(KTSG Online) - Sản xuất xanh, tái chế rác thải, phụ phẩm bỏ đi thường tốn nhiều chi phí, công sức và gặp không ít rào cản trong câu chuyện thuyết phục người tiêu dùng chi tiền. Vậy những nhà kinh doanh kiếm tiền từ những nguồn nguyên liệu bỏ đi đã bị hấp dẫn bởi những nguồn lợi gì để bước vào con đường khó này?
- Doanh nhân chính truyện: ‘công thức’ tạo nên tên tuổi các chuỗi F&B
- Giải mã các ẩn số đằng sau ‘miếng bánh’ F&B
Để mang lại lợi nhuận dài lâu, các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực tái chế không chỉ dùng câu chuyện “bảo vệ môi trường” là yếu tố then chốt thuyết phục đối tác, khách hàng. Điều khiến cho doanh nghiệp tự tin khi mang sản phẩm của mình ra thị trường là giá trị sử dụng thực tế và mức độ cạnh tranh của sản phẩm khi được “trình làng”.
Lục tìm những tấm bạt cũ, trải qua nhiều công đoạn chọn lọc và xử lý kỳ công, thương hiệu Dòng Dòng Sài Gòn đã biến nguồn bạt phế phẩm thành những chiếc túi xách, balo, ví tiền…với giá thành không hề rẻ. Điều gì đã khiến Dòng Dòng Sài Gòn đứng vững và cạnh tranh trên thương trường với ý tưởng và sản phẩm này? Thương hiệu thuyết phục khách hàng của mình như thế nào khi tâm lý chung của người tiêu dùng e ngại “đồ cũ”? Câu chuyện đó sẽ được chị Trần Kiều Anh, nhà sáng lập Dòng Dòng Sài Gòn, hé lộ trong chương trình Doanh nhân chính truyện - Signature Voice với chủ đề “Những người biến phế phẩm thành vàng".
Không chỉ riêng câu chuyện của Dòng Dòng Sài Gòn, đến với Signature Voice kỳ này, anh Đỗ Anh Dũng, Giám đốc Đông Đô, cũng chia sẻ về tiềm năng kinh tế mà thương hiệu nhìn thấy được ở nguồn rác thải. Thay vì dùng nguồn gỗ tự nhiên làm nguyên liệu sản xuất, doanh nhân này đã chọn thu gom nguồn nhựa phế phẩm để tạo ra tấm ván có nhiều tính năng nổi trội so với các sản phẩm truyền thống. Chính nhờ điều này, nhà sáng lập Đông Đô tự tin có thể thu được lợi nhuận đáng kể và mang lại giá trị bền vững cho doanh nghiệp.
Cùng mục tiêu thu lợi nhuận bền vững từ nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường, nhiều doanh nghiệp cũng đối diện những bài toán khó tương tự nhau. Chị Nguyễn Thị Kim Xuyến, nhà sáng lập Onways, cho biết việc cân bằng chi phí và làm sao để hợp thị hiếu khách hàng vẫn là khó khăn “muôn thuở” mà các doanh nghiệp phải nghĩ cách đối mặt. Cùng làm trong ngành thời trang, tận dụng bã cà phê, nguyên liệu sinh học sản xuất các mặt hàng dệt may, anh Võ Thành Phước, giám đốc phát triển Faslink, cho biết việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh lại là câu chuyện không dễ dàng.
Gặp không ít trở ngại trong hành trình thương mại hoá các phụ phẩm nông nghiệp để làm ra các hạt nhựa sinh học, anh Lê Thanh, nhà sáng lập AirX Carbon đã kể về hành trình “gỡ vướng” bằng cách cân đối tỷ lệ nguồn nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất để hạ giá thành… Và còn rất nhiều những câu chuyện thú vị, chân thật trên con đường biến những thứ tưởng chừng hết giá trị thành những sản phẩm mới với một “cuộc đời” mới chinh phục thị hiếu người tiêu dùng.
Để có thể hiểu rõ hơn các câu chuyện này, mời quý vị đón xem chuỗi talkshow Doanh nhân chính truyện vào 9 giờ sáng thứ Ba hàng tuần, trên Kinh tế Sài Gòn Online (https://thesaigontimes.vn) và trên kênh fanpage Facebook cùng YouTube của báo.
Số đầu tiên của chủ đề này sẽ ra mắt vào ngày 6-8-2024. Kính mời quý vị cùng đón xem!