Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ của Hàn Quốc lao đao vì tỷ giá

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đà giảm giá mạnh của đồng won so với đô la Mỹ đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu quy mô vừa và nhỏ ở Hàn Quốc đau đầu. Họ thường được hưởng lợi nhuận lớn hơn kiếm được ở thị trường nước ngoài khi quy đổi ra đồng won. Nhưng họ đang chịu áp lực do chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô bằng đồng đô la tăng vọt.

Đồng won giảm giá hơn 5% so với đô la Mỹ trong năm nay. Đô la Mỹ mạnh làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô của các doanh nghiệp xuất khẩu ở Hàn Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Bloomberg

‘Lợi bất cập hại’ khi đồng won giảm giá mạnh

Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Á, là nhà xuất khẩu hàng đầu toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ. Tuy nhiên, xuất khẩu của nước này lại phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô nhập khẩu, vốn đang ngày càng trở nên đắt đỏ khi đồng won suy yếu. Trong khi đó, xu hướng chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài của các công ty công nghệ Hàn Quốc có nghĩa là lợi nhuận thu được bằng đô la của họ không nhất thiết phải chuyển về nước.

Gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô đặc biệt gay gắt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì họ thường không sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái.

“Cảm giác sợ hãi trong tôi đang tăng dần lên”, Lee Eui-hyun, CEO của Daeil Special Steel Co., một công ty nhỏ chuyên kinh doanh và lắp ráp các bộ phận kim loại sử dụng trong thiết bị công nghiệp, nói.

Daeil phải trả tiền cho hàng nhập khẩu đắt hơn khi tỷ giá hối đoái của đồng won suy yếu, nhưng đồng thời đối mặt áp lực từ các đối thủ đang giảm giá bán sản phẩm của họ.

Khi đồng đô la tiếp tục mạnh lên do thị trường giảm kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ mạnh lãi suất, mối lo ngại về đồng nội tệ yếu đang bao trùm trên khắp châu Á. Các nhà xuất khẩu nhìn chung hưởng lợi khi đồng nội tệ suy yếu, giúp hàng hóa của họ cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế và giúp cải thiện lợi nhuận. Nhưng nếu đồng nội tệ mất giá nhanh chóng, điều này sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô của họ, khiến việc lập kế hoạch kinh doanh trở nên khó khăn hơn.

Đồng won đã giảm giá hơn 5% so với đồng đô la trong năm nay, nằm trong số những đồng tiền có hiệu suất kém ở châu Á bên cạnh đồng yen của Nhật Bản và đồng baht của Thái Lan. Đồng yen đã suy yếu vượt qua qua mốc 1.400 won đổi 1 đô la vào giữa tháng 4. Đó là mức tỷ giá thấp chưa từng thấy của đồng won kể từ cuối năm 2022.

Lee Sang-ho, Phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI), cho biết, ngay cả các công ty lớn như Samsung Electronics, được cho là hưởng lợi lớn khi tỷ giá suy yếu, cũng bất ngờ trước đà giảm giá quá mạnh của đồng won.

Theo Cho Kyung Lyeob, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, những công ty trong nước đang vay tiền nước ngoài để mở rộng sản xuất nằm trong số các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất do vấn đề tỷ giá. Họ bao gồm là các nhà nhập khẩu thép, hóa chất, năng lượng và các hãng hàng không.

“Đồng won yếu tạo ra tác động tiêu cực nhiều hơn tích cực”, ông nói tại một cuộc hội thảo gần đây.

Xuất khẩu của Hàn Quốc tăng trưởng ấn tượng trong những tháng gần đây, với mức tăng gần 14% trong tháng 4 so với một năm trước nhờ nhu cầu kỷ lục ở Mỹ. Nhưng lạm phát trong nước vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc. Đồng won yếu hơn có thể đẩy nhanh tốc độ tăng giá cả trong những tháng tới.

Doanh nghiệp nhỏ thiếu phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok bày tỏ quan ngại về sự suy yếu của đồng won trong cuộc gặp ở Washington với hai người đồng cấp của Mỹ và Nhật Bản.

Đồng yen của Nhật Bản cũng đang giảm giá mạnh so với đô la. Nhưng một điểm khác biệt đáng chú ý giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về tỷ giá hối đoái là cách nhà đầu tư phản ứng với biến động tiền tệ. Đồng yen yếu hơn thường thúc đẩy chứng khoán Nhật Bản với kỳ vọng lợi nhuận ở các công ty xuất khẩu hàng đầu của nước này sẽ tăng lên đáng kể. Nhưng tại Hàn Quốc, đồng won yếu hơn thường khiến thị trường chứng khoán giảm điểm.

Điểm mấu chốt là chi phí nhập khẩu cao hơn có thể làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các công ty Hàn Quốc, trong khi đồng won rẻ hơn không thúc đẩy xuất khẩu được nhiều. Các nhà đầu tư cũng lo ngại đà giảm giá nhanh chóng của đồng won có thể gây bất ổn cho thị trường tài chính.

“Cần phải lưu ý rằng nhà xuất khẩu cũng là nhà nhập khẩu. Giá năng lượng và nguyên liệu thô đã tăng lên đặc biệt kể từ sau đại dịch Covid-19”, Lim Kyung-min, một lãnh đạo ở Liên đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ), nói.

Bất kỳ lợi thế cạnh tranh nào mà các công ty xuất khẩu của Hàn Quốc có được nhờ đồng won yếu hơn có thể dễ dàng bị xói mòn tại các thị trường mà họ đang cạnh tranh với các doanh nghiệp châu Á khác.

“Dữ liệu không cho thấy bất kỳ sự tăng trưởng nào trong xuất khẩu của Hàn Quốc nhờ đồng won yếu”, Lee Jung-hoon, chuyên gia kinh tế của Eugene Investment Co, nói.

Tình hình đặc biệt đáng lo ngại đối với các công ty thiếu các biện pháp phòng ngừa biến động tỷ giá. Trong một cuộc khảo sát do KBIZ thực hiện vào tháng 8 năm ngoái, khoảng 49% các nhà xuất khẩu vừa và nhỏ cho biết họ không có kế hoạch phòng ngừa cụ thể đối với rủi ro tỷ giá.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc hạn chế sử dụng các công cụ phái sinh liên kết tiền tệ kể từ năm 2008 khi các nhà xuất khẩu của nước này lỗ khoảng 2,7 tỉ đô la đối với các hợp đồng bán đô la để đề phòng rủi ro tăng giá của đồng won.

Cuộc khảo sát của KBIZ cũng cho thấy, chưa đến 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thấy sự mất giá của đồng won có tác động tích cực đến lợi nhuận của họ. Trong khi đó, 25% cho rằng đồng won giảm giá gây tác động tiêu cực. Mặc dù họ hy vọng tỷ giá sẽ giảm xuống còn 1.262 won mỗi đô la, nhưng hiện tại nó đang ở mức 1.363 vào thời điểm đóng cửa ngày thứ Sáu.

Lee Eui-hyun, CEO của Daeil Special Steel Co., cho biết đồng won suy yếu kéo dài có thể sẽ làm tăng giá hàng hóa trong nước cũng như hàng nhập khẩu, làm tăng thêm gánh nặng cho các nhà sản xuất như ông.

Tình hình ngày càng căng thẳng đối với các công ty Hàn Quốc đang vật lộn để duy trì thanh toán các khoản vay trong bối cảnh lãi suất ở mức cao nhất trong nhiều năm.

“Chúng tôi chỉ có thể duy trì hoạt động trong sáu tháng đến một năm tới. Sau đó, tình hình sẽ trở nên rất khó khăn”, Lee Eui-hyun chia sẻ.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới