khó để tìm thấy những doanh nghiệp tư nhân với doanh thu hoặc tổng tài sản từ chục tới hàng trăm nghìn tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, nộp hàng nghìn tỉ đồng vào ngân sách.

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng tăng 102% trong giai đoạn 2019 – 2023, đạt 498 tỉ đô la Mỹ và xếp thứ 33/121 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất trên thế giới được xếp hạng.

Một số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã vươn mình thành doanh nghiệp lớn, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường bán lẻ trong nước. Ảnh minh họa: TL

Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn trong tình trạng “lượng nhiều, chất yếu”, với trên 97% các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, điểm đáng lưu tâm là 70% số doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ, dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỉ đồng. Thậm chí, nhiều hộ kinh doanh từ chối đăng ký làm doanh nghiệp chính thức do sợ “gánh nặng” quan liêu và cách thức quản lý của nhà nước, làm tăng chi phí giao dịch.

Với số ít doanh nghiệp lớn, không ít đơn vị đã tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu, nhưng có vị thế yếu trong chuỗi giá trị. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn nhìn chưa thể hiện vai trò dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng. Điều này khiến khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp khoảng 10% GDP và hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) còn mờ nhạt.

“Sự thiếu vắng ngày càng rõ các doanh nghiệp quy mô trung bình, nhất là trong công nghiệp chế tác, đang cản trở tăng năng suất, chuyên môn hóa và chuyển giao công nghệ”, ông Thành phân tích.

Cũng theo ông Thành, thực tế cho thấy các doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, tỷ lệ thua lỗ, phải dừng sản xuất kinh doanh, chờ thủ tục giải thể và giải thể giai đoạn hậu Covid-19, năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024 lên tới trên dưới 80%.

“Điều đó chứng tỏ khu vực tư nhân phải đối mặt với rất nhiều trở ngại từ chính sách, nội tại doanh nghiệp và cách nhìn nhận của xã hội. Doanh nghiệp tư nhân đã trưởng thành, có ‘lớn’, nhưng chưa đủ ‘lớn mạnh’, để trở thành một động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững của Việt Nam”, ông Thành kết luận.

Sản phẩm thuỷ sản do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và chế biến đã xuất hiện tại nhiều thị trường lớn như châu Âu, Mỹ. Ảnh: Trung Chánh

Đồng quan điểm, TS Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, điểm yếu của khu vực tư nhân  thể hiện qua sự thiếu vắng các doanh nghiệp lớn, có khả năng dẫn dắt.

Cụ thể, có 4/10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán tính đến tháng 6-2024 là ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng quốc doanh. Trong số 50 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á theo bảng xếp hạng của Fortune 2024, chỉ có 5 doanh nghiệp Việt Nam và Vingroup là doanh nghiệp tư nhân duy nhất xuất hiện trong danh sách.

Lý giải điều này, đại diện Ban IV cho biết quá trình phát triển của doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là tự phát triển, trong khi hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) chưa phổ biến. Nhưng do gặp nhiều trở ngại nên tốc độ chuyển dịch quy mô khá chậm, nhiều doanh nghiệp phải mất 10-20 năm để phát triển thành quy mô vừa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân dường như đang phải đối mặt với nhiều khó khăn ngay trên sân nhà. Ngoài những khó khăn truyền thống vẫn được như: môi trường kinh doanh thiếu thuận lợi; tình trạng phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp Nhà nước; khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, thị trường, khách hàng và các bất lợi về thuế, hải quan; rủi ro về thay đổi chính sách và pháp luật khiến việc đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp thường có tính ngắn hạn, nhỏ lẻ… thì bản thân doanh nghiệp hiện phải thích ứng với các xu hướng mới, gồm: chuyển đổi xanh, như một hàng rào kỹ thuật.

“Trong bối cảnh đa số là doanh nghiệp nhỏ, quản trị yếu, kỷ luật thị trường chưa cao, chưa chú trọng đầu tư cho R&D thì thách thức và khó khăn với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam càng trở nên rõ nét”, ông Minh đánh giá.

Thiếu doanh nghiệp tư nhân, nền kinh tế sẽ không bền vững

Nhận định sự phát triển của nền kinh tế không thể bền vững nếu thiếu vắng lực lượng doanh nghiệp tư nhân, cùng sự trưởng thành của các doanh nghiệp và doanh nhân, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh có hai vấn đề cơ bản cần tập trung xử lý, gồm: nhà từ móng (thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, startups); tạo dựng cột kèo (chuyển đổi chiến lược các công ty/tập đoàn tư nhân). Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa là khu vực đóng góp lớn nhất cho cạnh tranh trên thị trường, còn startups là khởi nguồn của tinh thần kinh doanh.

Do đó, các chính sách hỗ trợ cần khơi gợi chín yếu tố người khởi nghiệp sáng tạo phải có, gồm: năng lực sáng tạo; vốn kinh doanh; sự kiên trì và đam mê; kiến thức nền tảng và chuyên môn; kỹ năng nghiên cứu thị trường; kỹ năng quản lý tài chính; kỹ năng ủy quyền; kỹ năng hoạch định chiến lược; kỹ năng mềm.

Để thực hiện việc này, trước hết, các cơ quan quản lý cần cải thiện một số vấn đề. Chẳng hạn, tăng cường nền tảng kinh tế vi mô của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là bảo hộ quyền tài sản và thực thi chính sách cạnh tranh, giảm thiểu sự méo mó trên các thị trường nhân tố sản xuất (thị trường vốn, đất đai, lao động). Đồng thời, cải thiện tính kết nối giữa các doanh nghiệp đầu đàn/doanh nghiệp tiên phong (trong nước và FDI) với các nhà cung ứng trong nước qua cụm liên kết ngành.

“Việc thiết lập các cụm liên kết ngành để doanh nghiệp tư nhân có vị trí kinh doanh thuận lợi sẽ giúp tăng năng suất, thúc đẩy xuất khẩu và khuyến khích đổi mới sáng tạo”, ông Thành dự báo.

Theo ông Thành, các yếu tố tạo ra sự phát triển của cụm liên kết ngành gồm: môi trường thể chế chuyên nghiệp và thân thiện; thu dụng được nhân tài và lực lượng lao động có kỹ năng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; sự có mặt của các doanh nghiệp đầu đàn; dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, cần thận trọng với can thiệp nhà nước.

Bổ sung, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp vừa, là đối tượng giữ vai trò quan trọng nhất trong kết nối giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

“Lực lượng doanh nghiệp vừa hiện nay có khoảng 30.000 doanh nghiệp - chiếm 4%, họ là các doanh nghiệp có khát vọng, tiềm năng, điều kiện để trở thành doanh nghiệp lớn và có hoạt động sản xuất - kinh doanh khá chuyên nghiệp”, ông Thân cho biết.

Bên cạnh đó, vị này vẫn mong mỏi Chính phủ nghiên cứu, ban hành Luật riêng cho hộ kinh doanh, thay vì đặt họ là một phần trong Luật Doanh nghiệp.

“Chính phủ cần đưa ra các tiêu chí, định mức cụ thể để các hộ kinh doanh khi đạt được phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng, lãi suất... để thúc đẩy các họ”, ông Thân nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới