Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Việt ‘khó thở’ vì chi phí tăng cao

Dũng nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp không chỉ đối mặt với tình trạng đơn hàng suy giảm mà còn phải “gánh” nhiều khoản chi phí tăng cao. Trong năm nay, dù mức độ lạc quan lên cao nhất trong khu vực, nhưng ưu tiên lớn nhất của các doanh nghiệp vẫn là “phòng thủ”, trong đó mối lo ngại lớn nhất vẫn là lạm phát.

Chi phí logistics tiếp tục tăng ảnh hưởng đến các hoạt động xuất nhập khẩu và giá cả hàng hóa đầu vào.

Lạm phát ảnh hưởng lớn

Đây là nhận định của ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam trong buổi công bố báo cáo Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024 ngày 16-7 của Tập đoàn UOB. Đây là báo cáo dựa trên khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp tại 7 thị trường trọng điểm trên khắp ASEAN và Trung Quốc, trong đó có 525 doanh nghiệp tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát vào tháng 12-2023 và tháng 1-2024 cho thấy 88% doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại. Con số này nằm trong nhóm cao nhất trong khu vực, nhưng cũng đồng thời doanh nghiệp cũng có mối quan ngại về lạm phát cao nhất trong số các thị trường.

“Điều này cho thấy mức lạm phát thâm nhập sâu vào kinh doanh vận hành hàng ngày. Doanh nghiệp Việt Nam có tâm lý lạc quan cao nhất trong khu vực nhưng lại đang chuẩn bị phòng thủ cho tương lai”, ông Lim bình luận.

Theo báo cáo, có 9/10 doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết họ bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao trong năm 2023. Theo đó, 58% cho biết nguyên nhân chủ yếu vì chi phí hoạt động tăng, 57% chi phí giá nguyên vật liệu, kéo theo đó là 45% cho biết lợi nhuận giảm. Trong đó lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất là bất động sản, dịch vụ nhà hàng, khác hàng (64% chi phí hoạt đồng) và lĩnh vực sản xuất kỹ thuật (75% giá nguyên vật liệu).

Thực tế khảo sát cũng cho thấy lãi suất tăng, vốn được nhiều doanh nghiệp phản ánh, không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động doanh nghiệp trong năm 2023, mà là câu chuyện của chi phí. Theo đó, các lo ngại lần lượt là lạm phát cao (39%), biến động giá cả hàng hóa (34%), phục hồi sau giai đoạn suy thoái (34%) và tăng chi phí vận hành (31%), tiếp theo mới là lãi suất tăng (24%).

Nguồn: UOB.

Lạm phát cao khiến chi phí cung ứng của gần 50% doanh nghiệp tại Việt Nam tăng cao trong năm ngoái, trở thành thách thức hàng đầu trong việc quản lý chuỗi cung ứng bên cạnh những thách thức từ việc mua sắm vật tư, nguyên liệu thô.

Cũng theo báo cáo, để đối phó với những thách thức này, các doanh nghiệp đã xây dựng một kế hoạch thận trọng hơn, kết hợp giữa các giải pháp ngắn hạn như giảm chi phí và dài hạn như đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tìm kiếm quan hệ đối tác kinh doanh mới để hợp tác trong vòng 1-3 năm tới.

Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo khảo sát là sự lạc quan của Việt Nam vẫn vượt trội dù đã giảm 7 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát năm ngoái. Trong khi thị trường Trung Quốc lại giảm rất mạnh (từ 43% xuống 27%), được cho là vì thị trường bất động sản suy giảm.

Tiếp tục tăng trong nửa đầu 2024

Mối lo lạm phát hồi đầu năm đã trở thành hiện thực trong môi trường kinh doanh khó khăn vào nửa đầu năm 2024. Những lo ngại của doanh nghiệp là có cơ sở khi lạm phát tiếp tục tăng lên liên tục trong những tháng qua, gần chạm mức mục tiêu mà giới quản lý đặt ra là 4,5%.

Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy chỉ số CPI đo lường mức lạm phát quí 2 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 6 tháng đầu năm nay, CPI đã tăng 4,08%.

Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, mức tăng chủ yếu đến từ nhóm thực phẩm (đáng kể lương thực tăng 15,02%), nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; giáo dục; y tế; giao thông. Những lĩnh vực này đều là hàng hóa dịch vụ trọng yếu.

Tốc độ tăng/giảm CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Tại buổi trao đổi về kết quả báo cáo nghiên cứu trên, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TPHCM, đánh giá Việt Nam có nền kinh tế mở nên dễ bị tác động bởi lạm phát từ các yếu tố bên ngoài. Trong năm ngoái và nửa đầu năm 2024, đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh cũng đã ảnh hưởng lớn đến nhập khẩu. Mặt khác, câu chuyện địa chính trị cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và lạm phát trong nước, như câu chuyện vận chuyển hàng hóa, nguồn cung của nguyên liệu cũng bị ảnh hưởng.

Lo ngại về lạm phát tiếp theo còn nằm ở câu chuyện tăng lương tối thiểu với mức tăng khá cao kể từ đầu tháng 7. Theo ông Minh, mức tăng lương cũng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, nhưng đánh giá chung của cơ quan quản lý là mức ảnh hưởng không lớn. Theo đó, dự kiến đợt tăng này có thể tác động 0,77% đến lạm phát nhưng đồng thời cũng tác động tích cực 0,21% đến tăng trưởng GDP.

Theo báo cáo khảo sát điều tra kỳ vọng lạm phát tháng 7-2024 của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, mức lạm phát bình quân năm 2024 kỳ vọng ở con số 3,86%, tức cao hơn so con số 3,78% trong cuộc điều tra tháng trước.

Chỉ số CPI đo lường lạm phát tại Việt Nam đã tăng tốc trong vài tháng qua, chủ yếu từ chi phí sinh hoạt, thực phẩm tăng, nhà ở, vận tải, y tế. Hầu hết các chuyên gia phân tích đánh giá lạm phát sẽ tiếp tục là một áp lực lớn đối với Việt Nam trong nửa cuối năm nay, nhưng điểm tích cực là tỷ giá có cơ hội giảm áp lực vì lãi suất đô la có thể thể giảm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới