Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp xuất khẩu ở Trung Quốc điêu đứng

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tình trạng giá cả hàng hóa liên tục sụt giảm khiến nhiều công ty xuất khẩu của Trung Quốc đứng bên bờ vực sụp đổ. Trong đó, một số công ty cầm cự duy trì đơn hàng xuất hàng với giá lỗ để giúp công nhân có việc làm. Số khác đang cân nhắc đóng cửa vì dự báo tình hình khó khăn còn kéo dài.

Hoạt động nhà máy ở Trung Quốc đã giảm tháng thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), đo lường giá cả bán từ cổng nhà máy, đã giảm trong 15 tháng liên tiếp. Ảnh: Bloomberg

Lỗ nhưng phải tiếp tục sản xuất

Khi Kris Lin, người sở hữu một nhà máy sản xuất thiết bị chiếu ở nhà máy ở thành phố Thái Châu, tỉnh Giang Tô đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên trong năm nay từ một khách hàng thân thiết ở nước ngoài. Thế nhưng, ông đối mặt với lựa chọn nghiệt ngã là bán với giá lỗ hoặc yêu cầu công nhân không quay lại nhà máy sau tết Nguyên đán.

Theo Lin, doanh nhân này không thể không nhận đơn hàng vì điều này có thể khiến công ty mất khách hàng này mãi mãi, gây nguy hiểm sinh kế của rất nhiều người. "Nếu chúng tôi trì hoãn việc nối lại sản xuất, mọi người có thể bắt đầu nghi ngờ hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Khi tin đồn lan truyền, quyết định của các nhà cung cấp sẽ bị ảnh hưởng”, ông nói.

Lin dự tính sẽ khởi động lại khoảng một nửa công suất của nhà máy sau kỳ nghỉ lễ tết Nguyên đánm, kéo dài từ ngày 10 đến ngày 17-2.

Tình trạng giảm phát giá cả hàng hóa từ cổng nhà máy kéo dài đang đe dọa sự tồn vong của các nhà xuất khẩu nhỏ của Trung Quốc. Những doanh nhân này đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến giá cả khiến doanh thu suy giảm cùng tình trạng lãi suất cao và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng ở nước ngoài làm giảm nhu cầu.

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc, chỉ số đo lường giá cả bán từ cổng nhà máy đã giảm trong 15 tháng liên tiếp làm giảm tỷ suất lợi nhuận đến mức đe dọa sản lượng công nghiệp và việc làm, đồng thời làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của Trung Quốc.

Dữ liệu của Bộ thương mại Trung Quốc cho thấy, khoảng 180 triệu người lao động ở nước này làm các công việc liên quan đến xuất khẩu.

Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng ANZ cho rằng, đối với Bắc Kinh, nhiệm vụ giải quyết vấn đề giảm phát cần phải là ưu tiên chính sách cao hơn so với việc đạt được mục tiêu tăng trưởng dự kiến khoảng 5% trong năm nay.

“Các công ty giảm giá sản phẩm, sau đó giảm lương của người lao động. Khi giá cả trên đà giảm, người tiêu dùng sẽ không mua hàng vì muốn chờ giá giảm thêm. Đây có thể là một vòng luẩn quẩn”, Yeung nói.

Lợi nhuận của các công ty công nghiệp ở Trung Quốc giảm 2,3% trong năm ngoái, sau khi giảm 4% do vào năm 2022. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc, do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, cho thấy hoạt động nhà máy suy giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 1 trong khi đơn đặt hàng xuất khẩu giảm tháng thứ 10 liên tiếp.

Với Lin, điều đó có nghĩa là đơn hàng trị giá 1,5 triệu đô la mà khách hàng đặt thấp hơn 25% so với đơn hàng tương tự hồi năm ngoái. Giá trị đơn hàng này cũng thấp hơn 10% so với chi phí sản xuất.

Các nhà phân tích cho biết, tình trạng xuất khẩu chậm chạp có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cần sử dụng các đòn bẩy khác để đạt được mục tiêu tăng trưởng, làm tăng tính cấp thiết của nỗ lực kích thích tiêu dùng hộ gia đình.

“Tăng trưởng của Trung Quốc càng được tái cân bằng thì áp lực giảm giá và tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy sẽ tiêu tan càng nhanh”,  Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của S&P Global nhận định.

Không dám vay ngân hàng

Trung Quốc đang tập trung các nguồn tài chính vào lĩnh vực sản xuất thay vì tiêu dùng. Điều này làm trầm trọng thêm mối lo ngại về tình trạng dư thừa công suất và giảm phát, ngay cả trong các lĩnh vực sản xuất cao cấp đang bùng nổ như xe điện.

Một lãnh đạo của nhà máy sản xuất khuôn đúc linh kiện ô tô ở tỉnh Chiết Giang dự báo, sản lượng và xuất khẩu của nhà máy sẽ tăng nhưng thu nhập lại giảm do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính để thúc đẩy tăng trưởng, các ngân hàng thương mại đang tiếp cận các nhà máy với những lời đề nghị cho vay lãi suất thấp.

Trong bối cảnh bị các công ty lớn chèn ép, các công ty nhỏ không sẵn sàng vay vốn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh mới. Các công ty tư nhân cung cấp 80% việc làm ở thành thị nhưng đầu tư của những doanh nghiệp này giảm 0,4% trong năm ngoái trong khi đầu tư của nhà nước tăng 6,4%.

“Nhiều giám đốc ngân hàng gọi cho tôi, có vẻ họ rất lo lắng khi không thể cho vay tiền”, Miao Yujie, một nhà xuất khẩu quần áo nói.

Ngay cả sau khi giảm một nửa lực lượng lao động xuống còn khoảng 20 người vào năm ngoái, Yujie vẫn không thể kiếm được lợi nhuận khi các công ty lớn đánh bật doanh nghiệp này ra khỏi thị trường.

“Bạn chỉ cần vay vốn khi muốn mở rộng kinh doanh”, Yujie nói và cho biết thêm, ông đang cân nhắc đóng cửa doanh nghiệp.

Trung Quốc từng trải qua nỗi lo giảm phát vào năm 2015, khi nước này đối mặt với tình trạng dư thừa công suất trong các ngành công nghiệp cơ bản như thép, vốn nằm dưới sự kiểm soát của doanh nghiệp nhà nước. Giới chức trách đã thu hẹp quy mô của các doanh nghiệp này để giảm nguồn cung đồng thời thúc đẩy hoạt động xây dựng hạ tầng và bất động sản để cải thiện nhu cầu.

“Lần này nguyên nhân giảm phát chủ yếu là do công suất dư thừa của khu vực tư nhân”, chuyên gia kinh tế Nie Wen của Hwabao Trust nói và chỉ ra những lĩnh vực đang dư thừa nguồn cung gồm điện tử, hóa chất và sản xuất máy móc.

Các công ty tư nhân đang sử dụng một lực lượng lao động lớn. Vì vậy, nếu những ông chủ này mạnh tay sa thải nhân viên thì đó là điều nhạy cảm đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.

“Rất khó để thu hẹp nguồn cung, vì vậy, Trung Quốc cần phải nỗ lực nhiều hơn để cải thiện nhu cầu trong năm nay”, Nie Wen nhận định.

Đối với các chủ nhà máy, áp lực cắt giảm việc làm rất lớn, ngay cả khi một số người không muốn làm như vậy. Yang Bingben, chủ công ty sản xuất van công nghiệp ở thành phố Ôn Châu cho biết, đã tính đến việc đóng cửa doanh nghiệp nhưng vẫn tiếp tục hoạt động vì cảm thấy trách nhiệm đối với lực lượng công nhân. Hầu hết trong số đó đã gần đến tuổi nghỉ hưu.

"Năm nay, dù khó khăn nhưng sẽ là năm tốt nhất trong vòng một thập niên tới”, ông nói.

Theo Reuters

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới