Thứ Bảy, 29/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp xuất khẩu căng thẳng với cước vận tải biển

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) – Doanh nghiệp nhiều ngành hàng xuất khẩu đang “chóng mặt” với tình hình cước vận tải biển đang tăng cao và thay đổi hàng tuần. Điều này buộc doanh nghiệp phải giảm sản xuất, thay đổi phương thức giao hàng, thị trường và nỗ lực tìm kiếm giải pháp vượt khó.

Tàu neo ngoài khơi chờ đến lượt cập bến ở Cảng Singapore. Ảnh: Getty

Doanh nghiệp “chóng mặt” với cước vận chuyển tăng

Trao đổi với KTSG Online, lãnh đạo của một công ty nông sản khu vực ĐBSCL cho biết, từ cuối tháng 4-2024 đến nay cước tàu vận chuyển đường biển tăng nhanh đến chóng mặt, dẫn đến nhiều khó khăn với các doanh nghiệp xuất khẩu đi thị trường châu Âu và Mỹ như công ty ông.

Theo doanh nghiệp này, từ cuối tháng 4 đến nay giá cước tàu vận chuyển đường biển tăng  hơn gấp 2 lần so với hồi quí 1-2024.  Hiện nay cước hàng đi từ TPHCM đến Mỹ loại container 40 feet đã tăng lên hơn 7.000 đô la Mỹ, trong khi hồi đầu năm, giá cước chỉ neo ở mức hơn 3.000 đô la.

Giá cước tàu biển tăng cao chóng mặt khiến các doanh nghiệp xuất khẩu chịu loại phí này đang bị “say sóng” vì giá hàng hóa bị “đội” chi phí lên cao.

Chuyên xuất khẩu hồ tiêu, cà phê, và các loại gia vị khác sang thị trường Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cũng cho biết, công ty đang gặp nhiều khó khăn vì giá cước vận tải biển biến động mạnh.

Vì Phúc Sinh bán hàng theo hình thức CIF (bên bán chịu chi phí vận chuyển) nên khi cước phí vận tải biển tăng lên thì công ty cũng phải chịu chi phí tăng thêm này. Lúc báo giá khách hàng đi Mỹ vào tháng 4 với cước phí vận chuyển là khoảng 2.700 đô la/container thì giờ đã tăng lên gần 8.000 đô la/container, tăng khoảng gấp 3 lần.

Trung bình mỗi tháng Phúc Sinh xuất khẩu từ 400 đến 600 container cà phê, hồ tiêu đến 102 thị trường trên thế giới. “Với mỗi container, Phúc Sinh phải trả thêm khoảng 5.000 đô la. Đây là một khoản tổn thất rất lớn với công ty chúng tôi”, ông Thông lo lắng.

Các công ty dịch vụ logistics báo giá cước tăng liên tục trong khi giá đơn hàng đã hợp đồng từ trước nên doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn, thậm chí phải chịu lỗ để giữ mối hàng.

Chia sẻ với KTSG Online, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, giá cước tàu vận chuyển đường biển tăng nhanh và biến động theo từng tuần, thay vì từng tháng như trước đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này khiến tình hình xuất khẩu vừa mới tươi sáng trở lại thì bị “say sóng”.

Hãng tin CNBC ghi nhận, giá cước vận tải biển giao ngay từ châu Á đến Mỹ tăng từ 36%- 41% chỉ trong vòng một tháng qua. Các hãng vận tải biển cũng tăng các khoản phí bổ sung liên quan đến nhiêu liệu, công suất vận chuyển, chi phí vận hành lên khoảng 140%, khiến tổng chi phí vận chuyển container 40 feet từ châu Á sang Mỹ lên khoảng 12.000 đô la.

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường lớn như Mỹ và khu vực EU… phần lớn đều phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài. Theo ông Thông, một số hãng tàu còn tận dụng khó khăn hiện nay để đẩy giá cước dịch vụ tăng cao.

“Họ đóng rất nhiều tàu. Nhưng khi tình hình khó khăn thì họ lại rút bớt tàu đi làm càng khan hiếm tàu. Điều này dẫn đến giá cước phí càng bị đẩy lên tăng cao”, ông Thông đánh giá và cho rằng, việc thỏa thuận vào trao đổi với các hãng tàu để cùng “chia sẻ” khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu lúc này là hoàn toàn bất khả thi.

Không chỉ xuất CIF, khó khăn đang lan rộng hơn

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu giá FOB (Free on board) sẽ không gồm phí vận chuyển hàng hóa qua đường biển và chi phí bảo hiểm đường biển. Dù vậy, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức CIF bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp xuất khẩu giá FOB cho biết họ cũng bị ảnh hưởng nhiều đến chi phí cước đường biển tăng cao.

Bởi lẽ giữa bối cảnh tình hình kinh doanh khó khăn và chi phí tăng cao, nhà mua hàng sẽ yêu cầu nhà cung cấp cần “chia sẻ khó khăn” bằng việc giảm giá thành sản phẩm. Nếu không, họ sẽ tìm nhà cung cấp khác cạnh tranh hơn để thay thế.

Doanh nghiệp xuất khẩu nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng với cước vận chuyển tàu biển tăng cao. Ảnh minh họa: TL

Điều này sẽ là áp lực rất lớn với doanh nghiệp. Bởi theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, thời gian qua, để tồn tại và có đơn hàng, các nhà sản xuất đã tiết giảm nhiều chi phí và cắt giảm lợi nhuận đáng kể.

Mặt khác, nhiều lĩnh vực sản xuất trong nước còn phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Do đó, giá cước vận tải biển tiếp tục leo thang, giá sản phẩm nguyên liệu nhập khẩu đầu vào cho sản xuất sẽ tăng lên. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) cho biết, giá cước đang tăng ở một số tuyến nhưng sự cố này sẽ tạo thành hiệu ứng domino lên tất cả các chuyến khác cũng như cả ngành logistics. Đó là chưa kể nhiều chi phí khác cũng gia tăng, khiến doanh nghiệp khó chồng thêm khó.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), giá cước vận chuyển tăng cũng khiến nhà nhập khẩu chậm lấy hàng hoặc lấy cầm chừng khiến các doanh nghiệp sản xuất bị tồn kho. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất không có kho để hàng, ít vốn nên rơi vào tình trạng vừa làm, vừa ngóng.

Cước phí vận tải biển ở mức cao khiến hàng loạt ngành hàng xuất khẩu bị tác động mạnh, trong đó, có ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, lúa gạo, hàng điện tử… Đây là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng.

Nguyên nhân khiến giá cước vận tải biển tăng theo các doanh nghiệp logistics là do căng thẳng ở Biển Đỏ kéo dài buộc các hãng tàu phải thay đổi lộ trình, gây ra tắc nghẽn ở Singapore và các cảng phụ cận trong khu vực Đông Nam Á.

Thời gian chờ lấy hàng kéo dài gấp hai đến ba lần thông thường gây ra tình trạng thiếu tàu. Điều này khiến container nằm ở bãi lâu hơn, các hãng vận chuyển rút tàu tạo ra khan hiếm giả.

Ngoài ra những dấu hiệu leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng khiến giá cước vận chuyển tăng lên cao. Bởi lẽ Mỹ dự kiến đánh thuế đối với hàng hoá Trung Quốc như pin, xe điện, vật tư y tế (từ 25% đến trên 100%) vào tháng 8 tới khiến các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy nhanh việc bàn giao hàng trước để né thuế, hoặc đặt chỗ trước với giá cao nên đã đẩy giá vận chuyển tăng lên. Hiện, lượng hàng hóa của các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang dồn tại cảng Singapore khá lớn.

Tìm cách gỡ khó trước khi tình trạng nghiêm trọng hơn

Nhiều nhà nhập khẩu và xuất khẩu cho biết, điều lo ngại nhất là tắc nghẽn cảng có thể trầm trọng hơn trong những tháng vận chuyển cao điểm sắp tới. Việc này có thể khiến giá cước vận tải quay trở lại sát các mức cao trong đại dịch Covid-19. Lúc đó, giá cao nhất cho một container 40 feet trên thị trường giao ngay là hơn 20.000 đô la.

Trước bối cảnh giá cước vận tải tăng cao cùng tình trạng tắc nghẽn cảng, các Hiệp hội doanh nghiệp mong muốn nhà nước có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Doanh nghiệp gỗ cũng bị ảnh hưởng nhiều. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Việc cước tàu tăng quá nhanh sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó trong thời gian tới. Họ đang tìm cách để giảm bớt chi phí cước tàu, có thể phải tạm ngưng xuất khẩu với những đơn hàng kém quan trọng, hoặc xin giãn thời gian giao hàng.

Ngoài ra việc tìm thị trường mới, thị trường gần, dễ giao hàng như Nhật Bản, Hàn Quốc… thay vì tập trung vào châu Âu, Mỹ cũng được doanh nghiệp đẩy mạnh.

Trước những biến động của thị trường vận tải biển, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam làm việc với các doanh nghiệp cảng, hiệp hội, hãng tàu để tìm hiểu vấn đề và tìm giải pháp gỡ vướng.

Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các chi cục hàng hải tăng cường giám sát giá dịch vụ tại cảng biển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.

Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các doanh nghiệp cảng biển đẩy mạnh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng, giảm thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền hàng hóa thông qua cảng biển.

Về dài hạn, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan (hải quan) đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hóa tồn đọng lâu ngày tại cảng biển. Bên cạnh đó là bổ sung các quy định về phân bổ nguồn kinh phí nạo vét tuyến luồng để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Cục Hàng hải đề nghị các hiệp hội ngành hàng nâng cao vai trò, tập hợp các doanh nghiệp thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới