Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp xã hội ‘sống tốt’ bằng cách nào?

Trúc Nhã

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Phục vụ cộng đồng là mục tiêu chính mà nhiều nhà điều hành đặt ra khi thành lập một doanh nghiệp xã hội nhưng cũng như các doanh chủ khác, họ cũng phải thu hút được nguồn vốn thì mới có thể duy trì doanh nghiệp? Vậy, lợi nhuận đến từ đâu khi hầu như toàn bộ các khoản thu đều dùng cho hoạt động cộng đồng, xã hội?

Theo Luật doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp có mục tiêu hoạt động là giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng đồng thời sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký. Tại Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp xã hội hoạt động theo đa dạng lĩnh vực như giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thủ công mỹ nghệ, bảo vệ môi trường…

Dù lĩnh vực hoạt động và nhóm thụ hưởng khác nhau nhưng các doanh nghiệp xã hội đều hướng đến mục tiêu mang các giá trị tích cực cho cộng đồng. Vậy làm sao để một doanh nghiệp xã hội “sống tốt" khi không tập trung quá nhiều vào lợi nhuận?

Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, chương trình Doanh nhân chính truyện - Signature Voice với chủ đề Doanh nghiệp xã hội: Chuyện chưa kể đã tìm đến các doanh chủ là những nhà sáng lập, nhà điều hành mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận để lắng nghe những tâm tư, trăn trở và đặc biệt là lời giải cho bài toán cân bằng giữa hai yếu tố lợi nhuận và xã hội.

Kinh doanh vì cộng đồng

Không chỉ dừng lại ở câu chuyện trao đi vật chất, Công ty TNHH xã hội Sắc Màu với hơn 10 năm hoạt động còn xây dựng những dự án với mục đích hướng tới sự phát triển bền vững và độc lập cho các em học sinh, sinh viên. Theo chị Tạ Thùy Linh, người sáng lập Sắc Màu, bên cạnh hành trình sơn sửa, trang trí lại các trường mầm non ở vùng sâu vùng xa, doanh nghiệp này còn trao tặng những suất học bổng cho các em học sinh, sinh viên. Đồng thời, với suy nghĩ hỗ trợ các em từ bên trong, để các em có khả năng tự nuôi sống mình, Sắc Màu đã thai nghén dự án hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng tập trung vào thế hệ trẻ, hướng đi của Công ty TNHH doanh nghiệp xã hội Nhà của Thời Thơ Ấu lại muốn lan tỏa các nét đẹp văn hóa, đem đến giá trị tinh thần tích cực cho thế hệ GenZ mà như lời chia sẻ của hai nhà sáng lập, vợ chồng chị Đồng Lê Quỳnh Hương và anh Nguyễn Anh Luân - đó là thế hệ “thuỷ tinh dễ vỡ". Chủ doanh nghiệp này chia sẻ, để “gồng gánh” Nhà của thời thơ ấu, anh chị đã phải làm một lúc nhiều việc và hợp tác với các nhãn hàng nhằm có thêm nguồn thu duy trì doanh nghiệp.

Nói về việc tìm nguồn thu của doanh nghiệp xã hội, nhiều người cho biết, có nhiều cách như cung cấp các dịch vụ tư vấn, tổ chức các chương trình, chiến dịch, sự kiện cộng đồng cho các doanh nghiệp có nhu cầu thiện nguyện. Và, Công ty TNHH doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly to Sky, một doanh nghiệp xã hội được dẫn dắt bởi nhà sáng lập Lê Văn Phúc, cũng áp dụng những cách này để thực hiện mục tiêu là tạo môi trường cho người trẻ được tham gia tình nguyện, mong muốn biến việc thiện nguyện trở thành thói quen lâu dài, liên tục cho người tham gia.

Ở một hướng đi khác, thay vì chọn nhóm thụ hưởng là người trẻ, Công ty TNHH Mền bông Mê Kông (Mekong Quilts) lại mang đến công việc và thu nhập cho phụ nữ nghèo, yếu thế tại các làng quê ở Việt Nam và Campuchia thông qua việc sản xuất, kinh doanh các loại chăn mền, túi xách và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vật liệu tự nhiên có nguồn gốc tại địa phương. Doanh thu từ việc bán các sản phẩm được doanh nghiệp chi trả lương, duy trì hoạt động của đơn vị. Phần lợi nhuận sẽ được đưa về tổ chức mẹ là tổ chức phi chính phủ Mekong Plus dùng để hỗ trợ cộng đồng rộng lớn hơn thông qua các sáng kiến ​​phát triển như tài chính vi mô, học bổng và các chương trình giáo dục về sức khỏe, vệ sinh và nông nghiệp.

Trong khi đó, với mong muốn mang lại nhiều giá trị bền vững hơn cho cộng đồng, các dự án của Joy Foundation tập trung vào cung cấp nước sạch cho đồng bào thiểu số tại Tây Nguyên. Anh Nguyễn Siêu Hạnh, nhà sáng lập Công ty TNHH xã hội Joy Foundation, chia sẻ bên cạnh các dự án về nước sạch, doanh nghiệp còn nỗ lực tái trồng rừng tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn. Anh cho biết, Joy Foundation sẽ tiếp tục mở rộng, xây dựng và duy trì quan hệ đối tác lâu dài với các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ nhằm tăng phạm vi tiếp cận và tác động từ các dự án đến cộng đồng thụ hưởng.

Và những áp lực chưa kể

Có thể thấy, dù là doanh nghiệp hướng đến cộng đồng nhưng cũng giống các mô hình doanh nghiệp thông thường, các nhà điều hành này vẫn phải đối diện không ít khó khăn, trong đó không thể không kể đến nỗi lo tài chính.

Anh Nguyễn Tuấn Khởi, người đứng đầu The Sharing Group với 6 doanh nghiệp xã hội và 4 doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực khác nhau cũng không ít lần phải lấy nghề tay trái nuôi nghề tay phải, tức dùng doanh thu từ những công ty thương mại bổ sung vào nguồn tiền cho các doanh nghiệp xã hội hoạt động...

Còn rất nhiều điều chưa kể về mô hình doanh nghiệp đặc biệt này và những điều đó sẽ được chính những người sáng lập, điều hành công ty chia sẻ trong chuỗi talkshow Doanh nhân chính truyện được phát sóng vào 9 giờ sáng thứ Ba hàng tuần trên Kinh tế Sài Gòn Online (https://thesaigontimes.vn), Fanpage và YouTube của báo. Số đầu tiên của chủ đề này sẽ ra mắt vào ngày 12-11-2024. Kính mời quý vị cùng đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới