Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp và áp lực chạy đua với quy định chống phá rừng từ châu Âu

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Doanh nghiệp còn đâu đó khoảng 1 năm nữa để chuẩn bị cho việc tuân thủ Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Tuy vậy, nhìn lại thực trạng các vùng trồng trong nước với các sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, đồ gỗ… manh mún, nhỏ lẻ nên việc tuân thủ rất khó và đòi hỏi mất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc...

Sản phẩm cà phê trong nước do nhiều nông hộ trồng trọt cung cấp qua nhiều tầng đến tay doanh nghiệp xuất khẩu nên khó truy suất. Ảnh minh họa: TL

Lo lắng với thời gian áp dụng cận kề

Tại Diễn đàn đối thoại Công-tư về các quy chuẩn xanh hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu, bao gồm đánh thuế carbon (CBAM) và chống phá rừng (EUDR), diễn ra tại TPHCM tuần qua, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, thời gian để Việt Nam chuẩn bị nhằm tuân thủ quy định của EU đang rất gấp rút.

EUDR quy định các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, đồ gỗ….  không được nhập khẩu vào EU nếu được trồng trên diện tích đất phá rừng (lấy mốc từ ngày 31-12-2020 đến nay).

Theo Quy định EUDR, 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn. Dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.

EUDR chính thức có hiệu lực vào tháng 12-2024. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ thời hạn này được lùi xuống tháng 6-2025.

Trong khi đó, đại diện các hiệp hội về sản phẩm nông sản có liên quan cho biết, ngành nông nghiệp trong nước với các vùng trồng trọt như cà phê, ca cao, tiêu… nhỏ lẻ, manh mún nên việc tuân thủ sẽ đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức.

Lấy sản phẩm có tỉ trọng xuất khẩu lớn vào thị trường EU như cà phê, các doanh nghiệp cho rằng, cà phê Việt Nam ít có nguy cơ trồng trên diện tích đất phá rừng nhưng việc đáp ứng giấy tờ, thủ tục để chứng minh theo quy định của EU không hề đơn giản.

Các doanh nghiệp còn lo ngại những phần diện tích trồng trên đất chưa được cấp sổ đỏ sẽ không chứng minh được tính hợp pháp. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh, ngoài việc liên kết với hợp tác xã, nông hộ còn mua qua đại lý nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn…

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), tổng số diện tích trồng cà phê của Việt Nam hiện vào khoảng 710.000 hecta với tổng lượng xuất khẩu trên dưới 1,7 triệu tấn. Hiện EU là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng kim ngạch.

Hiện cả nước có đến 1 triệu hộ trồng cà phê trong đó 70% hộ tham gia có diện tích dưới 0,5 hecta. Mặt khác, cà phê được trồng không tập trung, chủ yếu là nông hộ nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn. Do vậy chi phí tuân thủ rất tốn kém.

Trao đổi với KTSG Online, các doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu cà phê xuất khẩu cho biết, họ đang bị sức ép khá lớn để tuân thủ các quy định EUDR. Nếu không đáp ứng thì nguy cơ không đưa sản phẩm vào thị trường này được. Trong khi thời gian để áp dụng chưa đến 10 tháng với doanh nghiệp quy mô lớn và chưa tới 14 tháng với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp đồ gỗ xuất vào EU phải chứng minh sản phẩm chế biến không phá rừng. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Tương tự, theo TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành chương trình Chính sách thương mại và tài chính lâm sản (Tổ chức Forest Trend), rủi ro mất rừng liên quan đến quá trình sản xuất đồ gỗ và cao su ở trong nước là thấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp nội ngoại thất… lo lắng cho hoạt động truy xuất nguồn gốc.

“Chuỗi cung ứng các mặt hàng đồ gỗ hiện tương đối phức tạp, với khâu sản xuất chủ yếu được đảm nhận bởi các nông hộ; khâu thu mua sản phẩm từ hộ được đảm nhận bởi mạng lưới tư thương hoạt động ở các địa bàn và cấp độ khác nhau; khâu chế biến và xuất khẩu tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp lớn”, ông Phúc nói.

Tại một số nơi, hoạt động trong khâu trung gian của chuỗi, đặc biệt giữa hộ sản xuất và tư thương diễn ra tương đối lỏng lẻo, thiếu cơ chế kiểm tra giám sát về mức độ tuân thủ với các yêu cầu pháp lý. "Trừ nguồn cung từ các diện tích đã đạt chứng chỉ bền vững, các nguồn cung hiện tại trong chuỗi khó có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm", ông Phúc cho hay.

Gấp rút thực hiện nếu không muốn mất thị trường

Các yêu cầu của EUDR sẽ được các nhà nhập khẩu EU truyền tải tới các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục chuyển các yêu cầu này tới các bên trực tiếp tham gia chuỗi cung ứng của mình, bao gồm các cơ sở chế biến, đại lý thu mua và nông hộ sản xuất.

Do đó, vai trò của các doanh nghiệp trong việc thực thi EUDR có ý nghĩa quyết định đối với quá trình đánh giá và xếp loại rủi ro của EU theo hướng thuận lợi cho sản phẩm, ngành mình hoạt động.

Doanh nghiệp nhập khẩu những mặt hàng này vào EU phải thu thập thông tin về chuỗi cung. Doanh nghiệp dựa trên thông tin đó, đánh giá rủi ro về các khía cạnh tuân thủ pháp luật của quốc gia sản xuất và về mất rừng rồi đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

Đồ gỗ - nội thất là một trong những mặt hàng sẽ chịu trực tiếp bởi Quy định EUDR. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Thông tin về chuỗi cung ứng, đánh giá rủi ro và đặc biệt các biện pháp giảm thiểu rủi ro cần được doanh nghiệp công bố trong Cam kết thẩm định chuỗi cung ứng (Due Diligence Statement). Vì thế, các doanh nghiệp của Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường châu Âu phải đáp ứng đầy đủ các thông tin trên để cung cấp cho đối tác nhập khẩu hàng hóa của mình.

Trong đó, đáng lưu ý, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa tới tận vị trí địa lý của mảnh đất nơi sản xuất ra sản phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chứng minh hoạt động sản xuất không gây ra mất rừng trên các diện tích này.

Như đã nêu trên, tình hình truy xuất này đang là thách thức lớn với nhiều ngành sản xuất kinh doanh. Giám đốc Một doanh nghiệp cà phê ở TPHCM chuyên xuất sang thị trường EU khẳng định với KTSG Online rằng, quy định EUDR khiến doanh nghiệp căng thẳng, bởi lẽ chi phí tuân thủ cao hơn rất nhiều so với các chương trình đã triển khai trước đây.

Vị này cho biết, công ty vừa phải đáp ứng được sản lượng cung cấp cho Châu Âu, nhưng cũng phải đồng bộ các quy trình mà EU "dựng lên" chỉ trong một thời gian ngắn là khó khăn.

Tại Diễn đàn đối thoại Công-tư nói trên, đại diện các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp cũng cho rằng, họ đang chịu chi phí tuân thủ đắt đỏ hơn dưới các quy định mới của EU.

Bà Trần Như Trang, Đại diện Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) tại Việt Nam chia sẻ, trường hợp Tập đoàn Otto của Đức (chuyên kinh doanh về mặt hàng tiêu dùng), rằng với quy định mới, Otto sẽ phải truy xuất khoảng 1,8 triệu giao dịch từ các nhà cung ứng, thay vì gần 2.000 trước kia, để kiểm tra xem các vấn đề liên quan đến rừng.

"Việc tăng 900 lần với khoảng 1,8 triệu giao dịch thì không thể làm bằng tay mà cần sử dụng công nghệ số, máy tính, AI... mới thực hiện được", bà Trang nói.

Đứng ở khía cạnh doanh nghiệp trong nước, ông Huỳnh Thanh Trung, Trưởng ban công nghệ của Hiệp hội gỗ Bình Dương (Bifa) cho biết, ngành gỗ Bình Dương chủ yếu phát triển theo mô hình truyền thống, từ hộ gia đình lên doanh nghiệp. Tỉ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa còn đơn giản và chưa đạt tới 2% trong số trên 300 doanh nghiệp hiện nay.

"Những hoạt động truy xuất rà soát cho từng lô hàng vẫn đang làm thủ công, doanh nghiệp gần như chưa có liên kết dữ liệu từ chuỗi sản xuất cuối cùng. Đến khi đánh giá, kiểm tra toàn bộ dữ liệu thô thì đa số nhà máy sản xuất lúng túng, rời rạc và thiếu hồ sơ”, ông Trung lo lắng với quy định EUDR sắp phải thực thi.

Có thể thấy, vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi đứng trước quy định này là số hóa dữ liệu và chứng minh nguồn gốc. Các công ty muốn bán các sản phẩm nói trên vào thị trường EU cần thu thập tọa độ định vị của trang trại sản xuất để đảm bảo không lấy nguyên liệu từ nguồn có rừng bị phá hoặc suy thoái. Ngoài ra các doanh nghiệp còn cần báo cáo các loại dữ liệu khác như số lượng nhà sản xuất trên mỗi lô, số lượng và chất lượng nông sản rồi đưa ra các dự báo năng suất.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, các quy định mà EU đã đặt ra thì sẽ được thực hiện. Mặt khác, các tiêu chuẩn cao từ thị trường EU thông thường sau này cũng sẽ được áp dụng ở các thị trường khác. Do đó, nếu muốn duy trì mức xuất khẩu vào EU như hiện nay và tiếp tục tăng trưởng, doanh nghiệp cần nhiều nỗ lực.

Theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Công thương), quy định đã có, chỉ là doanh nghiệp Việt Nam có lựa chọn đi theo hay không. “Nếu không đi theo thì khỏi xuất khẩu, còn nếu đi theo thì dù chi phí tăng thêm nhưng cái được là xuất khẩu bền vững và có giá trị gia tăng cao”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, ông Paolo R. Vergano, chuyên gia của Công ty FratiniVergano European Lawyer, tư vấn quốc tế của ITC cũng lưu ý rằng, thời gian tuân thủ các quy định UEDR đã đến gần nên cần phải gấp rút triển khai.

Bởi lẽ nếu không tuân thủ EUDR có thể dẫn đến việc một số sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam bị cấm nhập vào thị trường 27 nước EU. "Nếu không đáp ứng được quy định mới, doanh nghiệp Việt Nam có thể đối mặt với hình phạt như phạt tiền, đóng băng doanh thu từ giao dịch và tạm thời bị loại khỏi danh sách cung ứng tới 12 tháng", ông Paolo R. Vergano nói.

Nhiều chuyên gia khác cũng lưu ý, quy định này của EU mang tính chất bao trùm nhiều ngành như cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, đồ gỗ…. Theo đó, dễ có rủi ro về việc vi phạm của một ngành hàng này trực tiếp tác động tới ngành hàng khác. Tương tự như hải sản bị EU cảnh báo “thẻ vàng” IUU, dù đã nỗ lực tháo gỡ nhưng các năm qua doanh nghiệp thủy sản Việt Nam rất chật vật với cảnh báo này.

1 BÌNH LUẬN

  1. Biến thành lợi thế cạnh tranh với các nước khác. Mà để làm vậy thì cần lớp ở trên, chứ lớp ở dưới thì họ luôn sẵn sàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới