Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nhân 32 tuổi trở thành tỉ phú nhờ sử dụng AI để môi giới M&A

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Shunsaku Sagami, 32 tuổi, người sáng lập kiêm CEO của M&A Research Institute Holdings, một công ty môi giới mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp trở thành tỉ phú mới nhất của Nhật Bản vào cuối tháng trước. Thành công của anh đến từ việc sử dụng dữ liệu độc quyền và trí tuệ nhân tạo (AI) để môi giới nhanh chóng các thương vụ M&A trong bối cảnh có rất nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản muốn bán lại tài sản do người sáng lập đến tuổi nghỉ hưu nhưng không có người nối nghiệp.

Shunsaku Sagami, người sáng lập kiêm CEO của M&A Research Institute Holdings. Ảnh: Bloomberg

Cuối tháng 4, tạp chí Forbes xác nhận Sagami trở thành tỉ phú mới của Nhật Bản sau khi cổ phiếu của M&A Research Institute Holdings tăng hơn 340% kể từ khi niêm yết hồi tháng 6 năm ngoái. Lượng cổ phần 73% cổ phần mà anh nắm ở công ty này vượt giá trị 1 tỉ đô la Mỹ khi giá cổ phiếu của công ty chạm mốc 10.090 yen (74,23 đô la). Hiện tại, giá cổ phiếu của công ty anh đã giảm một chút, khiến tài sản của anh còn tương đương 950 triệu đô la.

M&A Research Institute Holdings được thành lập vào năm 2018, với sứ mệnh kết nối những khách mua tiềm năng với những doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa dù đang có lãi vì người sáng lập đã già nhưng không có người nối nghiệp. Công ty của Sagami chỉ cần mất trung bình hơn sáu tháng để hoàn thành một giao dịch so với mức trung bình của ngành là 12 tháng. Trong quí kết thúc vào tháng 12-2022, công ty đã hoàn tất 33 giao dịch M&A và tiếp tục xử lý 426 giao dịch khác.

Shunsaku Sagami thấu hiểu vấn đề kế thừa doanh nghiệp ngày càng nhức nhối đối với các doanh nhân ở Nhật Bản, nơi có dân số già nhất thế giới.

Giải pháp của người đàn ông 32 tuổi này là sử dụng cơ sở dữ liệu độc quyền và AI để môi giới giao dịch M&A cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước. Phần lớn người sáng lập của các công ty này đang sắp đến ngưỡng nghỉ ngơi tuổi già.

Sagami tiết lộ anh nảy ra ý tưởng này từ tình cảnh của ông nội anh, người đã dành cả cuộc đời để điều hành một công ty môi giới bất động sản nhỏ ở quê nhà Osaka. Không tìm được người điều hành nối nghiệp, ông buộc đóng cửa công ty khi nghỉ hưu ở tuổi 80.

Sagami kể lại: “Trong văn phòng của ông ấy, có tờ giấy phép hành nghề môi giới bất động sản đóng khung treo trên tường. Thật buồn khi chứng kiến nó bị gỡ xuống và vứt đi”/

Trong một bài thuyết trình hồi tháng 4, M&A Research Institute Holdings lưu ý 620.000 doanh nghiệp đang có lãi ở Nhật Bản được dự báo có nguy cơ đóng cửa vì thiếu người nối nghiệp. Và chính phủ Nhật Bản ước tính, đến năm 2025, có 2,5 triệu doanh nhiệp vừa và nhỏ có chủ sở hữu ngoài 70 tuổi. Khoảng một nửa trong số họ không có kế hoạch cụ thể về tương lai doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa và 6,5 triệu việc làm bị mất mát, gây thiệt hại 22 nghìn tỉ yen (162 tỉ đô la) cho GDP của đất nước.

“Một số lượng lớn doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản có những người sáng lập già nua và không có người nối nghiệp đang ngày càng sẵn sàng bán tất cả hoạt động kinh doanh của họ”, Tim Morse, giám đốc của Asymmetric Advisors, một công ty tư vấn giao dịch chứng khoán ở Nhật Bản, nói.

Theo Teikoku Databank, một công ty nghiên cứu tài chính, hơn 99% các công ty ở Nhật Bản là doanh nghiệp vừa và nhỏ và khoảng 2/3 trong số đó không có người nối nghiệp.

Kể từ khi thành lập cách đây 5 năm, M&A Research Institute Holdings phát triển đội ngũ nhân viên lên hơn 160 người gồm 115 nhà tư vấn M&A. Công ty này đã hoàn tất 62 giao dịch M&A trong 6 tháng tính đến tháng 3-2023, tăng từ 26 giao dịch trong cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của công ty tăng gấp đôi lên 3,9 tỉ yen (28,6 triệu đô la) và tăng gần 10 lần so với năm tài chính 2020.

Sagami, người tốt nghiệp ngành sinh học và nông nghiệp tại Đại học Kobe, có tham vọng thành lập doanh nghiệp riêng từ rất sớm. Để trau dồi kỹ năng trong các lĩnh vực khác nhau, anh đã làm việc với tư cách là nhà thiết kế, nhà phát triển phần mềm và nhân viên tiếp thị. Sagami cũng thử thành lập một công ty thương mại điện tử và một công ty gia sư. Năm 2013 , anh gia nhập hãng quảng cáo MicroAd và phát triển các thuật toán cho các hệ thống quảng cáo.

Năm 2015, khi mới 25 tuổi, anh thành lập công ty truyền thông thời trang có tên gọi Alpaca và sau đó vào năm 2017 bán lại cho Công ty quan hệ công chúng Vector, có cổ phiếu niêm yết ở thị trường chứng khoán Tokyo.

Tuy nhiên, Sagami nhận thấy quá trình giao dịch kéo dài và không hiệu quả. Vì vậy, anh đã nghĩ ra một thuật toán AI có thể kết nối người mua với người bán doanh nghiệp, đồng thời đơn giản hóa nhiều bước hành chính cũng như thủ tục giấy tờ liên quan.

Không giống như các chuyên gia tư vấn M&A, những người thường dựa vào các ngân hàng tìm kiếm khách hàng và cạnh tranh với nhau để có được các giao dịch, M&A Research Institute Holdings sử dụng cơ sở dữ liệu rộng lớn để thực hiện hoạt động môi giới. Các cố vấn M&A của Sagami sau đó sẽ thực hiện các cuộc đàm phán và thỏa thuận có thể được hoàn thành nhanh chóng trong vòng sáu tháng.

Phí môi giới và tư vấn M&A chỉ được tính khi giao dịch thành công và có thể lên tới 5% đối với các giao dịch có giá trị từ 500 triệu yen trở xuống. Đội ngũ cố vấn của M&A Research Institute Holdings kiếm được trung bình 60 triệu yen cho mỗi thương vụ thành công trong quí gần nhất.

“Khi còn là một cậu bé, tôi luôn nghe ông nội kể những câu chuyện về cách trở thành một doanh nhân thành công. Ông ấy nói với tôi rằng: Giả sử cháu có một tờ vé số với xác suất trúng là 1% nhưng chắc chắn. Ngay cả khi cháu thất bại 99 lần, cháu sẽ thắng trong trong lần thử thứ 100 của mình. Cháu hãy tiếp tục cố gắng cho đến khi thành công”, Sagami chia sẻ ý chí lập nghiệp được truyền cảm hứng từ người ông.

Theo Bloomberg, Forbes

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới